TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 29/3/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 302678
  NÔNG NGHIỆP

  "Kích hoạt" khả năng làm kinh tế của hộ nghèo
20/08/2020

Không chỉ được vay tiền, người nông dân các địa phương còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đó là điểm mạnh của hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trong thời gian qua. 

Nhiều mô hình sản xuất của huyện Châu Đức phát huy hiệu quả nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong ảnh: Mô hình nuôi dê giúp gia đình bà Nguyễn Thị Bình (thôn Quảng Thành, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức).
Nhiều mô hình sản xuất của huyện Châu Đức phát huy hiệu quả nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong ảnh: Mô hình nuôi dê giúp gia đình bà Nguyễn Thị Bình (thôn Quảng Thành, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức).

Hội Nông dân huyện Châu Đức là một trong những cơ sở quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tại địa phương đã giải ngân được tổng nguồn vốn trên 15 tỷ đồng, cho 404 hộ vay với 36 dự án. Từ nguồn vốn này, các hộ đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng cây… Theo đánh giá của các hộ nông dân,  nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời nên đã giúp người dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Qua đó, nhiều nông dân khó khăn, thiếu vốn đã tạo dựng được mô hình sản xuất kinh doanh ổn định, nâng cao thu nhập. 

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Bình (thôn Quảng Thành, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) là một trong những nông hộ khó khăn trên địa bàn xã. Thu nhập chính chỉ trông chờ vào vụ thu nhập từ hoa màu. Dù đã chủ động học hỏi các gia đình xung quanh, thay đổi phương thức sản xuất, song thu nhập của gia đình chị vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2016, chị Bình dự học lớp tập huấn chăn nuôi dê, đồng thời được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Cùng với số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn mua gần 50 con dê để nuôi. Nhờ được tập huấn kỹ về chăn nuôi dê, cùng với sự chăm chỉ, chịu khó không ngừng học hỏi, sau 4 năm,  đàn dê của gia đình chị Bình không ngừng phát triển về số lượng, lên đến 150 con. Mỗi năm xuất bán từ 2-3 lứa, trừ các chi phí, gia đình chị thu lãi từ 120-150 triệu/năm. 

Từ ngày đầu tư máy móc để phát triển kinh tế, chi phí đầu tư sản xuất rau của gia đình ông Nguyễn Văn Bảng (thôn Tân Hà, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) giảm 10-15%.
Từ ngày đầu tư máy móc để phát triển kinh tế, chi phí đầu tư sản xuất rau của gia đình ông Nguyễn Văn Bảng (thôn Tân Hà, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) giảm 10-15%.

Còn ông Nguyễn Văn Bảng (thôn Tân Hà, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) cho biết, gia đình ông có 4.000m2 đất trồng rau ăn lá. Năm 2018, gia đình ông được vay Quỹ Hỗ trợ nông dân 30 triệu đồng. Từ số tiền này, gia đình ông đã có thêm vốn để đầu tư mua máy cày nhỏ, lắp hệ thống nước tưới tự động với các béc phun, tưới từ ngọn và mở rộng diện tích vườn, mua thêm phân bón cải tạo vườn... ông Bảng cho biết: Từ ngày đầu tư hệ thống tưới tiêu, có thêm máy cày, năng suất rau cao hơn mọi năm. Chi phí đầu tư, công chăm sóc vườn rau cũng giảm. Nhờ có hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm nguồn nước, thuốc và phân tro đỡ tốn kém hơn 10-15% so với trước đó.

Theo Hội Nông dân tỉnh, nhằm triển khai có hiệu quả, không thất thoát nguồn vốn và cho vay đúng đối tượng, trong quá trình bình xét cho vay, Hội Nông dân các cấp tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn. Hội ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn. Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Các cấp Hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên.

Ông Đoàn Văn Hai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm, xác định việc bảo đảm an toàn nguồn vốn là quan trọng nhất trong công tác quản lý vốn, vì vậy, trước khi tiến hành giải ngân cho vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trực tiếp thẩm định 100% số hộ xin vay. Sau khi thẩm định phải bảo đảm đủ điều kiện thì mới giải ngân. Giải ngân xong, Hội tiếp tục kiểm tra theo định kỳ và đột xuất nhằm nhắc nhở các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích vì khi sử dụng vốn đúng mục đích để bảo đảm nguồn vốn được an toàn.  

Điểm mới trong quản lý vốn vay Quỹ của Hội Nông dân tỉnh là ngoài việc hỗ trợ vốn vay cho nông dân, còn có trách nhiệm trong việc hỗ trợ về đầu ra của sản phẩm. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh thường xuyên liên hệ với các DN, đơn vị hỗ trợ nông dân bằng việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, như dự án trồng bơ, thanh long, nấm… Hướng dẫn nông dân đăng ký thương hiệu sản phẩm để đủ điều kiện tham gia cung cấp sản phẩm cho các đơn vị, ông Đoàn Văn Hai cho biết thêm.

Theo Hội Nông dân tỉnh, tính đến tháng 6/2020, tổng nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt gần 82 tỷ đồng, trong đó hơn 52 tỷ đồng là nguồn vốn cấp tỉnh. Hội đã thực hiện giải ngân số tiền gần 72 tỷ đồng cho 2.424 lượt hộ vay theo 186 dự án, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. 


Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu