TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 29/3/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 302571
  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Du lịch nông nghiệp ĐBSCL: Bắt cá, trồng lúa, đi cày "hút" khách nước ngoài
03/10/2018

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư tại hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo NTNN/Dân Việt tổ chức vào sáng nay (1.10).

Tăng thu nhập người dân

Theo Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Do vậy, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, cần phải đa dạng hoá ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Tiến nhận định: "Hoạt động du lịch vừa tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người dân nông thôn. Phát triển du lịch sẽ lan toả ra các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ; làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn".

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng, việc khai thác lợi thế về cảnh quan, địa hình để tổ chức du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn cũng là một mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch ở nông thôn. Có thể nói, du lịch nông thôn đang là xu hướng phát triển của thế giới hiện nay. Tại Việt Nam cũng đã có những mô hình thành công, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.

Ông Tiến chia sẻ, nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp vùng, miền độc đáo, chất lượng, đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau. Các loại hình du lịch như: Trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, sinh thái… đã phát triển, chiếm tỷ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.

“Thông qua đó, các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp đã được khai thác một cách sáng tạo để phục vụ du khách, như: Khuyến khích xây dựng nhà có phòng cho thuê mang phong cách truyền thống địa phương; sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; người dân sử dụng món ăn, mặc trang phục truyền thống phục vụ khách... Những hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu rất hấp dẫn khách du lịch nước ngoài”, ông Tiến thông tin.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch ĐBSCL chủ yếu thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là khách từ thị trường Âu - Mỹ, những người muốn khám phá vẻ đẹp dân dã của vùng miệt vườn sông nước bằng cách hòa nhập vào đời sống thực tế của người dân địa phương.

Gắn du lịch nông nghiệp với xây dựng NTM

Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, mới phát triển theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu và chưa thực sự bền vững; các sản phẩm du lịch còn chưa rõ nét và hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch về cả số lượng cũng như chất lượng như mức chi tiêu bình quân hàng ngày, số ngày lưu trú chưa cao.

Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do tính định hướng phát triển kinh tế du lịch gắn với nông thôn, nông nghiệp của Nhà nước còn chưa rõ. Các địa phương bắt nhập với xu thế phát triển chưa nhanh, chưa quyết liệt.

Nói về giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, ông Tiến kiến nghị, muốn gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp nói riêng, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn nói chung nhằm đảm bảo xây dựng NTM bền vững, phải thực hiện song song 2 trục giá trị trong nông nghiệp, nông thôn. Đó là giá trị thu được từ bán sản phẩm nông sản và giá trị thu được từ hoạt động du lịch thông qua các dịch vụ tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, trải nghiệm sản xuất, hưởng thụ môi trường sinh thái, trải nghiệm văn hóa nông thôn…

“Ngay trong quá trình chỉ đạo xây dựng NTM, chúng ta phải đặc biệt coi trọng vấn đề này; gắn phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống”, ông Tiến đề nghị.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, tại Việt Nam, nhiều nơi đã và đang đẩy mạnh chú trọng khai thác loại hình du lịch nông nghiệp. Các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng cũng đang dần khẳng định vị thế và tích cực nâng cấp chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp của địa phương, đặc biệt xây dựng loại hình du lịch nông nghiệp tại các vùng NTM.

Danviet
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu