TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM LỊCH LÀM VIỆC
Thứ Năm, 25/4/2024
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND xã
Thủ tục hành chính
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmDịch vụ
TIN TỨCGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 90591

  TÀI LIỆU KHCN

  Quy trình kỹ thuật trồng mới và chăm sóc cao su
24/03/2014

Cao su là một trong những cây công nghiệp dài ngày chủ lực có nhiều lợi thế của tỉnh Quảng trị. Tiềm năng đất đai và khí hậu thời tiết Quảng trị rất thích hợp cho việc phát triển cây cao su với quy mô lớn, tỉ suất hàng hoá cao; Cao su là cây có lợi ích tổng hợp cả về  nông nghiệp, lâm nghiệp và hiệu quả kinh tế, là “cây tạo việc làm ổn định, xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân”.

Vào thời điểm hiện nay có thể nói Cao su là cây đang tạo ra“vàng trắng”, giá trị và lợi nhuận thu được từ cây Cao su rất cao. Với năng suất bình quân toàn tỉnh hiện nay khoảng 1,5 tấn mủ khô/ha, giá bình quân 30 triệu đồng/tấn, chi phí thực tế 20 - 25 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 20 - 25 triệu đồng/ha/năm. Thực tế đã chứng minh cây Cao su đang là cứu cánh cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

PHẦN A: KỸ THUẬT TRỒNG MỚI CAO SU

         I. Các tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu:  Thời gian kiến thiết cơ bản: 7 - 8 năm; Tiêu chuẩn vườn cây khi hết thời kỳ KTCB: Tỷ lệ cây hữu hiệu đạt >85%, mật độ thiết kế và tối thiểu đạt 50% số cây đạt tiêu chuẩn khai thác.

        II. Chuẩn bị thiết kế và xây dựng vườn cây: Các điều kiện tự nhiên rất quan trọng để vườn cây cao su có hiệu quả, muốn trồng cao su có hiệu quả phải đáp ứng các yêu cầu sau:

* Khí hậu thời tiết vùng trồng cao su: Lượng mưa hàng năm ≥ 1.500mm; Số giờ nắng trung bình > 1.600giờ;  Mùa khô ≤ 5 tháng; Tốc độ gió trung bình < 6m/s; Độ cao < 700m so với mặt nước biển.

* Đất trồng cao su: Tầng đất dày > 80cm; Thoát nước tốt, mực nước ngầm > 1,5m; Đất có < 80% cát và tỉ lệ đá sỏi < 35%; Thích hợp là có tỉ lệ cát và thịt, sét tương đương nhau;  Độ dốc: < 20%.

Đất đã trồng bạch đàn không nên trồng cao su vì tác hại của chất phenol sinh ra từ cây bạch  đàn.

          2. Khai hoang và làm đất trồng cao su : Kỹ thuật làm đất trồng cao su tuỳ theo hiện trạng và mục tiêu sử dụng đất.

         - Đối với hiện trạng thực bì là cỏ tranh, cây có làm bụi: Phát dọn cỏ cách mặt đất tối đa  20cm, dọn sạch toàn bộ lô trồng (Có thể dùng thuốc trừ cỏ để phun); Sau đó cày bằng thủ công hoặc cơ giới trên hàng trồng Cao su rộng 3m (đối với vùng Cao su không có trồng xen) hoặc cày toàn bộ diện tích  (nếu có trồng xen cây ngắn ngày).

       - Đất  đã canh tác: Tiến hành đào hố trên hàng trồng cao su (không áp dụng chế độ khai hoang  làm đất); Nếu có  trồng xen thì cày thủ công hoặc cày máy giữa hàng Cao su băng rộng 3m.

          3. Thiết kế lô trồng:

          a. Thiết kế lô trồng cao su áp dụng cho cao su tiểu điền < 5ha, có đường liên lô để vận chuyển đi lại.

          Nếu đất có độ dốc < 8%: Trồng thẳng hàng theo hướng Bắc -Nam; Nếu đất có độ dốc từ 8% - 20%: Thiết kế hàng theo đường đồng mức;

          Mật độ trồng: 6m x 3m (555cây/ha).

          b. Hệ thống chống xói mòn, chống úng

          Độ dốc 8 - 20%: làm 2 bờ chắn cách nhau 6 hàng cao su (Kích thước bờ đáy  rộng 2m, mặt rộng 0,5m, chiều cao 0,8m)

           III. Trồng cao su:

          1. Đào hố, bón phân:

          - Kích thước  hố 0,6m x 0,6m x 0,6m (Đất đáy để sang một bên, đất mặt bỏ một bên, đất để ải tối thiểu 10 - 15ngày).

          - Bón lót 10kg phân hữu cơ hoai mục và 1kg lân nung chảy trên 1 hố. Nếu không có phân hữu cơ thì bón lót 3 - 5kg phân vi sinh thành phần chỉ có than bùn hoạt hoá lên men và lân. (Tuyệt đối  không được dùng phân vi sinh có đạm và kali).

          - Xử lý 0,5kg vôi bột trên 1 hố trước khi bón lót.

          - Thời vụ đào hố và trộn phân lấp hố  trước trồng 15 - 30 ngày.

          * Chú ý: Phải thiết kế hàng trồng và hố đào trước khi đào hố và khi bón lót chỉ lấp đất mặt trộn với phân hữu cơ và phân lân nung chảy cho xuống hố, cắm một cọc chính giữa hố để đánh dấu điểm trồng.

            2. Thời vụ trồng mới:

          Trồng vào tháng 9 và tháng 10 dương lịch (Khi đất đủ ẩm), có thể kéo dài thời vụ trồng đến 15 tháng 11 khi thời tiết thuận lợi.

            3. Giống và tiêu chuẩn giống:

Các giống cao su đang được khuyến cáo trồng ở miền Trung theo thứ tự ưu tiên như sau: PB260, PB255, RRIM 600, RRIM 721, RRIC 100, GT1, RRIC 121, RRIV 4, RRIV 2, RRIV 3, PB 235… Các giống PB 235, RRIV 4, RRIV 2 không khuyến cáo cho vùng có gió mạnh và vùng có bệnh lá phấn trắng nặng.

Trên địa bàn tỉnh ta đang trồng các giống như GT1, RRIM 600, PB235, PB 260, PB 255, RRIV 4…

Lưu ýKhi trồng giống RRIM 600 cần lưu ý phòng trừ bệnh nấm hồng, loét sọc mặt cạo, rụng lá mùa mưa; Hạn chế trồng các giống PB 235, RRIV4 ở vùng có gió mạnh, đặc biệt các xã gần biển, vì đây là các giống chống chịu gió kém, dễ bị gãy đổ khi gặp gió to.

Có thể trồng cao su bằng tum trần hoặc bầu cắt ngọn hay bầu có tầng lá.

           - Tiêu chuẩn Tum trần: Đường kính cây đo cách mặt đất 10cm đạt từ 15 - 20mm chiếm 85 - 90% và đường kính cây từ 21 - 25mm chiếm tỷ lệ 10 - 15%. Mắt ghép tốt, sống ổn định, tum không được tróc võ, không bị dập, rễ cọc phải thẳng, sau khi xử lý bộ rễ dài tối thiểu 40cm.

          Tiêu chuẩn Tum bầu: Đường kính gốc ghép  tối thiểu 14mm, tối đa 20mm; Mắt ghép tốt, sống ổn định. Bầu không bị bể, cây không bị long gốc. Chuẩn bị bầu cắt ngọn như chuẩn bị Tum trần, sau khi cắt ngọn nhấc bầu lên khỏi rãnh, cắt bỏ phần rễ  đâm ra khỏi bầu. Thời gian cắt ngọn đến khi trồng không quá 5 ngày.

           4. Trồng Cao su:

          Tum trần: Điều kiện đất đủ ẩm mới triển khai trồng Cao su. Trước khi trồng Tum phải hồ rễ bằng cách nhúng vào một hỗn hợp sền sệt (gồm 2/3 bùn nhão + 1/3 phân bò tươi + 4% lân + nước).

          Trước khi trồng dọn sạch rễ, cỏ xung quanh hố, sau đó dùng cuốc móc đất lên với độ sâu bằng chiều dài của rễ cây Tum: Đặt tum thẳng đứng chính giữa tâm hố, mắt ghép quay về hướng gió chính (Tuỳ theo địa hình cụ thể),  mí dưới mắt ghép ngang mặt đất, lấp đất vào hố từng lớp và dậm kỹ để đảm bảo đất bám vào rễ Tum và sau cùng lấp đất  kín cổ rễ ngang đến mí dưới mắt ghép.

           * Trồng bầu: Trước khi trồng dọn sạch rễ, cỏ xung quanh hố, sau đó dùng cuốc móc đất lên với độ sâu tương ứng với chiều cao của bầu. Dùng dao bén cắt sát đáy bầu  và cắt bỏ tất cả phần rễ cọc nhú ra khỏi bầu và phần rễ xoắn.  Đặt bầu chính giữa tâm hố, mắt ghép quay về hướng gió chính (hướng Đông bắc hoặc Tây nam) tuỳ theo địa hình cụ thể, mí dưới mắt ghép ngang mặt đất. Dùng dao bén rạch mở bầu theo đường thẳng hướng  từ dưới lên trên. Kéo nhẹ túi bầu  lên đến đâu thì lấp đất đến đó và dùng chân nén đất xung quanh bầu từng lớp một, không được đầm vào trong bầu đất  làm vỡ bầu và hại rễ bàng. Bầu được giữ thẳng trong hố và tương tự như trồng tum lấp đất ngang mí dưới mắt ghép.

          5. Cắm máng: Sau khi trồng xong cần dùng  máng tre dài 30 - 35cm, rộng 3 - 5cm cắm cách gốc 5cm để bảo vệ chồi.

          6. Trồng dặm: Trồng dặm bằng bầu 2 - 3 tầng lá ổn định, chỉ cần tỷ lệ 10% trồng dặm bằng Bầu; Cùng với thời điểm trồng, thì Tum được bỏ vào Bầu và chăm sóc khi cây có 2 - 3 tầng lá thì đem dặm vào trong vườn trồng đại trà (khi đất đủ ẩm). Kỹ thuật chăm sóc tương tự như chăm sóc Tum, Bầu trên.

PHẦN B: CHĂM SÓC VƯỜN CAO SU KIẾN THIẾT CƠ BẢN

          1. Tủ gốc: Tủ gốc vào 2 năm đầu, bằng cỏ khô hay lá khô phủ quanh gốc cây; Tủ gốc thực hiện vào cuối mùa mưa nhằm giữ ẩm đất quanh bộ rễ. Mặt khác phần nguyên liệu tủ gốc phân huỷ sẽ bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất và bảo vệ đất khỏi bị xói mòn và giảm sự phát triển của cỏ.

          Tủ gốc quanh cây thành đường vòng tròn đường kính 1m và tủ cách gốc 10 - 20cm.

          2. Tỉa chồi: Có 2 giai đoạn tỉa chồi:

          - Ngay sau khi trồng, tỉa bỏ tất cả chồi từ gốc ghép; Tỉa chồi thực hiện sau khi trồng 3 tuần và tiếp tục tỉa những cành lên từ gốc ghép (không lên từ mắt ghép) để cho chất dự trữ của cây chỉ nuôi chồi ở mắt ghép.

          - Giai đoạn tiếp tỉa chồi ngang để có đoạn thân cạo dài 2,5 - 3m, các đợt này thực hiện một tháng 1 lần hoặc khi cần thiết nhất trong năm 2, năm 3. Cắt bỏ dần các cành ngang nằm trong tầm với thẳng của cánh tay, nhưng không được uốn cong cây  và còn chừa ít nhất 3 - 4 tầng lá trên cây.

          - Từ 2,5m trở lên tán sẽ phát triển tự nhiên không cần  cắt tỉa.

          - Tỉa cành bằng dao bén, cắt từ dưới lên, nếu cành to dùng cưa tay.

          - Tỉa cành muộn và cành to sẽ làm cây mất sức và để lại vết sẹo lớn, mặt cạo gồ ghề, dễ cạo phạm.

          - Trường hợp cây gãy, cần cưa cây theo vết nghiêng. Sau đó, một chồi khoẻ nhất sẽ được chừa lại để thành thân chính sau này và tỉa bỏ các chồi khác.

          - Các cây trồng vào Bầu  để chuẩn bị dặm cũng phải tỉa chồi.

           3. Kích thích phân cành: Cần kích thích phân cành trên cây cao hơn 3m mà chưa có cành, có 2 cách:

          Cách 1: Nắm gom 6 - 10 lá phía trên của tầng lá cuối cùng và cắt với dao bén còn chừa cuống lá. Cần chừa lại vài lá trưởng thành để cung cấp dinh dưỡng cho tầng này. Sau khoảng 2 tuần cắt lá, các mầm lá nách sẽ phát triển  và chồi sẽ mọc nhanh từ những nơi này.

          Cách 2: Nắm gọn các phía trên của tầng lá cuối cùng, bao che đỉnh sinh trưởng  và buộc lại bằng một sợi dây. Sau vài tuần, mầm nách lá phát triển và các cành ngang mọc ra, ta tiến hành  tháo mở lá ra.

          4. Bón phân:

          Trồng mới: Mỗi hố bón 10kg phân hữu cơ hoai mục và 1 kg phân lân nung chảy, nếu không có phân hữu cơ thì  bón lót 3 - 5 kg phân vi sinh thành phần chỉ có  than bùn hoạt hoá lên men và lân. (Tuyệt đối không được dùng phân vi sinh có đạm và kali)

          - Chăm sóc:

          Phân được bón 2 lần trong năm vào đầu (tháng 9 - 10) và cuối mùa mưa (tháng 3 - 4), phát cỏ trước khi bón phân, sau khi bón phân xới nhẹ và lấp đất.

          Trong 2 năm đầu phân được bón  theo hình vòng tròn cách gốc 0,2m - 0,4m. Năm thứ 3, thứ 4 bón dọc theo hàng cây với băng rộng 1,2 - 1,5m; Từ năm thứ 5 bón rãi giữa hàng với băng rộng 1 - 2m.

Bảng 1Lượng phân hàng năm cho loại đất trung bình:

 

Năm  sau trồng

urê (46% N)

Lân Nung chảy

(16% P205)

Kali (60% K2O)

kg/ha

g/cây

kg/ha

g/cây

kg/ha

g/cây

Trồng mới

 

 

555

1.000

 

 

Năm 1

100

180

200

360

40

70

Năm 2

120

220

200

360

57

100

Năm 3

150

270

200

360

70

120

Năm 4

180

320

250

450

70

120

Năm 5

200

360

250

450

70

120

Năm 6

200

360

250

450

70

120

Năm 7

200

360

250

450

70

120

Tổng cộng

1.150

 

 

2.155

 

 

 

447

 

 

 

    5. Quản lý giữa hàng cao su:

          5.1. Trồng xen:  Khi cần trồng xen, phải giữ khoảng cách nhất định với hàng Cao su. Cây xen cần được trồng sớm, càng nhanh càng tốt để tránh xói mòn đất. Không nên để đất trống giữa các vụ trồng. nên chừa lại tàn dư  thực vật như (thân, lá...) để làm giảm rửa trôi đất giữa các vụ trồng.

          5.2. Cây phủ đất: Nếu không trồng xen và không trồng cây phủ đất, ta phải phát cỏ giữa hàng ít nhất 2 lần trong năm chừa lại độ cao cây cỏ 20 - 23cm là đủ, tránh sự cạnh tranh với cây cao su  và giảm được sự xói mòn.

          6. Làm cỏ:  Làm cỏ quanh cây Cao su rất quan trọng  để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng; Nhưng không làm cỏ quá sạch thường xuyên vì sẽ làm đất trơ trọc, chỉ cần phát cỏ là đủ.

          6.1. Làm cỏ trên hàng cao su:          Làm cỏ trên hàng cao su có thể bằng biện pháp thủ công phải có băng rộng 2m cách mỗi bên hàng cao su 1m, làm cỏ 2 đến 4 lần trong năm tuỳ theo tình hình phát triển của cỏ; Thỉnh thoảng  có thể dùng thuốc trừ cỏ như Glyphosate, 2 lần trong năm, tránh phun thuốc vào thân cây:

          * Trường hợp cỏ tranh:          Nếu cỏ cao hơn 40cm, cần phát sát mặt đất, sau khi cỏ mọc lại cao 20 - 30cm, sử dụng 5lít glyphosate/ha (1.800gam hoạt chất) đối với khoảng cách 6 x 3m và băng diệt cỏ rộng 2m trên hàng trồng chỉ cần 1,5 lít Glyphosate/ha.

          * Trường hợp không có cỏ tranh: Phun thuốc diệt cỏ hỗn hợp bằng 3lít Glyphosate/ha (1.800gam hoạt chất).

         6.2. Gở cắt dây leo: Khi cây phủ đất phát triển, có thể bám quấn thân cây cao su, cần tháo gỡ dây leo định kỳ.

         6.3. Làm cỏ giữa hàng:  Khi không trồng xen, có thể kiểm soát cỏ giữa hàng bằng phát cỏ bằng tay định kỳ (ít nhất 2 đợt/năm). Phát cỏ thấp còn 20 - 30cm đủ để tránh cạnh tranh với cây cao su, giảm xói mòn và duy trì lớp đất mặt.

          7. Chống cháy: Hàng năm trong mùa khô, lô cao su có nguy cơ bị cháy. Cách phòng cháy đầu tiên là chăm sóc vườn cây đúng mức, như phát cỏ, làm cỏ trên hàng; kế đó làm đường ngăn lửa; Bước thứ 3 là phải biết khi nào người lân cận đốt chuẩn bị đất để trồng.

          Mặt khác phải tự trang bị các công cụ phòng chống chữa cháy như chỗi đập lửa...

 

PHẦN C: CHĂM SÓC VƯỜN CÂY CAO SU KINH DOANH

1- Làm cỏ:

1.1. Làm cỏ hàng: Làm sạch cỏ cách gốc cây cao su mỗi bên 1 - 1,5m bằng thủ công hoặc bằng hoá chất diệt cỏ, tránh gây thương tổn cho thân, không kéo đất ra khỏi hàng đối với đất bằng.

Đối với đất dốc chỉ làm cỏ bồn cách gốc 1m, phần còn lại tiến hành phát cỏ như làm giữa hàng.

1.2. Làm cỏ giữa hàng: Phát có thường xuyên giữa hàng cao su, giữ lại thảm cỏ dày 10 - 15 cm để chống xói mòn. Không được cày giữa hàng cao su.

        2. Bón phân: Việc chăm sóc cao su thời kỳ khai thác là rất cần thiết để giúp cây tiếp tục tăng trưởng và tiếp tục sản sinh ra nhiều mủ và lâu dài.

* Năm cạo: 1 - 10

- Phân chuồng: 2,5 - 3 tấn/ha (5 - 7 kg/cây).

- Phân đạm urê: 196 kg/ha (0,35 kg/cây).

- Phân lân nung chảy: 500 kg/ha (0,9 kg/cây).

- Phân kaliclorua: 150 kg/ha (0,3 kg/cây).

* Năm cạo 11 - 20:

- Phân chuồng: 2,5 - 3 tấn/ha (5 - 7 kg/cây).

- Phân đạm urê: 217 kg/ha (0,4 kg/cây).

- Phân lân nung chảy: 500 kg/ha (0,9 kg/cây).

- Phân kaliclorua: 167 kg/ha (0,3 kg/cây).

* Lưu ý:  Phân chuồng bón cách năm;  Nên dùng dùng các loai phân NPK để bón thay phân đơn, lượng bón tuỳ theo loại phân; Ví dụ  phân NPK 16 - 16 - 8 bón 600 - 700kg/ha

 Bón 2 lần trong năm: tháng 2 - 3 và tháng 9 - 10.

* Cách bón: Trộn phân đều rãi đều trên băng rộng 1 - 1,5 m giữa luống cao su với đất bằng, đất dốc cần xẻ rãnh giữa luống rồi bón phân lấp đất và tủ lá lên để hạn chế mất phân.

PHẦN D: SÂU BỆNH HẠI CÂY CAO SU

1. Bệnh phấn trắng lá: Bệnh này do Oidium Hevea, phân bố khắp các vùng trồng cao su ở Việt Nam

          * Tác hại:  Mùa bệnh phổ biến nhất khi cây thay lá già và ra lá non đầu năm, bệnh phấn trắng gây rụng lá non và hoa trên  mọi lứa tuổi cây cao su.

          * Triệu chứng: Trên lá bị bệnh có màu trắng ở cả 2 mặt lá. Các dòng vô tính thường bị nhiễm bệnh nặng như GT1, PB235. VM515, PR261...

* Biện pháp xử lý:

          - Đối với cây khi bị bệnh cần sử dụng một trong loại thuốc như bột thấm nước Kumulus 0,3%, Sumieight 0,2% hoặc rắc bột lưu huỳnh 9 - 12kg/ha… phun  lên tán lá khi có 10% lá non nhú chân chim trên vườn và ngừng phun khi đã có 80% lá đã già, thực hiện 3 - 4 lần mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày vào buổi sáng ít gió.

          Trường hợp vườn cây đã đến thời kỳ khai thác mủ mà bị bệnh phấn trắng, không có điều kịên để phun lên tán lá thì áp dụng  biện pháp xử lý gián tiếp là tăng cường bón phân vào cuối mùa mưa.

          2. Bệnh héo đen đầu lá: Do nấm Collectotrichum gloeosporioides, gây hại khắp các vùng trồng cao su, nhất là vùng mưa nhiều bệnh nặng.

          * Tác hại: Thường xảy ra trên vườn ươm và Cao su KTCB, bệnh xảy ra trong mùa mưa ẩm. Bệnh gây chết chồi và chết ngọn.

          * Triệu chứng: Bệnh gây rụng lá non dưới 2 tuần tuổi, lá già không rụng  thì mặt lá méo mó, gồ ghề. Bệnh gây khô ngọn, khô cành từng phần hoặc chết cả cây. Các dòng nhiễm nặng như GT1, PB86.

Nấm này cùng với nấm Collectotrichum Ficus gây ra bệnh đốm vòng trên lá cây Cao su ở vùng đất xấu.

          * Biện pháp xử lý: Sử dụng các loại thuốc như Boócđô nồng độ 1%, Daconil 0,2%, Sumieight 0,15%, Oxy clorua đồng  0,5%... chỉ phun trên tán lá non, chu kỳ phun 7 - 10 ngày /lần.

          3. Bệnh rụng lá mùa mưa và thối trái: Do nấm Phytophthora Potryosa và nấm P.palmivora, bệnh xảy ra trong mùa mưa nhưng có tính địa phương và từng vùng.

          * Tác hại: Bệnh gây rụng lá già và thối trái.

          *Triệu chứng: Điển hình của bệnh là trên cùng lá bị rụng có 1 hoặc nhiều cục mủ màu trắng. Nấm này  sẽ làm chết tược ghép mới trồng ở ngoài vườn cây  và làm chết cây non ở ngoài vườn nhân, vườn ươm.

          Các dòng vô tính bị nhiễm nặng GT1, RIM600, PB235, VM515, PR261.

          *Biện pháp xử lý: Phun thuốc Boócđô1%, hoặc Ridomil MZ-72: 0,3-0,4%... Trên chồi non bị bệnh phải cắt bỏ  phần bị thối  và bôi thuốc chống nấm gây bệnh và ngay sau đó bôi mỡ Vaseline.

4. Bệnh khô cành, khô ngọn:

          Có 2 nguyên nhân: Do hậu quả của các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, rụng lá mùa mưa dẫn đến khô ngọn, khô cành làm chết cây KTCB hoặc gió, bảo, rét, hạn, sét đánh, thiếu phân bón...

          * Biện pháp xử lý: Tuỳ theo nguyên nhân  mà có biện pháp thích hợp như bón phân, chống rét, chống hạn, làm cỏ sạch sẽ. Khi cây bị khô cành, khô ngọn thì phải cưa phần bị chết khô sau đó bôi thuốc nước chống nấm và sau cùng bôi mỡ vaseline chống mối mọt.

           5. Bệnh nấm hồng: Do nấm Corticium Salmonicolor, phân bố ở vùng mưa nhiều, ẩm độ cao, bào tử nấm lây lan do gió.

          * Tác hại: Bệnh thường xảy ra ở trên cây >3 tuổi, bệnh thường phát sinh chỗ phân cành với thân cây.

          Các dòng vô tính dễ nhiễm là RRIM600, GT1, PB310.

          * Triệu chứng: Ban đầu cành bị bệnh có mủ chảy và có tơ nấm hình mạng nhện màu trắng, lúc bệnh nặng nấm chuyển sang màu hồng; Khi cành chết lá khô rụng, phía dưới vết bệnh mọc ra nhiều chồi.

* Biện pháp xử lý: Phát hiện bệnh sớm để xử lý kịp thời. Dùng thuốc Validamycine 5SL nồng độ 1,2% (Nếu dùng Validacin 3SL nồng độ 2%).

          Phun thuốc nước bằng bình phun đeo vai có vòi nối dài. Sau khi phun phải thường xuyên kiểm tra đánh dấu cây bệnh để xử lý lại nếu bệnh chưa khỏi. Trên cây  ở thời kỳ KTCB có thể quét Boócđô đặc tỷ lệ 1 : 4 : 20 (1 CuSO4 + 4 vôi + 20 nước) hoặc phun boocđô 2%. Vào mùa khô tiến hành cưa, cắt cây hoặc cành bị chết đưa ra khỏi lô để đốt bỏ nguồn bệnh.

6. Bệnh loét sọc mặt cạo:

Do nấm Phytophthora Palmivora và Phytophthora botrtosa. Phân bố phổ biến vùng mưa ẩm độ cao, nhiệt độ thấp.

*Tác hại: Bệnh phá huỷ một phần hoặc cả mặt cạo.

*Triệu chứng: Ban đầu là những sọc đen nhỏ, thẳng đứng trên mặt cạo, các vết bệnh có thể liên kết thành sọc lớn, vỏ thối nhũn, mủ và nước vàng rỉ ra, có mùi hôi thối, bên dưới vỏ bệnh có mủ.

*Phòng và trị bệnh: Không cạo mủ khi cây còn ướt, vườn cây phải sạch cỏ và thông thoáng, thường xuyên vệ sinh mặt.

Trên các cây đã bị bệnh nếu ở giai đoạn sọc đen, quét các loại thuốc đặc trị như Ridomil MZ72, Mexyl MZ72… lên mặt cạo 3 - 10 ngày một lần, tuỳ theo mức độ bệnh; Trên các cây bị bệnh nặng, nơi vỏ bị phồng rộp, xì mủ phải nạo bỏ lớp vỏ bị phồng, lấy mủ bên dưới, nạo nhẹ lớp gỗ bị thâm đen và bôi thuốc Rildomil hay Actidione lên lớp nạo và lớp vỏ bên trong.

7. Bệnh khô miệng cạo:

Bệnh xuất hiện trên vườn cây khai thác, chưa rõ nguyên nhân, hiện vẫn được xem là một bệnh sinh lý, hiện nay chưa có biện pháp xử lý triệt để.

*Triệu chứng: Cây cạo đang cho mủ bình thường, xuất hiện các đoạn khô mủ ngắn trên miệng cạo, vết khô lan nhanh và sau đó cây bị khô mủ hoàn toàn. Có thể phân cây khô mủ thành hai loại:

+ Khô mủ toàn phần: Miệng cạo bị khô hoàn toàn, mặt cạo bị khô và xuất hiện các vết nứt trên vỏ cạo;

+ Khô mủ từng phần: Miệng cạo bị khô từng đoạn ngắn, nếu cho cây nghỉ cạo một thời gian thì cây có thể phục hồi và cho mủ bình thường.

* Xử lý:

+ Phòng: Cạo đúng chế độ cạo quy định, chăm sóc bón phân đầy đủ cho vườn cây, nhất là vườn có bôi chất kích thích mủ.

+ Trị: Khi thấy cây cạo không có mủ là dấu hiệu bị bệnh, phải nghỉ cạo, dùng đót chích thử mủ dưới miệng cạo, cứ cách 5cm chích một lỗ dọc theo băng xuống dưới để xác định giới hạn vùng bị khô, từ chỗ đó cạo một đường song song với đường caọ củ một đường sâu tới gỗ để cách ly, chống lan rộng xuống phần vỏ phía dưới; Cho nghỉ cạo 1 - 2 tháng sau đó kiểm tra tình trạng bệnh, nếu khỏi thì khỏi thì cạo lại với cường độ nhẹ hơn, kết hợp chăm sóc bón  phân.

  8. Các bệnh rễ cây:

          * Bệnh rễ đỏ - Bệnh rễ nâu - Bệnh rễ trắngĐều do 3 loại nấm khác nhau gây nên 3 loại bệnh rễ kể trên.

          - Phân bố: Bệnh rễ đã phát sinh ở Miền Trung chủ yếu là bệnh rễ đỏ và bệnh rễ nâu.

          - Tác hại: Bệnh rễ đỏ thường gây tác hại trên cây Cao su thời kỳ KTCB

          - Triệu chứng: Khi cây bị các bệnh rễ thì cây phát triển xấu, lá vàng cụp xuống. Rễ cao su bị bệnh rễ đỏ khi rửa sạch thấy có màu đỏ. Trường hợp rễ dính nhiều đất khó rửa sạch và nhiều rễ con mọc đó là rễ nâu, nấm trắng mọc nhiều ở ngoài rễ là bệnh rễ trắng.

          - Biện pháp xử lý: Những vùng có bệnh rễ phải định kỳ điều trị để xử lý kịp thời, đào và cắt bỏ phần bị bệnh,; Phải quét Boócđô, bột nhão kalicin hoặc rắc bột lưu huỳnh xung quanh rễ không bị bệnh, lấp đất dậm lại, đánh dấu sơn lên cây bị bệnh.            

9. Hiện tượng cây bị cháy nắng:

           Do cây con đột ngột trong bóng râm đưa ra nắng hoặc tưới nước ít,  nhất là lúc trời nắng gắt. Hiện tượng cây bị cháy nắng cũng xảy ra nơi mặt đất quá nóng tủ sát gốc cây, cỏ tranh dày đặc.

          * Phân bố: Thường xảy ra ở đất sỏi, đất xấu.

          * Tác hại: Thường xảy ra trên cây con và cây ở thời kỳ KTCB.

          * Triệu chứng: Cây chết hoặc thối đồng loạt cùng một phía ở đoạn thân gần mặt đất, ở trên mặt lá thì bị cháy loang lổ.

          * Biện pháp xử lý: Tưới nước đầy đủ và liên tục vào lúc trời mát. Tủ gốc phải cách xa gốc Cao su 10cm và phủ một lớp đất mỏng, tạo bồn cho cây mới trồng, diệt sạch cỏ trên hàng cây.

          Nơi thường xảy ra cháy nắng thường dùng vôi đặc 5 - 10% quét lên đoạn thân đã hoá nâu gần mặt đất.

          10. Hiện tượng bị sét đánh:

          Hiện tượng bị sét đánh vào cây Cao su xảy ra bất thường trong mùa mưa, cây hư hại từng cụm. Cây bị sét đánh làm héo lá rất nhanh, thường gây ra chết cả cây hoặc chết một phía  của cây. Cần phát hiện sớm để cưa cắt bỏ phần bị chết. Bôi thuốc chống nấm và bôi Vaseline để chống mối mọt trên cây.

          11. Câu cấu ăn lá: Sâu thuộc bộ cánh cứng, cánh có màu ánh kim, thường sống thành từng cụm 3 - 4 úp dưới mặt lá, giả chết khi rơi xuống đất, bay không xa, ăn gặm lá già chừa gân lá lại.

          Ấu trùng thì rễ Cây cao su, bắt câu cấu phải dùng vợt, phun thuốc trừ sâu phải dùng thuốc Bi58 tỷ lệ 1/400, Danitol, Sumicidin theo hướng dẫn trên nhãn của bao bì thuốc.

          12Nhện đỏ - Nhện vàng hại cao su:

           Xuất hiện trong mùa lá cùng lúc với bệnh rụng lá phấn trắng: Nhện thường gặp trên vườn cây con và vườn cao su KTCB. Nhện nằm  ở dưới mặt lá, lá bị nhện vàng hại có gợn sống, hai mép lá không đối xứng nên dễ nhầm với triệu chứng thiếu kẽm, lá bị nhện đỏ hại thì hai bên mép lá eo lại.

          Xử lý: Dùng thuốc Bi59 0,2, Polysunlua Can xi 1/100 - 1/70 Chỉ phun thuốc khi dịch hại.

          13. Mối gây hại Cao su: Mối gây hại ăn vỏ hoặc gặm chết  làm cây chết cây Cao su.

           Không lấp rác và cỏ tươi xuống dưới hố trồng. Tủ rác giữ ẩm phải xa gốc Cao su. Làm cỏ không gây vết thương ở cổ rễ. Dùng thuốc trừ  mối tưới xung quanh gốc. Khi chuẩn bị hỗn hợp  phân bò tươi để xử lý hồ rễ Tum trồng mới phải pha thêm thuốc trừ mối.

          14. Sùng hại rễ cây: Sùng là tên gọi chung cho các loại bọ rầy cánh cứng. Ấu trùng màu trắng kem thân cong hình chữ "C". Sâu ăn rễ cây tươi nên cây bị chết. Nơi đất tốt nhiều mùn, nhiều phân hữu cơ thì có nhiều sùng.

            Dùng thuốc Bi58 nồng độ 0,05% tưới xung quanh gốc hoặc rắc bột trừ sâu khác./. 

TTKNKNQT
In trang Quay lại Lên trên

  
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (064) 3 881 114 - Fax: (84.064) 3 881 114
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu