Một số giống rau lai F1 thích hợp gieo trồng ở miền Nam
17/08/2020

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống ớt, dưa leo và khổ qua lai F1 cho các tỉnh phía Nam” với mục tiêu chung là chọn tạo được giống lai F1 ớt cay, dưa leo, khổ qua có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu khá một số sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại các tỉnh phía Nam.

Qua thời gian thực hiện, đề tài đã tạo được 5 giống lai F1 mới được Hội đồng Khoa học của Cục Trồng trọt công nhận kết quả nghiên cứu, bao gồm:

1. Giống dưa leo lai F1 LĐ7

1.1. Nguồn gốc và đặc điểm chính

Giống dưa leo F1 LĐ7 được lai tạo từ 2 dòng bố mẹ D12 và D77. Giống được công nhận cho sản xuất thử năm 2012.

Giống dưa leo F1 LĐ7 sinh trưởng mạnh, thích hợp trồng nhiều vụ trong năm. Giống có khả năng phân nhánh trung bình, hoa cái tập trung trên thân chính, cho thu hoạch quả sớm sau trồng 33 ngày, vỏ quả màu xanh đậm, dạng quả thon dài, gai quả trắng, trọng lượng quả 120 g, dài quả 16 cm, đường kính 3,8 cm, thịt quả giòn. Giống cho năng suất cao, đạt trung bình 35 - 40 tấn/ha, có khả năng chống chịu bệnh đốm phấn và bệnh do vius.

1.2. Yêu cầu kỹ thuật

Dưa leo F1 LĐ7 có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào vụ đông xuân và đầu mùa mưa tại các tỉnh miền Nam.

Khoảng cách trồng 1,2 m x 30 cm nếu trồng hàng đơn; hoặc 1,5 m x 0,6 m x 35 cm nếu trồng hàng đôi. Mật độ trồng 30.000 - 40.000 cây/ha.

Lượng phân trung bình cho 1.000m2: 50 – 100 kg vôi, 50 - 100 kg phân hữu cơ vi sinh, 11 kg urê + 12 kg KCl + 4 kg DAP + 100 kg NPK 16-16-8. Cách bón như sau:

- Bón lót toàn bộ lượng phân hữu cơ và 40% NPK 16-16-8,

- Từ 7 - 10 ngày sau gieo: Tưới dặm 50% urê + 100% DAP,

- Từ 20 - 25 ngày sau gieo: Bón thúc 50% urê + 60% NPK 16-16-8 +100% KCl. 

2. Giống đậu bắp lai F1 LĐ8

2.1. Nguồn gốc và đặc điểm chính

Giống đậu bắp F1 LĐ8 được lai tạo ra từ 2 dòng bố mẹ ĐB2 và ĐB5 do Viện Cây ăn quả miền Nam lưu giữ. Giống được công nhận cho sản xuất thử năm 2012.

Giống đậu bắp F1 LĐ8 có độ đồng đều cao, cây sinh trưởng khỏe. Quả màu xanh và dạng quả suông đẹp, cho thu quả đầu sớm khoảng 45 ngày sau gieo, khối lượng trung bình quả lớn (20 - 25g), số quả/cây nhiều và tỉ lệ quả gai ít, năng suất khảo nghiệm đạt 18 -23 tấn/ha, khả năng chống chịu bệnh gỉ sắt và bệnh đốm lá tốt.

Giống đậu bắp F1 LĐ8 được trồng nhiều tại huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), năng suất thâm canh đạt 30 tấn/ha với thời gian thu hoạch hơn 2 tháng, rất ít sâu bệnh.

2.2. Yêu cầu kỹ thuật

Giống thích hợp phát triển ở các tỉnh miền Nam trong cả hai vụ đông xuân và hè thu. Khoảng cách: (60 - 70)  x (30 - 40) cm. Gieo 1 hạt/hốc. Mùa mưa nên gieo với khoảng cách thưa hơn mùa nắng.

Lượng phân bón cho 1.000 m2: 50 – 100 kg vôi, 50 – 100 kg phân hữu cơ vi sinh, 15 kg urê,  31 kg super lân, 9kg  KCl và 3 kg NPK 16-16-8. Cách bón như sau:

- Bón lót: Toàn bộ vôi và phân hữu cơ vi sinh,

- Từ 7 - 10 ngày sau gieo: Tưới dặm 20% ure và 20% super lân,

- Từ 15 - 20 ngày sau gieo: Bón 40% ure, 40% super lân, 50% KCl,

- Từ 30 - 35 ngày sau gieo: Bón 40% ure, 40% super lân, 50% KCl,

- Vào 60, 70, và 80 ngày sau gieo: Bón 1 kg NPK 16-16-8 mỗi đợt.

3. Giống ớt chỉ thiên lai F1 LĐ14

3.1. Nguồn gốc và đặc điểm chính

Giống ớt chỉ thiên F1 LĐ14 được lai tạo từ tổ hợp lai OT3 x OT15 và được đưa vào sản xuất từ năm 2017.

Giống ớt chỉ thiên LĐ14 sinh trưởng mạnh, ra hoa sớm (29 - 33 ngày sau trồng), cho thu hoạch quả sớm (68 - 72 ngày sau trồng), chống chịu được bệnh thán thư. Quả có màu xanh đậm khi chưa chín và đỏ đậm khi chín, dạng suông đẹp, khối lượng trung bình 2,1 - 3,2 g, dài 4,7 - 6,0 cm, đường kính 9,9 - 10,3 mm, thịt quả dày 0,8 - 1,2 mm, chắc quả, vị rất cay.

Giống ớt chỉ thiên LĐ14 đã được khảo nghiệm sản xuất tại Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Tháp, năng suất đạt 30,6 – 31,7 tấn/ha, ít nhiễm bệnh, chất lượng quả phù hợp yêu cầu thị trường.

3.2. Yêu cầu kỹ thuật

Vụ khô (đông xuân): gieo tháng 10 - 11, thu hoạch tháng 2 - 3. Có thể gieo sớm vào tháng 8 - 9, thu hoạch tháng 12 - tháng giêng năm sau. Vụ mưa (hè thu): gieo tháng 4 - 5, thu hoạch tháng 8 - 9. Bón vôi với lượng 80 - 100 kg cho 1.000m2 đất trồng.

Lượng hạt giống cần cho 1.000 m2 từ 20 - 30 g hạt giống. Trồng hàng đơn (cây cách cây 0,4 - 0,5 m, mô rộng 1 m)  hoặc hàng đôi (cây cách cây 0,5 m, mô rộng 1,4 m). Mật độ trồng trung bình 20.000 – 28.000 cây/ha.

Lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau: 150 – 200 kg phân hữu cơ vi sinh, N: 15 - 20 kg, P2O5: 16 - 18 kg, K2O: 18 - 20 kg.

Có thể tưới dặm thêm tùy theo tình hình sinh trưởng của cây. Đối với chân đất ruộng thì kết hợp bón phân với bồi bùn. Nếu trồng trên đất liếp thì sau khi bón phân cần xới xáo vun gốc lấp phân.

Sử dụng thêm phân bón lá có chứa Ca và các chất vi lượng. Lúc cây ra hoa nên phun CaBo. Giai đoạn cây mang quả thì không sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, nhất là trong mùa mưa vì sẽ tăng bệnh thán thư.

4. Giống khổ qua lai F1 LĐ15

4.1. Nguồn gốc và đặc điểm chính

Giống khổ qua lai F1 LĐ15 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo từ tổ hợp lai K32 x K1, được đưa vào sản xuất năm 2017.

Giống khổ qua F1 LĐ15 sinh trưởng mạnh, thích hợp trồng nhiều vụ trong năm, khả năng phân nhánh khá, ít nhiễm các loại bệnh hại như sương mai, phấn trắng. Giống có quả màu xanh bóng, dạng quả thuôn, gai nở, quả có khối lượng 125,7 - 141,7 g, chiều dài quả 14,4 - 14,8 cm, đường kính 4,8 - 4,9 cm, thịt quả dày 10,0 - 11,3 mm thích hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Giống khổ qua F1 LĐ15 đã được khảo nghiệm sản xuất tại Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Tháp, năng suất đạt 35,4 - 38,4 tấn/ha, ít nhiễm bệnh, chất lượng quả phù hợp yêu cầu thị trường.

4.2. Yêu cầu kỹ thuật

Khi chuẩn bị đất trồng bón 300 - 500 kg vôi cho 1 ha. Trồng hàng đơn hoặc hàng đôi, hàng cách hàng 1 - 1,2 m, cây cách cây trên hàng 30 - 40 cm, mật độ trung bình 24.000 – 27.000 cây/ha.

Lượng phân sử dụng cho 1 ha: Phân hữu cơ vi sinh 500 kg, phân hóa học gồm 100 kg KCl,  950 kg NPK 15-15-15 (tương đương công thức: 140 kg N + 140 kg P2O5 + 200 kg K2O/ha). 

Cách bón: Toàn bộ phân phân hữu cơ vi sinh được bón lót. Lượng phân hóa học được chia đều làm 3 đợt bón gốc vào giai đoạn 20 ngày, 35 ngày và 50 ngày sau gieo. Trong thời gian thu quả có thể bón thêm 50 kg NPK 15-15-15/ha. Vén màng phủ lên rải phân hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc.

Trong giai đoạn cây nuôi quả có thể phun thêm phân bón lá. Không nên sử dụng phân bón lá có tỷ lệ đạm quá cao. Nên sử dụng loại phân bón lá hữu cơ có chứa Canxi, Mg, Bo và các chất vi lượng khác.

5. Giống ớt chỉ địa lai F1 LĐ16

5.1. Nguồn gốc và đặc điểm chính

Giống ớt chỉ địa F1 LĐ16 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo từ tổ hợp lai OĐ37 x OĐ32 được đưa vào sản xuất năm 2017.

Giống ớt chỉ địa F1 LĐ16 sinh trưởng mạnh, ra hoa sớm (26 - 29 ngày sau trồng), cho thu hoạch quả sớm (61 - 66 ngày sau trồng), chống chịu được bệnh thán thư. Quả có màu vàng khi chưa chín và đỏ tươi khi chín, quả thuôn bóng đẹp, khối lượng trung bình quả 14 - 18 g, quả dài 8,1 – 10,4 cm, đường kính 1,7 – 2,1 cm, thịt quả dày 2,2 – 2,8 mm, vị cay. Năng suất khảo nghiệm đạt 19,6 – 22,0 tấn/ha, ít nhiễm bệnh, chất lượng quả phù hợp yêu cầu thị trường.

Giống ớt chỉ địa F1 LĐ16 được trồng nhiều tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, năng suất thâm canh đạt 25 - 30 tấn/ha với thời gian thu hoạch khoảng 2 tháng, rất ít nhiễm bệnh thán thư và bệnh do virus.

5.2. Yêu cầu kỹ thuật

Lượng hạt giống cần cho 1.000 m2 từ 20 - 30 g hạt giống. Bón vôi với lượng 80 - 100 kg cho 1.000 m2 đất trồng.

Vụ khô (đông xuân): gieo tháng 10 - 11, thu hoạch tháng 2 - 3. Có thể gieo sớm vào tháng 8 - 9, thu hoạch tháng 12 - tháng giêng năm sau. Vụ mưa (hè thu): gieo tháng 4 - 5, thu hoạch tháng 8 - 9. Bón vôi với lượng 80 - 100 kg cho 1.000 m2 đất trồng.

Lượng hạt giống cần cho 1.000 m2 từ 20 – 30 g hạt giống. Nếu mô rộng 0,8 - 1 m thì chỉ trồng 1 hàng, mô rộng 1,2 – 1,4 m thì trồng 2 hàng, cây cách cây 0,4 - 0,5 m. Mật độ trồng trung bình 25.000 – 40.000 cây/ha.

Lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau: 150 – 200 kg phân hữu cơ vi sinh, N: 25 - 30 kg, P2O5: 15 - 18 kg, K2O: 18 - 22 kg.

Các yêu cầu kỹ thuật khác tương tự như đối với giống ớt chỉ thiên LĐ14.

BBT


Số lượt đọc: 1658 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác