Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà ở ấp Phước Bình cho biết: “Lâu nay, nông dân thường trồng rau theo kinh nghiệm, không ai nghĩ đến việc học bài bản làm gì. Tuy nhiên, qua lớp học này, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Nếu làm đúng quy trình sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Ngay tại vườn rau, chúng tôi được thực hành cách làm đất, gieo trồng, cách chăm sóc, việc bón phân, sử dụng thuốc xử lý sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGap. Được làm trực tiếp nên ai cũng tiếp thu nhanh, hiệu quả hơn.
Không chỉ có rau an toàn, các lớp học về trồng lúa năng suất cao cũng được Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai ngay trên đồng ruộng. Mới đây tại xã An Nhứt (huyện Long Điền), 35 nông dân đã được dạy trồng lúa theo phương thức cầm tay chỉ việc, bà con nông dân được thực hành ngay trên đồng ruộng của mình. Các phương pháp “3 giảm - 3 tăng”, “5 giảm - 1 giảm” được giáo viên hướng dẫn bà con nông dân áp dụng tối đa nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng trên cùng một diện tích.
Ông Trần Công Danh, chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết: “Qua việc thực hành trên đồng ruộng, bà con nông dân được hướng dẫn cụ thể về trình độ thâm canh cây lúa, gieo sạ mật độ thích hợp, tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học và giống mới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Từ đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại xã An Nhứt để đạt 2 tiêu chí: tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và tăng thu nhập từ sản xuất, trồng trọt”.
Theo ông Nguyễn Đào Cứ, giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh, thời gian qua, việc tổ chức các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn chủ yếu gắn với tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu người học như: thú y gia đình, hoa lan cây cảnh, kết hạt cườm, trồng rau theo hướng VietGap, trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi và phòng trị bệnh trên heo, kỹ thuật nuôi bò vỗ béo…. Đối tượng chủ yếu là nông dân, bao gồm cả nông dân bị thu hồi đất, con em gia đình thương binh liệt sĩ, hộ nông dân nghèo… Thời lượng mỗi lớp dạy nghề từ 2 đến 3 tháng. Trong đó, 1/3 thời lượng học lý thuyết, còn lại chủ yếu là học thực hành theo kiểu cầm tay chỉ việc. “Người dân muốn nuôi con gì, trồng cây gì, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ dạy trực tiếp tại đồng ruộng thay vì ngồi trên lớp để học lý thuyết. Với mô hình mới này, nông dân chỉ cần học 20-30 ngày là biết việc, thạo nghề, biết áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, tự giải quyết việc làm, mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi, thành lập những câu lạc bộ sản xuất chuyên canh, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thu nhập nhờ đó được tăng lên nhiều hơn so với trước khi đi học”, ông Nguyễn Đào Cứ cho biết thêm.