Nuôi tôm trên ruộng muối đem lại hiệu quả cao
Tận dụng những ruộng muối vốn dĩ trước đây bị bỏ hoang vào mùa mưa, nhiều bà con diêm dân ở phường 12 – TP.Vũng Tàu đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi tôm luân canh trên ruộng muối. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tìm tòi học hỏi kiến thức, đến nay nhiều mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đây được xem là một hướng đi mới giúp bà con diêm dân tạo thêm thu nhập khi nghề muối đang khó khăn.
Ông Lê Quang Hùng, một người nuôi tôm sú ở phường 12 cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông chỉ có nghề làm muối. Mấy năm nay, muối liên tục rớt giá đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000, nhờ học được kinh nghiệm nuôi tôm sú trên ruộng muối qua mô hình của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, ông bắt đầu làm quen với nghề nuôi tôm sú. Cũng trên 2.700 m2 ruộng muối thay vì đến mùa mưa thì bỏ hoang, nay ông tận dụng để nuôi tôm. Năm đầu tiên nuôi, ông lãi gần 20 triệu đồng. Đến nay, ông thuê thêm diện tích để nuôi. Ông Hùng cho biết, mùa nắng ông làm muối, mùa mưa nuôi tôm, với 1ha người nuôi có thể lãi đến 170 triệu đồng.
Địa bàn phường 12 – TP.Vũng Tàu có điều kiện tự nhiên phù hợp với nghề làm muối. Những năm trước đây, nhiều hộ gia đình thu nhập chủ yếu từ nghề muối. Thế nhưng, mấy năm nay giá cả bấp bênh, nghề muối chỉ làm được vào mùa khô, các tháng còn lại bà con diêm dân phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để đắp đổi qua ngày. Trước thực trạng đó, năm 1999, Trung tâm Khuyến ngư xây dựng mô hình nuôi tôm sú công nghiệp tại phường 12 để bà con học thêm nghề mới. Năm đầu tiên, có khoảng 7 hộ áp dụng. Sau nhiều năm thành công, đến nay toàn phường có 38 hộ sử dụng diện tích ruộng muối được khai thác nuôi tôm vào mùa mưa, với tổng diện tích trên 60 ha, với năng suất đạt từ 1 - 1,2 tấn/ha. Với giá tôm sú hiện nay vào khoảng 200 ngàn đồng/kg, người nuôi tôm đã yên tâm sản xuất với nghề này.
Một trong những hộ nuôi tôm trên ruộng muối cũng khá thành công ở phường 12 là ông Phạm Văn Bạch. Với kinh nghiệm trên 10 năm nuôi tôm trên ruộng muối, ông Bạch cho biết, khu vực này chỉ nên nuôi 1 vụ chính trong năm vào mùa mưa; bắt đầu thả vào giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 âm lịch, đến tháng 8 âm lịch là phải thu hoạch xong vụ tôm; thả tôm với mật độ vừa phải 15 - 20 con/m2. Nếu nuôi suôn sẻ, một ha nuôi tôm sẽ đạt lợi nhuận trên 170 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm muối.
Theo nhận xét của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, hiện tại, so với những vùng nuôi tôm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, vùng nuôi tôm phường 12 - TP. Vũng Tàu đạt hiệu quả khá và ổn định hơn. Chính vì thế mà năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã mở rộng mô hình này tại xã An Ngãi – huyện Long Điền. Ông Huỳnh Văn Thuyết, một trong số những diêm dân ở xã An Ngãi – huyện Long Điền thử nghiệm mô hình nuôi tôm cho biết, trong những năm qua, nghề muối gặp nhiều khó khăn, trong khi mùa mưa ruộng muối lại bỏ hoang nên thu nhập của bà con diêm dân rất bấp bênh. Mặc dù năm đầu tiên thử nghiệm hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, nhưng chắc chắn dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm và sự nhiệt tình hưởng ứng của bà con diêm dân sẽ dần tích lũy kinh nghiệm để những năm tiếp theo làm tốt hơn. Vì đây là mô hình tốt, giúp nâng cao được hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích nhờ kết hợp giữa sản xuất muối trong mùa nắng và nuôi tôm trong mùa mưa. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền sẽ tiếp tục giúp bà con mở rộng mô hình này - đây thực sự là một hướng đi đúng đắn giúp bà con diêm dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập khi nghề muối gặp nhiều khó khăn như hiện nay.