Ngoài khả năng chịu hạn, chịu phèn và chịu ngập úng tốt, AG 69 cũng là giống chịu thâm canh cao.
Vụ xuân 2014, Cty CP BVTV An Giang phối hợp với Trạm Giống cây trồng Nghi Lộc (Nghệ An) triển khai mô hình trình diễn giống ngô lai AG 69 tại xã Nghi Trung được đánh giá cao cả các tiêu chí sạch bệnh, năng suất cao, chống đổ, chịu hạn và khả năng thích ứng rộng...
Bà Nguyễn Thị Khai, Trạm trưởng Trạm GCT huyện Nghi Lộc cho biết, mô hình được làm trên diện tích 1.000 m2 (2 sào Trung bộ) của gia đình chị Trần Thị Thu, xóm 17. Đây là khu đất pha cát nghèo dinh dưỡng gần trụ sở UBND xã Nghi Trung. Cty BVTV An Giang hỗ trợ giống, gia đình bỏ công lao động, chịu phân bón và thuốc BVTV. Thời gian gieo ngày 15/1, thu hoạch vào giữa tháng 5.
Tại mô hình, mật độ gieo hàng cách hàng 70 - 75 cm, cây cách cây 20 - 25 cm. Gieo một hốc/1 hạt. Lượng phân bón lót cho 1 sào Trung bộ là 500 kg phân chuồng và 18 kg NPK 16-16-8. Bón thúc 2 đợt thêm 7 kg đạm Phú Mỹ và 18 kg NPK 16-16-8.
Mặc dù sau khi gieo, ngô được 3 - 5 lá có bị đợt rét và định mức phân bón chưa được thực hiện nghiêm túc như hướng dẫn nhưng cho đến thời điểm hiện nay năng suất tại mô hình dự kiến có thể đạt khoảng trên 500 kg/sào, tăng so với giống ngô đối chứng trên 100 kg/sào.
Kỹ sư Nguyễn Đình Ân, người trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật tại mô hình cho biết: "AG 69 mới được công nhận chính thức là bộ giống quốc gia vào ngày 26/3/2014. TGST vụ xuân chỉ từ 100 - 110 ngày tại các tỉnh miền Bắc; ở các tỉnh miền Nam do nắng nóng nên TGST ngắn hơn. Đặc biệt phù hợp với vùng đất bãi, đất pha cát và đất hai lúa.
Khả năng chịu hạn, chịu phèn và chịu ngập úng tốt. AG 69 cũng là giống chịu thâm canh cao. Tiềm năng năng suất từ 9 - 12 tấn/ha. Trái ngô hình trụ, lá bi kín đầu bao năng suất cao và ổn định. Hạt có màu vàng sáng, dạng bán đá, sâu cay nên nặng cân.
Tuy nhiên, AG 69 không thích hợp với các chân đất thấp trũng và thoát nước kém, cũng nên tránh gieo trồng tại các chân đất chua, mặn, đất quá nghèo dinh dưỡng. Về thời vụ, gieo trỉa AG 69 vụ thu đông phải chú ý không để cây ngô trổ cờ vào thời điểm từ 13 - 16 độ C".
Ông Trần Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung đánh giá: "AG 69 có bộ lá to, dày, màu xanh đậm. Lúc cây ngô trổ cờ, phun râu, bông ngô tự tẽ ra ngoài nên khả năng hấp thụ phấn tốt hơn giống ngô đối chứng. Đó là lý do tại sao lá bi AG 69 kín và hạt ngô kín đến tận đỉnh.
Điều quan trọng mà các hộ chăn nuôi đại gia súc ưa chuộng là giống ngô lai AG 69 cho đến khi thu hoạch bắp mà cây và lá vẫn xanh tươi nên trở thành sản phẩm phụ để bà con thu hoạch về làm thức ăn cho trâu, bò rất tốt".
Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc nhận xét: "Ngoài thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống ngô lai đối chứng khoảng 9-10 ngày, AG 69 có bộ lá đứng, gọn, bắp đứng đều, bộ rễ chân kiềng khỏe nên chống đổ tốt và chống chịu được với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận cũng như nhiều loại sâu bệnh.
Các yếu tố trên đã cho phép các địa phương trồng dày để tạo lượng sinh khối tươi lớn hơn để tăng thu nhập cho nông dân. Tại mô hình lượng sinh khối hiện chỉ duy trì ở mức từ 2,3 - 2,5 tấn/sào."
Hiện trên địa bàn xã Nghi Lâm, Nghi Lộc đang có mô hình trang trại vỗ béo bò với quy mô tổng đàn 12.000 con nên thời gian qua họ đang triển khai việc thu mua toàn bộ sinh khối cây ngô khi bắp đang còn ngậm sữa có giá từ 1,3 triệu đồng/tấn.
Những lúc khan hiếm thức ăn xanh, giá sinh khối tươi lên tới 1,5 triệu đồng/tấn. Bằng việc trồng dày, bà con nông dân sử dụng giống ngô AG 69 có thể thu nhập từ 2,8 - 3,3 triệu đồng/sào (từ 56 - 60 triệu đồng/ha/vụ).
"Hiện Nghi Lộc có tổng diện tích 4.500 ha chủ yếu gieo trồng các giống ngô lai làm thức ăn chăn nuôi nên việc đưa AG 69 vào khảo nghiệm thành công sẽ tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng diện tích và mang lại lợi nhuận lớn cho bà con nông dân", ông Thọ cho hay.