Với những kết quả đạt được, ngày 29/12/2014, tại Hà Nội, đề tài “Nghiên cứu phương pháp phát hiện vi rút gây bệnh và sản xuất vắc xin phòng bệnh hoại tử thần kinh cho cá mú nuôi công nghiệp” (KC04.03/11-15) đã được nghiệm thu.
Phiên họp hội đồng nghiệm thu được Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 - nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (KC.04/11-15) phối hợp với Văn phòng Các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước (Bộ KH&CN) tổ chức.
Đề tài do TS. Phạm Thị Tâm cùng cộng sự Viện Đại học Mở Hà Nội, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc, Trường Đại học Nông Lâm Huế, Viện Công nghệ Sinh học thực hiện từ tháng 01/2012 - 12/2014 với mục tiêu sản xuất được vắc-xin phòng bệnh hoại tử thần kinh (VNN) cho cá mú có hiệu lực bảo vệ trên 75% cá giống và xác định được phương pháp xác định hiệu quả virus VNN trên cá mú.
Báo cáo kết quả triển khai đề tài, TS. Phạm Thị Tâm cho biết, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu xác định chủng virut gây bệnh VNN trên cá mú công nghiệp nuôi tại Việt Nam; nghiên cứu các đặc tính sinh học của VNN phân lập; chọn lựa chủng VNN và các điều kiện bất hoạt virut để sản xuất vắc-xin; nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp của VNN; nghiên cứu các quy trình sản xuất vắc-xin phòng bệnh hoại tử thần kinh cho cá mú;...
Sau quá trình triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản hẩm như: Vắc-xin phòng bệnh hoại tử thần kinh cho cá mú nuôi công nghiệp, hiệu lực bảo vệ trên 83% cá giống, an toàn 100%, có độ vô trùng tuyệt đối. Đồng thời xây dựng được mô hình nuôi cá mú (lồng và ao) sử dụng văc-xin phòng bệnh VNN hiệu quả cao, tỉ lệ bảo hộ 82%.
Cùng với đó, xây dựng thành công các quy trình công nghệ: sản xuất vắc-xin bất hoạt và vắc-xin tái tổ hợp phòng bệnh hoại tử thần kinh; sử dụng vắc-xin phòng bệnh hoại tử thần kinh trên cá mú; xác định virus gây bệnh hoại tử thần kinh; sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp (đã được chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ). Đã có 9 bài báo khoa học, trong đó có 01 bài báo quốc tế về đề tài được đăng.
Được biết, cá mú đã và đang trở thành đối tượng nuôi có tính an toàn và bền vững hơn hẳn con tôm sú. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề nuôi cá mú, cần không chỉ quan tâm đến vệc nuôi ương, tạo giống, kỹ thuật chăm sóc, môi trường,... mà còn phải chủ động quản lý, phòng trừ dịch bệnh. Ở nước ta, hiện virut gây bệnh hoại tử thần kinh được xác định là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu trên cá mú, cá chẽm, cá bớp. Trong khi đó, các nghiên cứu về bệnh này dường như mới chỉ dừng lại ở việc xác định sự có mặt của virut. Vì thế, kết quả của đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện bệnh học và phòng bệnh. Vắc-xin phòng bệnh là giải pháp hữu hiệu để khống chế được dịch bệnh, làm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm đầu ra. Đồng thời bảo vệ, phát triển bền vững nghề nuôi cá mú.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua và kiến nghị đề tài cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.