Tại Hà Nam, cuối năm 2010 đã tiến hành làm thí điểm tại 2 hộ của xã Văn Xá, huyện Kim Bảng. Trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và kết quả thực tiễn tại HàNam, Chi cục Chăn nuôi thủy sản xây dựng quy trình nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
1. Xây dựng chuồng trại
Nguyên tắc xây dựng chuồng trại phải thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu sau:
- Diện tích chuồng: tùy thuộc quy mô nuôi, song phải đảm bảo tối thiểu là 1,5 m2/con.
- Chiều cao chuồng tính từ mặt nền chuồng đến đỉnh cao của mái từ 3 m - 3,5 m.
- Tường gạch xây bao xung quanh cao 0,8m - 1,2m; phía ngoài có hệ thống bạt kéo nhằm che chắn khi mưa, che gió lùa mùa đông, khi nắng nóng thì kéo bạt lên cho thoáng mát (có thể chống nóng bằng trồng cây dây leo phủ toàn bộ mái chuồng hoặc tận dụng hộp xốp làm trần).
2. Xây dựng nền đệm lót
2.1. Xây dựng nền chuồng
Nền chuồng được chia làm 2 phần: Phần chứa đệm lót chiếm 2/3 diện tích ô chuồng, có chiều sâu khoảng 50 - 60 cm; phần lát gạch hoặc láng xi măng chiếm 1/3 diện tích.
Nếu nền chuồng đã được xây dựng thì tiến hành cải tạo: dùng máy cắt 2/3 diện tích bê tông chuồng, đào sâu 50 cm – 60 cm. Phần còn lại 1/3 diện tích ô chuồng giữ nguyên.
2.2. Chuẩn bị nguyên vật liệu dùng cho 1m2 đệm lót gồm:
+ Mùn cưa, vỏ trấu: cứ mỗi m2 làm đệm lót cần 1m3 (gồm 2/3 là mùn cưa và 1/3 vỏ trấu) nguyên liệu phải sạch, không độc hại được phơi nắng khô 1 tuần trước khi làm đệm lót.
+ Ngô nghiền nhỏ: 1,8 kg/m2.
+ Men vi sinh: 0,1kg/m2.
2.3. Cách làm đệm lót như sau:
- Bước 1 tạo nước men: ngâm 0,8 kg bột ngô + 50 gam men vi sinh vào 10 lít nước khấy đều để khoảng 1 - 2 giờ, rồi đậy kín và ủ ấm 2 ngày, sau đó ta mở nắp ra thấy có mùi men bốc lên.
- Bước 2 tạo hỗn hợp bột: Sau 2 ngày lấy 1kg ngô nghiền + 50 gam men vi sinh trộn đều với một ít nước men (bước 1) trộn đều bảo đảm độ ẩm vừa phải không ướt, không khô để rải trên nền đệm lót. Sau khi tạo hỗn hợp bột xong tiến hành làm đệm lót.
- Bước 3 làm nền đệm lót: gồm 3 lớp
+ Lớp 1: Cho mùn cưa (hoặc trấu) vào nền chuồng làm đệm lót có độ dày 20cm sau đó tưới nước sạch, trộn đều bảo đảm độ ẩm vừa phải không khô và không ướt, đồng thời tưới 5 lít nước men và rắc 0,5 kg bột hỗn hợp (bước 2) trên nềm đệm lót và đảo đều.
+ Lớp 2: Cho tiếp mùn cưa vào nền chuồng dày 20 cm và phun nước, trộn đều bảo đảm độ ẩm vừa phải không khô và không ướt, đồng thời tưới 3 lít nước men và rắc 0,25 kg bột hỗn hợp (bước 2) trên nềm đệm lót và đảo đều.
+ Lớp 3: Cho tiếp mùn cưa vào nền chuồng dày 20 cm và phun nước trộn đều bảo đảm độ ẩm vừa phải không khô và không ướt đồng thời tưới số nước men còn lại và rắc số bột hỗn hợp còn lại (bước 2) trên nền đệm lót và đảo đều, dẫm nhẹ bề mặt đệm lót, sau đó phủ bạt kín.
- Bước 4 thả lợn: Sau 3 - 5 ngày đậy bạt, ta mở bạt ra và kiểm tra độ ấm trong nền chuồng thấy ấm tay thì cào xới lên, sau 60 phút thì cho lợn vào.
3. Chăm sóc nền đệm lót
Sau khi thả lợn vào chuồng, hàng ngày khi lợn thải phân ra, cần phải cào phân trải đều trên nền chuồng. Nếu mặt nền đệm lót trong chuồng khô thì cần phun đều nước sạch cho đủ độ ẩm. Sau 4 tháng bổ sung men gốc 10 gam/m2 nền đệm lót của nền chuồng.
* Chú ý:
- Dùng hệ thống vòi uống nước tự động có máng hứng ở dưới vòi không để nước uống hoặc thức ăn rơi vãi vào nền đệm lót.
- Mùa đông sau khi làm nền đệm lót xong có thể thả lợn vào ngay.
- Nên thả lợn cùng lứa, trọng lượng tương đối đồng đều nhau.
- Nền đệm lót lúc nào cũng phải cao 30 cm so với mức nước cao nhất hàng năm nhằm không cho nước ngấm vào chuồng.
- Nền đệm lót luôn giữ độ ẩm vừa phải không khô quá và không ướt quá.
- Nền đệm lót có thời gian sử dụng từ 4 – 5 năm sau đó làm lại như ban đầu.