Khi trồng rau trong mùa mưa ngoài yếu tố khách quan như mưa, bão kéo dài bà con cần tuân thủ các yếu tố cơ bản sau để có thể đạt được thành công nhất định.
1. Kỹ thuật canh tác
- Thiết kế mương xung quanh ruộng rau phải có rãnh thoát nước tốt và thật nhanh khi gặp mưa nhiều và kéo dài (tránh bị ngập cục bộ quá 12 giờ đồng hồ), vì nếu bị ngập quá lâu rễ cây sẽ bị mất oxy (dân gian gọi là bị ngộp) và khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, tình trạng này nếu kéo dài cây sẽ bị chết hoặc bị tuột lá dẩn đến năng suất bị giãm đáng kể.
- Bón nhiều phân hữu cơ (nếu là phân chuồng thì phải ủ hoai trước khi bón) để tạo độ tơi xốp và nên phủ bạt để hạn chế cỏ dại tránh bị rửa trôi dinh dưỡng.
- Khi bị ngập úng thì lớp đất mặt sẽ bị đóng váng, bà con nên dùng cuốc hoặc chĩa răng để xới xáo nhằm phá bỏ lớp váng đó để tiếp oxy cho rễ cây.
2. Chăm sóc
- Chọn giống kháng được những bệnh thường gặp trong mùa mưa như: Héo dây, Sương mai, Thán thư, Thối nhũn …..
- Kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma bằng cách ủ với phân hữu cơ để bón lót nhằm hạn chế một số loại nấm bệnh hoặc khi cây được 5 – 7 ngày tuổi thì có thể hòa với nước để tưới vào gốc cây rau.
- Sử dụng định kỳ các loại thuốc BVTV để phòng trị một số loại sâu bệnh thường gặp (chú ý nên sử dụng thuốc sinh học và phải đảm bảo được thời gian cách ly của thuốc để an toàn cho rau và người tiêu dùng) và phải luôn luôn vệ sinh đồng ruộng thật sạch sẽ.
Sâu xanh: Dùng Tập kỳ hoặc Takumi 20 WG
Sâu vẻ bùa: Dùng Séc Sài Gòn pha với Dầu Khoáng SK 99
Bọ trĩ: Dùng Cofidor 100 SL hoặc Tatsieu 1.9 EC
Bệnh Sương mai: Dùng Novistar 360 WP hoặc Dithane M 45 WP
Bệnh Thán thư: Dùng Talent 50WP hoặc Novistar 360 WP
Bệnh héo dây: Dùng Polyram 80DF hoặc Ditacin 8 SL
Bệnh thối nhũn: Dùng Validan 5 SC hoặc Stepguard 50 SP