Kỹ thuật trồng gấc
1. Giai đoạn 1:
- Chuẩn bị đất trồng: Cây Gấc không kén đất nhưng khuyến cáo chọn đất tốt để trồng. Đất trồng Gấc không bị úng và có khả năng thoát nước tốt khi mưa lớn.
- Đào hố: hố trồng có chiều dài 1-1,2 m, rộng 1-1,2 m và độ sâu từ 40 – 60 cm. Khoảng cách giữa các hố: hố × hố: 3 - 4 m. Hàng × hàng: 4 - 5 m. Để riêng lớp đất mặt bên cạnh hố đào. Không đào hố trồng gấc ngay cạnh gốc cây trồng khác đang sống, nên đào với khoảng cách 1,5m -2m so với gốc cây trồng khác nếu trồng xen canh hoặc trồng trên đất vườn tạp.
- Xử lý hố trồng và tiến hành bón lót : Trộn phần lớp đất vừa đào từ hố lên với các loại phân bón sau: Gavi -Bio: 0,5 kg/hố, GV- hữu cơ vi sinh: 2 kg/hố, phân chuồng hoai: 10-15 kg/hố, Super lân 0,5-0,6 kg/hố. Chế phẩm sinh học có chứa Trichoderma 0,5-1 kg/hố.
(Các bước trên thực hiện trước khi trồng 5 – 7 ngày)
- Thiết kế giàn: Giàn có thể dựng bằng các cây tạp, tre nứa hoặc cột bêtông. Bên trên gác các cành tre hoặc đan bằng dây thép hoặc dùng dây cước một sợi (đường kính dây khoảng 2mm) đan thành lưới (kích thước mắt lưới: 40cm x 40cm), sau đó căng lên giàn. Giàn bằng lưới cước chi phí thấp và có thể giữ được từ 3-5 năm. Cách làm này đang được triển khai rộng rãi ở các tỉnh hiện nay cho hiệu quả kinh tế cao. Chiều cao của mặt giàn so với mặt đất bình quân là 2m, phải đảm bảo giàn không bi chùng khi cây bò lên hoặc khi gấc ra trái. (Giàn gấc phải được thi công hoàn tất sau 3 tuần kể từ ngày trồng cây con).
2. Giai đoạn 2: Tiến hành trồng cây
Chuẩn bị hố ngay trước khi trồng
- Dọn vệ sinh xung quanh hố (cỏ dại, cây cối…)
- Xới nhẹ lại đất trong hố trồng
- Cuốc 2 lổ nhỏ ngay giữa hố để đặt cây gấc giống, khoảng cách giữa 2 lỗ trong cùng 1 hố tối thiểu là 35cm.
- Khi đã xử lý hố đất trồng 5– 7 ngày thì tiến hành trồng cây con
Lưu ý: Nếu trồng cây giống thực sinh thì khuyến cáo trồng 2 cây gấc trong 1 hố, vì: chúng ta theo dõi sau năm đầu tiên thu trái, cây nào trái ít, hoặc không ra trái, trái nhỏ hoặc bị sâu bệnh nặng thì ta tiến hành cắt bỏ cây đó đi để cây gấc còn lại phát triển tốt hơn và đảm bảo nguồn thu hoạch gấc., đối với cây ghép hoặc cây hom thì trồng 1 hố từ 1 đến hai cây. Thông thường, năm đầu tỷ lệ đậu trái thấp , lượng trái chưa nhiều. Cho nên, để tăng sản lượng và khả năng thụ phấn tự nhiên chúng ta nên trồng 2 cây.
3. Giai đoạn 3:
Tưới nước và chăm sóc
- Tưới nước: Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng rất sợ úng do đó phải tưới đủ nước và thoát nước ở gốc cây cho tốt. Ở giai đoạn này, cây cần độ ẩm của đất :80 -85%.
+ Khi thời tiết nắng nóng: phải tiến hành tưới nước, phủ rơm rạ, bao ni long để giữ ẩm cho cây.
- Đào kênh tiêu nước: Cây gấc bị ngập nước sẽ làm cho cây úng và tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh tấn công, dẫn tới năng xuất giảm nếu bị úng nhẹ hoặc nếu ngập úng kéo dài có thể làm chết cây. Chính vì vậy, ở những vườn gấc trũng, ngập nước vào trời mưa thì phải tiến hành đào kênh tiêu nước. Mỗi kênh tiêu nước có kích thước rộng 50cm, sâu 30cm để thoát nước dễ dàng khi trời mưa lớn.
- Sau 7 ngày tiến hành phun men sinh học Gavi - TriBio 5% dưới gốc và trên lá, với liều lượng pha loãng 300 lần.
4. Giai đoạn 4:
Sau trồng 15 -30 ngày.
- Bắt ngọn leo lên giàn và thường xuyên bắt các ngọn phân tán đều trên giàn;
- Kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây, nếu thấy có xuất hiện thì phải thực hiện phòng trừ.
- Trong quá trình theo dõi, nếu thấy dây gấc nào vươn dài, nhỏ, yếu, bị sâu ăn lá thì tiến hành cắt bỏ để nhường dinh dưỡng nuôi dây khác.
- Khi cây con bắt đầu leo lên giàn ( khoảng tuần thứ 5- tuần thứ 7 kể từ ngày trồng)tiến hành bón lót Phân NPK(16-16-8) 0,3-0,5 kg/hố.Trong giai đoạn này cần tiến hành phun thêm Gavi - TriBio 5% pha loãng 300 lần để tăng cường sức để kháng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại.
- Sau 2 tháng kể từ ngày trồng cần bón thêm chế phẩm Gavi - Bio 0,5 kg/hố để phòng trừ bệnh hại, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho cây.
5. Giai đoạn 5:
Bón thúc khi Gấc đã phủ lên giàn
- Cách bón: đào rãnh rộng 10cm và sâu 10cm hoặc cào nhẹ lớp đất mặt trên hố gấc sâu 5-10cm, rồi tiến hành rãi phân GV hữu cơ vi sinh: 3kg trộn đều với đất dưới rãnh. Sau đó cuốc xới nhẹ lấp phân vào hố và tiến hành tưới nước.
- Chủ động tưới nước giữ ẩm cho cây khi không có mưa phải đảm bảo độ ẩm từ 70-80%. - Theo dõi sâu bệnh và thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, đồng thời kết hợp phun Gavi - TriBio 5% để bảo vệ trái và cây trước sự tấn công của sâu bệnh hại.
6. Giai đoạn 6:
Gấc bắt đầu ra hoa, kết trái (sau trồng khoảng tháng thứ 3, thứ 4)
- Tiến hành bón thúc cho cây bằng phân trung vi lượng có gốc Canxi-Bo nhằm kích thích sự phát triển trái, tăng khả năng ra hoa, đậu trái.
- Cách phun: Pha 10ml/16 lít nước phun đều dưới tán lá, nách lá, trái, quanh gốc. Phun làm 2 lần mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày, phun vào buổi sáng sớm hoặc khi chiều mát trời.
- Tưới nước: Giai đoạn ra hoa và phát triển trái, cây gấc cần phải cung cấp đủ nước cho cây, giai đoạn này cần giữ độ ẩm cho đất 70-80%.
- Xử lý ra hoa và kết trái ( giai đoạn tháng thứ 4, thứ 5): Đối với cây chưa ra trái hoặc không đậu trái tiến hành xử lý như sau:
Cách 1: - Cắt tỉa những dây gấc nhỏ, yếu, kém phát triển. Đối với những dây gấc phát triển tốt, khỏe cần tiến hành bấm đọt, vị trí bấm đọt cách gốc 7m.
- Đồng thời bón thúc bổ sung dinh dưỡng cho cây nhằm giúp cây tăng tỷ lệ ra hoa và đậu trái.
+ Bón gốc: Phân hữu cơ vi sinh: 1-1,5 kg/hố, phân NPK (20-20-15) 0,3-0,5 kg/hố, phân chuồng hoai: 5-10 kg/hố. Trộn toàn bộ số phân trên với lớp đất mặt của gốc gấc sau đó lấp lại và tưới nước cho ẩm.
Lưu ý: Để giúp cây hấp thụ tốt dinh dưỡng ở giai đoạn này cần phải tưới nước thường xuyên để tạo độ ẩm
+ Bón lá: Kết hợp với phân bón lá trung vi lượng có gốc KNO3 hàm lượng 30-50g/8 lít nước.
Cách phun: Phun toàn thân cây từ cành, lá. thân, nách lá, gốc phun lúc mát trời nhắc lại 7-10 ngày.
Lưu ý: Công việc này thực hiện trước mùa mưa ít nhất 20-30 ngày.
- Chăm sóc khi cây đã ra hoa: Sau khi đã xử lý như trên khoảng 20-30 ngày sau tiến hành giữ độ ẩm trong đất đạt 70-80% bằng cách thường xuyên tưới nước nếu trời không mưa.
Cách 2: - Đầu tiên cắt những gốc không ra trái, với vị trí cắt cách gốc 60 cm.
- Sau 1 tuần các nhánh mới ở những cây không ra trái sẽ bắt đầu đâm ra.
- Sau đó tiến hành chọn những nhánh ở cây mang trái để ghép vào các nhánh của cây không trái.
Lưu ý: chọn các nhánh ghép không được non, cũng không già quá. Để đảm bảo tỉ lệ cây sống cao nên trùm bao nilong vào nhánh mới ghép để tránh mất nước, hạn chế sự tấn công của sâu bệnh.
- Sau khi đã đậu trái, phun phân bón lá NPK (20-20-15) để trái phát triển. Trong giai đoạn trái đang phát triển mạnh, cần kết hợp phun thêm kali 100% để trái chắc, tránh nứt trái, chất lượng cao.
- Trong quá trình cây mang trái nên tiến hành tỉa bỏ những nhánh vô hiệu (nhánh không mang trái), khống chế chiều dài của dây gấc khoảng tối đa 5-6 m nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi trái, tránh tình trạng cây tập trung phát triễn thân lá hoặc trái nhiều cây không nuôi nổi trái.
Cách phòng trừ sâu bệnh hại có thể gặp trên cây gấc
-
Sâu hại:
+ Bọ dừa: Bọ cánh cứng dài 8mm cánh màu vàng ăn phá hoại lá gấc. Phòng trừ bằng cách xịt các loại thuốc như Tata 25WG xịt đều trên lá.
+ Rầy mềm: bu mặt dưới lá hút nhựa, xịt Decis 50ND hoặc Vicidi-M 50ND 20-30ml/bình 8 lít.
+ Nhện đỏ: tập trung nhiều ở mặt dưới lá thường thấy trong mùa nắng làm úa lá vàng, xoắn lá, dây gấc mọc cằn cỗi phòng trừ bằng cách phun Alfamite 15EC hoặc SK Enpray 99EC xịt đều trên lá.
+ Ruồi trái cây: phá hại nặng khi gấc có trái. Ruồi chích trái đẻ trứng ấu trùng phát triển phá vỏ trái làm thối trái, trị bằng cách phun xịt dung dịch Oncol 20EC liều lượng 30ml/8lít, vệ sinh lượm đốt bỏ các trái gấc thối rụng.
+ Sâu xanh: Sâu xanh ăn hại lá gấc: giai đoạn non chúng thường cuốn lá để làm tổ, sau đó chúng tiến hành ăn khuyết lá, làm cho lá gấc. dùng thuốc Padan 95SP liều lượng 10 – 15 g/10 lít vào chiều mát.
-
Bệnh hại thường gặp:
+ Đốm lá: do nấm Pseudope-ronopora cubensis Rostow gây bệnh lá gấc bị bệnh mặt trên có nhiều chấm vàng, mặt dưới có các chất xám sau đó lá chết héo. Dây gấc bị bệnh phát triển kém không cho trái hoặc cho ít trái, trái nhỏ phẩm chất kém, phòng trị bằng cch xịt dung dịch Viben – C hoặc Viroral 50BTN lên lá. + Bệnh cháy lá: do nấm Collectrichum lagenarium Ell and Halst gây bệnh. Lá gấc bị bệnh cháy thành đốm hoặc cháy khô cả lá phòng trị giống như bệnh đốm lá.
+ Bệnh hoa lá: do virus (CMV) gây bệnh lá gấc bị bệnh thường bị đốm vàng xoắn lá dây mọc còi cọc không cho trái, bệnh do cực vi trùng gây ra không có thuốc trị, phòng trừ bằng cách nhổ bỏ phun thuốc trị bọ dừa và rầy mềm truyền bệnh cũng giảm bớt bệnh.
+ Tuyến trùng: Tuyến trùng Meloidogyne spp. làm rễ, dây gốc bị tuyến trùng phá hoại trông còi cọc phát triển kém, vàng cho trái hoặc không cho trái. Phòng trừ bằng cách rải một hố 30gram Vifuran 10H hoặc 20gram Vimoca 10G khi gieo hạt hoặc trồng cây con.
Thu hoạch gấc
- Thu hoạch: Thu hoạch khi trái đã chín ( ½ quả chuyển sang đỏ), màng bọc ngoài hạt dày và có nhiều chất béo. Quả không dập nát, thối hỏng, không chín ép. Trọng lượng quả từ 0,8kg trở lên mới đạt yêu cầu.
- Tiêu chuẩn thu mua: Quả gấc phải chín đều về sinh lý, không dập nát, thối hỏng…, không chín ép, không giấm. Trọng lựơng quả từ 0,8kg trở lên. Màng gấc sấy khô phải đạt: độ ẩm 7% - 8%, màng không dị tật, mốc, cháy khét, sâu mọt