Một nhóm các nhà khoa học Đức đã đưa ra ý tưởng biến da người thành màn hình cảm ứng di động
Xinhua hôm 11/8 đưa tin, công nghệ iSkin do các nhà khoa học tại Viện Max Plank, Đức, thiết kế sẽ cho phép mọi người điều khiển điện thoại thông minh bằng cách vuốt những hình xăm dán trên mu bàn tay.
Thực chất, iSkin là những máy cảm biến siêu mỏng có thể dán ở vị trí linh hoạt trên da giống một hình xăm tạm thời, giúp biến da người thành một màn hình cảm ứng lớn.
Theo nhà phát triển Martin Weigel, công nghệ này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng hóa trong thế giới thiết bị đeo tay. Weigel cho biết: "Những thiết bị điện tử hiện nay chủ yếu sử dụng các linh kiện cứng gây cảm giác khó chịu khi mang trên cơ thể và hạn chế về vị trí sử dụng như cổ tay hoặc trên đầu. Nhưng máy cảm biến của chúng tôi là loại rất linh hoạt và dễ thay đổi kích cỡ nên có thể dán ở nhiều vị trí, ví dụ như phía sau tai hoặc mu bàn tay. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có màn hình nhập dữ liệu lớn hơn hẳn các thiết bị điện tử thông thường."
Khác với màn hình plasma hoặc LED, iSkin được làm từ cao su silicon có tính tương hợp sinh học, do đó các máy cảm biến có thể nhận biết cử động chạm ngay cả khi bị kéo căng hoặc uốn cong. Với mẫu thử nghiệm, người dùng có thể trả lời các cuộc gọi đến, chơi nhạc, điều chỉnh âm lượng điện thoại bằng cách chạm vào da. Nhóm phát minh cũng thiết kế một bàn phím cuộn cho phép đánh máy trên mu bàn tay.
Weigen chia sẻ họ lấy cảm hứng sáng tạo máy cảm biến da từ công nghệ robot. "Lúc đầu, công nghệ này được dùng để đem đến cho những con robot cảm giác quen thuộc với cơ thể người và da người. Tuy nhiên, chúng tôi đã xem xét cách sử dụng nó như một làn da thứ hai trên cơ thể để điều khiển các thiết bị di động."
Công nghệ mới còn được áp dụng để tạo ra các bộ phận có khả năng cảm nhận va chạm, áp lực và nhiệt độ. Nhưng Wiegel và đồng nghiệp vẫn ấp ủ một kế hoạch lớn hơn. “Chúng tôi đang nghiên cứu cách sử dụng cơ thể như nguồn phát điện và khai thác điện trực tiếp từ thân nhiệt hoặc huyết áp," Wiegel nói.