TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyển dụng
Cải cách hành chínhTổng quan về xãTin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHoạt động địa phươngDịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 160360

  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Triển vọng làm giàu từ trồng quế
24/08/2015

Trong cơ cấu cây trồng lâm nghiệp thế mạnh, quế có thể trở thành một cây trồng hứa hẹn triển vọng tốt. 

Cây quế đã được trồng cách đây khá lâu nhưng chưa phát triển mạnh như mấy năm trở lại đây vì thời gian trồng đến khi khai thác lâu hơn cây mỡ, cây keo. Cách đây 5-6 năm giá vỏ quế xuống thấp chỉ còn 2.000 đồng/kg, khai thác rồi thậm chí còn không có người đến mua nên một thời gian người dân lãng quên. Chỉ đến khi giá quế nhích dần từ 5.000-7.000 đồng/kg lên 10.000-12.000 và nay đạt mức 15.000-25.000 đồng/kg vỏ tươi (tùy từng vùng) đã khiến nhiều người trồng rừng quay lại với cây quế.
Cây quế giờ vừa cho thu hoạch lâu dài vừa cho thu hoạch hàng năm. Mỗi năm có hai đợt thu hoạch quế. Đợt một bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3 và đợt hai từ tháng 7 đến tháng 8 (âm lịch). Trong khoảng thời gian này vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu. So với các loại cây nguyên liệu, cây quế có tuổi đời khá dài, thường từ 15- 20 năm mới cho giá trị cao, thế nhưng ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế.
Ở nước ta có 4 vùng trồng quế phát triển có diện tích lớn và lâu đời là Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi. Hiện có 02 loại giống quế chính là: giống lá nhỏ và giống lá to. Giống lá nhỏ mặc dù chậm lớn nhưng vỏ dày, hàm lượng tinh dầu nhiều hơn giống quế lá to, có giá bán cao hơn.
Cây quế khai thác được tận dụng tất cả lá, cành, thân để chưng cất tinh dầu. Trên thị trường hiện nay, vỏ cây quế được ưa chuộng, thường sử dụng trong chữa bệnh (đông y, tây y). Với mùi thơm đặc biệt, vỏ quế cũng được sử dụng làm gia vị cho các món ăn. Từ vỏ quế còn chế biến ra rất nhiều sản phẩm phong phú khác như quế ống, bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ… Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu tạo nên các loại nước hoa nổi tiếng trên thị trường, còn thân cây cung cấp gỗ.
Diện tích trồng quế tăng mạnh trong mấy năm gần đây. Tại tỉnh Bắc Kạn, theo thống kê, diện tích cây quế hiện khoảng 3.000ha, tập trung nhiều nhất vẫn là ở huyện Chợ Đồn, Chợ Mới. Trong số đó, diện tích đã cho khai thác chỉ khoảng trên 1.000ha, số còn lại cây còn nhỏ mới trồng vài năm gần đây.
Do dịch sâu ong hại cây mỡ vẫn hoành hành dữ dội ở hầu khắp các địa phương, chưa được xử lý dứt điểm nên người dân nhất là ở những huyện Chợ Mới, Chợ Đồn đã chủ động lựa chọn cây quế trồng thay thế cây mỡ. Năm 2013 toàn tỉnh trồng mới được 110 ha, năm 2014 diện tích trồng tăng lên gấp 8 lần (910ha) và năm 2015 kế hoạch là 1.800ha chưa kể diện tích người dân tự trồng. Chợ Đồn là địa phương có nhiều diện tích quế nhất với gần 2.000ha, riêng năm nay người dân đăng ký trồng mới thêm hơn 500ha. 3 năm gần đây quế được giá, tư thương vào tận nơi thu mua, thị trường mua bán quế bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Tuy nhiên đối với Bắc Kạn, hiện chưa có cơ sở sản xuất, chế biến quế nào, sản phẩm chủ yếu là xuất thô, bán vỏ. Thân gỗ có thể bán, nhưng lá và cành bỏ lại trên rừng hoặc chỉ để làm củi đun rất lãng phí.
Tại Yên Bái, hiện giá quế dao động từ 100.000 - 130.000 đồng/kg vỏ khô, 3 triệu đồng/khối gỗ mang lại lợi nhuận cao khi trồng loại cây này. 
Với trên 23.000ha quế, trong đó có 15.500ha trồng tập trung, huyện Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước. Cây quế được nông dân Văn Yên trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, quanh nhà, trồng gối nhau liên tiếp nên rừng quế quanh năm cho thu hoạch. Quế hiện đã trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Văn Yên và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của không ít gia đình, doanh nghiệp. Sản phẩm quế Văn Yên trở thành thương hiệu có uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế.
Hàng năm, toàn huyện trồng mới được trên 2.000ha rừng thì đến 90% là cây quế. Đến nay, cả 27 xã, thị trấn của huyện đều có quế với diện tích 23.000ha. Diện tích quế trồng tập trung và cho chất lượng tốt nhất là 8 xã hữu ngạn sông Hồng: Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp với diện tích trên 15.000ha.
Với việc tận thu vỏ, thân, gốc, lá, cành, nhiều gia đình nông dân của huyện Văn Yên đã thu về vài trăm triệu đồng mỗi năm. Lá quế tươi được các chủ lò ép tinh dầu đến tận vườn mua với giá 1.200 đồng/kg. Vỏ quế giá hơn 25.000 đồng/kg, đấy là chưa kể phần thân gỗ. Một cây quế to bán cả lá, cành, vỏ, cây được hơn 2 - 3 triệu đồng; 1ha quế bán rẻ cũng được vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, sau khi có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, thị trường quế ổn định, giá quế tăng cao gấp 2 lần những năm trước. Cứ đến mùa thu hoạch vụ tháng 3 và vụ tháng 8, nhà nhà lên đồi bóc quế, phơi quế. Hàng năm, địa phương bán ra thị trường khoảng từ 7.000 tấn vỏ quế khô các loại cùng nhiều sản phẩm đa dạng liên quan đến quế, thu về 60 tỷ đồng. Gỗ quế sau khi bóc vỏ được chế biến thành gỗ thay vì chỉ đốt như trước đây.
Tại huyện Lục Yên, các hộ dân thuộc các xã nằm dọc quốc lộ 70 đã chuyển phần lớn diện tích sang trồng quế do nhận thức được hiệu quả kinh tế từ cây quế đem lại. Năm 2014, toàn huyện có 72ha cây quế thì đến nay đã tăng lên gần 260ha, tăng trên 350%.
Vùng nguyên liệu quế phát triển, gắn với đó là các cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế ra đời góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Tại xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên), Nhà máy chế biến tinh dầu quế do Hợp tác xã 6-12 đầu tư xây dựng trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Trung Quốc với số vốn trên 7 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động. Hiện nay, mặc dù đã vào cuối vụ nhưng công suất của Nhà máy luôn duy trì 18 tấn nguyên liệu/ngày, hoạt động liên tục 3 ca, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người. Mới đi vào sản xuất từ đầu năm 2014, đến nay, Nhà máy đã có sản lượng 20 tấn, doanh thu đạt 10,4 tỷ đồng. Bên cạnh việc ra đời của các nhà máy, hàng trăm cơ sở chế biến tinh dầu quế bằng phương pháp thủ công với nguyên liệu cành nhỏ và lá quế tận thu giúp nông dân có thể tận dụng mọi sản phẩm từ cây quế.
Tại Quảng Nam có khoảng 5.000 ha trồng quế ở các huyện miền núi, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Bắc Trà My. Quế Trà My đã có thương hiệu từ lâu được ví như là “Cao sơn ngọc quế”. Giá thu mua quế năm nay cao hơn so với mọi năm nên người trồng loại cây đặc sản này rất phấn khởi. Cụ thể, vỏ quế khô có giá 35.000 đồng/kg, vỏ quế dầu có giá 58.000 đồng/kg, trung bình cao hơn so với cùng thời điểm năm ngoái khoảng 10.000 đồng/ kg. Riêng đối với cành, lá quế khô có giá thu mua ổn định là 3.000 đồng/kg. 
Nhà máy chế biến tinh dầu quế thuộc Công ty TNHH MTV hương quế Hùng Dũng ở huyện Bắc Trà My hiện tại đã thu mua được hơn 300 tấn nguyên liệu cành, nhánh, lá quế. Tuy nhiên, nhu cầu thu mua của nhà máy vẫn còn rất lớn bởi công suất của nhà máy mỗi ngày tiêu thụ khoảng 15 tấn lá quế để chiết xuất ra tinh dầu.
Tại Quảng Ngãi, cùng với việc giá quế vỏ tăng cao, năm nay, người trồng quế ở Quảng Ngãi còn đón nhận niềm vui mới, khi một nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế được đầu tư xây dựng ngay trên đất quế Trà Bồng. Quế Trà Bồng là một trong những đặc sản được xác lập kỷ lục Châu Á.
Vụ quế năm nay chẳng những giá quế tăng cao mà sản lượng quế cũng tăng gấp đôi những năm trước. 1kg vỏ quế tươi giá thấp nhất cũng từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng, giá cao khoảng 20.000 đồng. Trong khi đó, giá 1kg quế khô cũng dao động từ 32.000 đồng - 35.000 đồng/kg. Lá quế tươi được các chủ lò ép tinh dầu quế đến tận vườn mua với giá 1.200 đồng/kg  và 2.500 đồng/kg lá khô. So với năm trước, giá quế tăng lên khoảng từ 5.000- 10.000 đồng/kg tùy theo từng loại quế.
 
Ước tính, hiện 2 huyện Trà Bồng, Tây Trà có khoảng hơn 7.000 ha quế, trong đó có khoảng 30% diện tích quế đã trồng được 7 - 10 năm, nay là thời điểm khai thác, sản lượng khai thác hàng năm ước đạt trên 1.000 tấn quế khô. Ở vùng đất quế Trà Bồng, Tây Trà, cây quế hiện diện ở khắp nơi. Hầu như bà con đồng bào Cor nhà nào cũng trồng quế. Nhà nhiều trồng cũng mấy chục nghìn cây nhà ít cũng vài trăm cây.
Nhà máy sản xuất tinh dầu từ cành, lá quế quy mô với dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty Cổ phần tinh dầu quế Quảng Ngãi đã được xây dựng hoàn chỉnh trên khu đất rộng 35.800m2 tại tổ dân phố 3, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng, công suất thiết kế 33 tấn cành, lá quế mỗi ngày, tương đương với 12.000 tấn mỗi năm. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ cho ra 80 tấn tinh dầu quế. Tất cả sản phẩm đã được ký hợp đồng xuất đi các thị trường Trung Quốc, ẢRập… Hiện mỗi ngày nhà máy thu mua hàng chục tấn cành, lá quế của người dân đem tới bán, thứ mà trước đây chỉ bán được một phần rất nhỏ, còn lại phải bỏ ở rẫy hoặc đốt đi.
Với những ưu thế vượt trội đem lại, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, để người dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây quế được bền vững vẫn cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ quế; quảng bá đưa sản phẩm quế có mặt trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thu nhập người cho trồng quế, giúp bà con yên tâm phát triển cây đặc sản này.

 

 

Hội nông dân Viêt Nam
In trang Quay lại Lên trên

  
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (064) 3 862 060 - Fax: (064) 3 862 060
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu