|
Bà Vũ Thị Tuyết, KP Hải Dinh, TP.Bà Rịa đã ứng dụng khoa học kỹ thuật thành công sau khi tham gia lớp học về kỹ thuật trồng hoa. Ảnh: TUYẾT MAI
|
Những năm qua, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” được triển khai tại BR-VT đã phát huy hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội về học nghề và việc làm cho lao động nữ.
Đến thăm gia đình bà Phạm Thị Lạng (xã An Nhứt, huyện Long Điền) khi gia đình bà ứng dụng thành công mô hình trồng lúa năng suất cao, chúng tôi nhận thấy niềm vui trong từng câu chuyện của bà. “Trước kia, trung bình 1ha sản xuất lúa bình thường thu hoạch được khoảng từ 5,5-6,5 tấn nhưng sau khi áp dụng quy trình sản xuất lúa năng suất cao, sản lượng thu được từ 6,8-7,5 tấn/ha. Với sản lượng này đã tăng thu nhập cho người dân từ 5-10 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, chi phí thuốc và phân đầu tư giảm từ 3-5 triệu đồng/ha”, bà Lạng nói. Không riêng gia đình bà Lạng mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã An Nhứt (huyện Long Điền), xã Láng Dài và xã Long Tân (huyện Đất Đỏ)… cũng thành công với mô hình trồng lúa năng suất cao. Bà Lạng cho biết thêm: “Xưa nay bà con chỉ làm ruộng theo kinh nghiệm và thói quen. Năm nào ruộng lúa cũng mắc bệnh này bệnh kia. Từ khi được học nghề trồng lúa, học kỹ thuật trồng trọt đã giúp lao động có thêm kiến thức phục vụ cho sản xuất”.
Không chỉ mô hình trồng lúa năng suất cao mà một số mô hình như: chăn nuôi, trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y… đã phát huy hiệu quả. Lao động sau khi học đã ứng dụng KHKT thành công vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng cây trồng vật nuôi. Với chính sách này, hàng ngàn lao động nữ đã được giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Vũ Thị Tuyết (KP Hải Dinh, TP.Bà Rịa) khi gia đình bà đang chuẩn bị xuống giống chuẩn bị cho đợt hoa cuối năm. Bà Tuyết cho biết, gia đình bà chủ yếu sống bằng nghề trồng hoa kiểng. Tuy nhiên, trồng hoa với kinh nghiệm ít ỏi luôn gánh nhiều rủi ro. Bà Tuyết nói: “Thường thì chúng tôi tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc cây kiểng và bông. Song sau khi cùng các chị trong khu phố học kỹ thuật trồng hoa, tôi đã biết thêm nhiều kinh nghiệm để hoa trổ bông đều, đẹp. Nhờ có tiền từ việc trồng hoa mà chúng tôi nuôi được các con ăn học, cất nhà cửa đàng hoàng”.
Đã có nhiều gia đình phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống từ chương trình “Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho lao động nữ”. Tại BR-VT, nhiều lao động nữ sau khi học nghề công nghiệp như: kỹ thuật may, kỹ năng phục vụ nhà hàng, đan lát… đã tìm thấy cơ hội việc làm. Trong đó có trường hợp bà Lý Thị Bảy (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức). Lúc đầu, ngại mất thời gian, bà Bảy lưỡng lự không tính học nghề, song sau khi thấy nhiều lao động nữ trong thôn theo học nghề đan lát có việc làm, bà mạnh dạn theo học. Nhờ được học nghề, bà Bảy hiện đã có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Bà cho biết, trước kia khi chưa được học nghề đan lát ghế mây bà đi làm mướn, cuộc sống vô cùng bấp bênh, thiếu thốn. Năm 2014, được giới thiệu tới lớp học nghề đan lát sau 2 tháng học nghề, bà và các chị em phụ nữ đồng bào dân tộc ở thôn Tân Châu đã có việc làm, thậm chí tranh thủ làm ngay tại nhà cho các cơ sở hàng thủ công xuất khẩu.
|
Bà Lý Thị Bảy (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đã được tham gia các lớp đào tạo nghề dành cho lao động nữ để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống gia đình. Ảnh: VĂN NHỰT
|
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 lao động nữ được đào tạo nghề may công nghiệp, trồng rau an toàn, nuôi gà thả vườn an toàn, trồng lúa năng suất cao… Trong số này đã có 5.100 lao động học nghề xong và có việc làm. Theo ông Nguyễn Bá Việt, Phó Phòng Đào tạo nghề (Sở LĐTBXH) thì giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ là giải pháp để nâng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Vì thế, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tự tạo việc làm trong sản xuất nông nghiệp hoặc tìm được việc làm sau khi học nghề phi nông nghiệp. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề lưu động. Từ những lớp học này, đời sống của lao động đã thực sự thay đổi.
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm cho phụ nữ. Đồng thời, Hội đã tăng cường công tác tư vấn học nghề cho lao động nữ tại địa phương. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” đã xây dựng nhiều mô hình đào tạo nghề cho hội viên, mở ra cơ hội có việc làm ổn định, giúp chị em vươn lên thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho lao động nữ là chính sách rất thiết thực. Tuy nhiên, Hội phải mất nhiều thời gian trong việc nâng cao nhận thức cho lao động. Sau này, khi nhận thấy tính hiệu quả của đề án thì lao động nữ tại địa phương đã chủ động học nghề.