TRANG CHỦ Tổng quan về xã Bàu Lâm LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 5/4/2025
Muôn màu cuộc sống
Hoạt động UBND xãSản phẩmDịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 194845

  TÀI LIỆU KHCN

  Công nghệ tuyển chọn và nhân giống cây có múi sạch bệnh
11/03/2014

Cây có múi là tên gọi chung của nhóm cây cam, chanh, quýt, bưởi... cùng họ Rutaceae. Trên thế giới sản xuất cây có múi là một ngành lớn với diện tích 3,5 triệu ha và sản lượng 80 triệu tấn/năm, mức tiêu thụ bình quân trên đầu người là 15 kg quả/năm.

Một trong những trở ngại đối với sản xuất cây có múi là bệnh vàng lá greening (VLG), một số  bệnh virus và tương tự virus khiến sản lượng và chất lượng quả bị giảm sút. Các giống đặc sản đều bị bệnh làm suy thoái như cam sành và quýt chum Hà Giang, cam Canh và bưởi Diễn Hà Nội, cam Xã Đoài và cam Sông Con Nghệ An, bưởi Phúc Trạch và cam bù Hà Tĩnh, cam Bố Hạ Bắc Giang v.v..

Bệnh VLG và virus đều lây lan qua cây giống và côn trùng môi giới (rầy chổng cánh, rệp cam, rệp bông...). Do vậy nhân giống cây có múi sạch bệnh là biện pháp quan trọng để nâng cao năng xuất và chất lượng cây có múi.

Sản xuất cây giống cây có múi sạch bệnh giới thiệu ở đây là kinh nghiệm của Đài Loan và Pháp được Viện Bảo vệ thực vật nghiên cứu áp dụng thành công và thực tiễn nước ta. Công nghệ này bao gồm sử dụng kỹ thuật vi ghép mô phân sinh của đỉnh sinh trưởng để làm sạch bệnh cho giống; chuẩn đoán và kiểm tra cây giống bằng các phương pháp phân tử bệnh cây như PCR và ELISA, sử dụng các vật liệu mới trong sản xuất giống: hệ thống nhà lưới ba cấp với khung nhôm sắt có lưới chống côn trùng, dùng các giá thể từ các chất hữu cơ thực vật (vỏ lạc, bã mía...) cộng với phân bón tổng hợp và cát sạch để trồng cây trong bầu...

Công nghệ nhân giống cây có múi sạch bệnh được lược tả ở trên đang được sử dụng trong dự án nhân giống cây có múi sạch bệnh thực hiện tại Hà Giang, Tuyên Quang và Nghệ An 2001 - 2002.

 I- GIỚI THIỆU BỆNH VÀNG LÁ GREENING (VLG) VÀ MỘT SỐ BỆNH VIRUS HẠI CÂY CÓ MÚI

 1- Bệnh vàng lá greening (VLG)

Triệu chứng bệnh:

Khi bị nhiễm bệnh lá bắt đầu chuyển sang màu vàng ở gân lá và vùng lân cận rồi cả phiến lá có màu vàng hoặc khảm vàng, đôi khi gân lá bị biến hoá, lá bệnh trở nên ròn, mép lá uốn cong ra ngoài và thường bị rụng sớm. Các lá non ra sau nhỏ và biến vàng tương tự như hiện tượng thiếu kẽm. Các cành nhánh bị khô, rễ tơ và rễ nhánh bị huỷ hoại khiến cây bị suy thoái và chết. Cây bệnh thường ra hoa trái vụ và có thể vẫn cho quả. Quả sinh ra từ cây bệnh thường bị biến dạng, tâm quả bị vẹo và có nhiều hạt lép, phẩm chất kém. Bị bệnh sớm cây thường bị tàn lụi ngay trong 1 - 2 năm sau khi trồng.

Nguồn gây bệnh:

Là vi khuẩn Liberobacter asiaticum. Vi khuẩn hình gậy, kích thước 350 - 550 x 600 - 1.500 nm với vỏ hai lớp, dày 20 - 25 nm. Tuy nhiên vi khuẩn mang tính đa hình nên có thể gặp dưới dạng que dài hoặc tròn với đường kính 700 - 800 nm. Vi khuẩn sống trong mạch libe của cây.

Bệnh VLG lây lan qua cành chiết, mắt ghép và côn trùng môi giới - rầy chổng cánh Diaphorina citri.

2- Bệnh Tristeza (tàn lụi):

Triệu chứng:

Thể hiện chung của bệnh là bộ lá biến vàng nhanh, cây suy thoái và tàn lụi. Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát hiện các biểu hiện nhẹ như lá biến vàng và gân nhỏ bị trong từng đoạn ngắn (ở lá chanh Eureca), đôi khi gặp dạng lõm thân (cam ngọt miền Nam).

Nguồn bệnh:

Là vi khuẩn Closterovirus dạng sợi thẳng hoặc cong, kích thước 12 x 2000 nm.

Bệnh lây lan qua mắt ghép và cành chiết và côn trùng môi giới là rệp cam, rệp bông (Toxoptera citricida, Aphis gossypii, Aphis aurantii).

Ngoài hai bệnh trên, trên cây có múi ở nước ta còn gặp ở mức độ chưa phổ biến một số bệnh virus và tương tự virus Exocortis, Cristacortis...

Biện pháp chính phòng bệnh vàng lá greening, tristeza các bệnh virus khác:

1- Vệ sinh môi trường: trước khi trồng mới, những cây cam quýt trong vùng phải được kiểm tra và chặt bỏ hết các cây bị bệnh.

2- Chỉ sử dụng cây giống sạch bệnh để trồng.

3- Phòng trừ môi giới truyền bệnh và thâm canh tăng sức chống chịu bệnh cho cây.

4- Kiểm tra bệnh thường xuyên để loại trừ cây bệnh kịp thời.

 II- KỸ THUẬT TUYỂN CHỌN GIỐNG CÂY CÓ MÚI NHÂN GIỐNG CÂY CÓ MÚI SẠCH BỆNH

 Chương trình nhân giống cây có múi sạch bệnh tập trung vào một số giống cam quýt đặc sản. Những giống này được bình tuyển qua các Hội thi và tuyển chọn cây cho quả ngon của các địa phương và Cục Khuyến nông Khuyến lâm. Các tiêu chuẩn cơ bản tuyển chọn bao gồm:

- Đặc điểm nông học: Phải là cây đại diện cho giống

+ Về hình thái:

* Chiều cao cây, chiều rộng tán lá, kiểu phân cành...

* Dạng lá, màu sắc lá, chiều dài, chiều rộng của lá...

+ Về năng suất, phẩm chất:

* Dạng quả, màu sắc vỏ, màu sắc ruột, khối lượng quả, số hạt, độ chua, độ đường...

- Khả năng chống chịu sâu bệnh:

* Kháng được những sâu bệnh gì ?

* Chống chịu được những sâu bệnh gì ?

* Dễ nhiễm những sâu bệnh gì ?

* Chịu được úng ngập, khô hạn, mặn, chua phèn ... ?

Những cây có đầy đủ các đặc điểm của giống và được Hội đồng tuyển chọn cho điểm cao sẽ được chọn là cây đầu dòng ưu tú. Những cây này được cấp chứng chỉ và được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để lưu giữ nguồn gen. Từ những cây này, các cành chiết hoặc cành ghép sẽ được đưa về Viện nghiên cứu để lấy đỉnh sinh trưởng sử dụng kỹ thuật vi ghép tạo cây đầu dòng sạch bệnh (ký hiệu So) phục vụ cho công tác nhân giống sạch bệnh sau này.

Một số giống cây có múi đặc sản ở miền Bắc Việt Nam:

1- Cam Sành: là giống quýt (King mandarin), dân ta quen gọi là cam, tuỳ vùng trồng lâu đời mà có các tên gọi sau:

- Cam Sành Bố Hạ: trồng ở Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Cam Sành Bố Hạ ưa đất phù sa cổ, khí hậu mát ẩm. Hiện nay vùng cam này đã bị xoá sổ do bệnh vàng lá greening.

- Cam Sành Hà Giang - Tuyên Quang - Yên Bái: là vùng cam chủ yếu của các tỉnh phía Bắc. Cây cao trung bình, thích nghi rộng, năng suất cao. Cam Sành thu quả vào dịp Tết, khối lượng quả trung bình 150 - 250 g, ngon thơm ngọt đậm.

2- Cam Xã Đoài: nguồn gốc từ vùng Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đưa lên vùng núi cao, mã quả đẹp hơn. Cây cao trung bình, tán lá hơi xoè, thích nghi rộng. Năng suất cao, khối lượng quả trung bình 200 - 250 g/quả, có 18 - 22 hạt/quả, ngon thơm, thu hoạch vào tháng 12-1.

3- Cam Valencia: nhập vào Việt Nam từ năm 1971. Quả to hơn cam Hamlin, trung bình 250 g/quả. Khi chín vỏ quả có màu vàng, ruột màu vàng da cam. Hạt 0 - 3 hạt/quả. Chín muộn vào dịp Tết âm lịch.

4- Cam Ham Lin: là giống của Mỹ, (Hamlin là tên ông chủ vườn ở Mỹ), được đưa vào Việt Nam từ năm 1971 thông qua Cu Ba. Hamlin là giống chín sớm vào tháng 9 - 10, vỏ quả mỏng, khối lượng quả trung bình 200 g/quả, ngọt đậm, 0 - 5 hạt/quả.

5- Cam Sông Con: nguồn gốc chọn từ cây gieo hạt ở Nông trường Sông Con, Nghệ An. Cây cao trung bình, tán gọn, không có gai trên cành, thích nghi rộng. Năng suất trung bình, khối lượng quả trung bình 200 - 250 g/quả, có 3 - 5 hạt/quả, ngon thơm, thu hoạch vào tháng 10 - 11.

6- Cam Vân Du: được chọn lọc từ những cây gieo hạt của giống cam Sunkist ở Trại nghiên cứu cam Vân Du (Thanh Hoá), trồng nhiều ở các nông trường vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trong những năm 70 - 80. Cây cao trung bình, tán gọn có gai trên cành, thích nghi rộng. Năng suất cao, khối lượng quả trung bình 180 - 200 g/quả, có 10 - 15 hạt/quả, ngon thơm, thu hoạch vào tháng 10 - 11.

7- Cam Bù Hà Tĩnh: là giống quýt được trồng nhiều ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Cây cao trung bình, khối lượng quả 180 - 220 g, có 3 - 12 hạt/quả, ngọt đậm. Quả chín vào tháng 12 - 1.

8- Quýt chum: được trồng nhiều ở Bắc Quang - Hà Giang. Cây cao trung bình, quả chín màu vàng đỏ, nặng 100 - 150 g/quả, có 3 - 5 hạt/quả, chín muộn vào tháng 12 - 1, ngọt mát, năng suất cao.

9- Cam Canh: là giống quýt đường (Citrus Reticulata Blanco), được trồng nhiều ở vùng Từ Liêm - Hà Nội và Hoài Đức - Hà Tây. Hiện nay đã được trồng ở nhiều nơi như Châu Giang - Hưng Yên, vẫn cho phẩm chất tốt.

Cây cao trung bình 3 - 3,5 m; đường kính tán 3 - 4 m; phân cành thấp, lá không có eo, màu xanh đậm, tán cây có hình dù rộng. Ra hoa tháng 2 - 3. Thu hoạch vào tháng 11 - 12. Quả có hình cầu dẹt, khối lượng trung bình 100 - 140 g/quả. Quả khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, ruột vàng, ngọt đậm.

10- Bưởi Đoan Hùng: là giống bưởi ngọt được trồng lâu đời ở Đoan Hùng - Phú Thọ. Cây sinh trưởng khoẻ, cao trung bình 4 - 5 m; đường kính tán trung bình 4 - 6m; lá xanh vàng. Ra hoa tháng 2 - 3, quả chín vào tháng 10 - 11. Quả tròn, khối lượng trung bình 0,8 - 1,2 kg/quả. Vỏ quả mỏng khi chín có màu vàng; tép quả màu hung vàng, ăn có vị ngọt, thơm mát.

11- Bưởi Diễn: có nguồn gốc từ giống bưởi ngọt Đoan Hùng, được trồng lâu đời ở xã Phú Diễn - Từ Liêm - Hà Nội song chín muộn hơn, mã quả đẹp hơn và trở thành giống đặc sản của địa phương.

Cây sinh trưởng khoẻ, cao trung bình 3 - 5m; đường kính tán trung bình 4 - 6 m; lá xanh vàng, eo lá hình tim bầu, đỉnh lá chia thuỳ rõ. Ra hoa tháng 2 - 3, quả chín vào tháng 11 - 12. Quả tròn hơi dẹt, khối lượng trung bình 0,8 - 1,2 kg/quả. Vỏ quả mỏng khi chín có màu vàng, tép quả màu hung vàng, khô, ăn có vị ngọt, thơm mát.

12- Bưởi Phúc Trạch: trồng lâu đời ở huyện Hương Khê - Hà Tĩnh. Cây sinh trường khoẻ, cao trung bình 3 - 5 m; đường kính tán trung bình 4 - 6 m. Ra hoa tháng 2 - 3, quả chín vào tháng 9 - 10. Quả tròn, khối lượng trung bình 1,0 - 1,5 kg/quả. Vỏ quả mỏng khi chín có màu vàng, tép quả màu hung vàng, khô, ăn có vị ngọt, thơm mát.

 III- QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CÂY CÓ MÚI SẠCH BỆNH

 1- Tạo cây đầu dòng sạch bệnh (cây So) bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng

Nguyên tắc làm sạch bệnh của phương pháp này dựa vào đặc điểm lây lan của bệnh vàng lá greening (VLG) và các bệnh virus, viroid của cây có múi:

- Bệnh chỉ lan truyền trong cây theo mạch dẫn

- Bệnh không lây lan qua hạt.

Đỉnh sinh trưởng gồm mô phân sinh chưa hình thành mạch dẫn do vậy sạch bệnh. Ghép mảnh mô phân sinh lên mầm cây mọc từ hạt sẽ nhận được cây sạch bệnh. Cách ghép này chỉ thực hiện được trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi do mảnh ghép mô phân sinh có kích cỡ rất nhỏ 100 - 150 nanomet (100 - 150 phần nghìn mét) và gốc ghép chỉ là đoạn mầm mọc từ hạt nuôi trong ống nghiệm. Vi ghép được thực hiện trong điều kiện vô trùng nên hoàn toàn sạch bệnh.

Kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng (Microshoot tip grafting) được Murashige áp dụng lần đầu tiên vào năm 1972 sau đó được cải tiến hoàn chỉnh hơn bởi Navarro 1975, 1976, 1980, 1981 và Hong Ji Su 1984. Kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng bao gồm các giai đoạn: chuẩn bị gốc ghép, chuẩn bị đỉnh sinh trưởng, vi ghép nuôi cây trong ống nghiệm và sau đó đem trồng ra chậu.

Chuẩn bị gốc ghép lần 1:

- Xử lý hạt để gieo làm cây gốc ghép: lấy hạt của các giống cam 3 lá và bưởi chua, được bóc sạch vỏ và khử trùng bằng dung dịch Javel 1% trong 5 phút.

- Hạt được gieo trên môi trường thạch có chứa chất dinh dưỡng (môi trường MS) ở trong ống nghiệm và đặt trong buồng tối nhiệt độ 28oC.

- Tiêu chuẩn cây gốc ghép: chiều cao 10 - 12 cm, đường kính thân 1,5 - 2 mm.

Chuẩn bị đỉnh sinh trưởng:

Đỉnh sinh trưởng được lấy từ các chồi non của những cây giống gốc đã được tuyển chọn trên vườn sản xuất hay trong nhà lưới cách ly. Sau khi thu chồi non, tỉa những lá to xung quanh, chỉ giữ lại phần ngọn của chồi dài khoảng 1 - 1,5 cm.

Kỹ thuật vi ghép:

Cây giống cần làm sạch. Tỉa lá xung quanh. Cắt đỉnh sinh trưởng. Vị trí đặt đỉnh sinh trưởng bệnh. Sau 10 ngày tỉa lá, ở gốc ghép các chồi non mọc ra.

Cây gốc ghép 15 ngày tuổi được lấy ra khỏi ống nghiệm, cắt ngọn ở phía trên cách cổ rễ 2 - 2,5 cm; rễ cọc cũng được cắt bớt chỉ để lại 4 - 5 cm.

Dùng dao vi ghép và kính lúp soi nổi để mở miệng ghép trên gốc ghép, phải thận trọng để tầng sinh gỗ không bị tổn thương.

Đỉnh sinh trưởng là phần mô phân sinh dài khoảng 100 - 150 nm, dùng dao lưỡi mỏng cắt và đặt nhanh vào vị trí ghép trên gốc ghép.

Cây con sau vi ghép được đặt trong ống nghiệm có sẵn môi trưởng lỏng (môi trường MS + đường saccaro). Cây được bảo quản ở nhiệt độ 28oC, cường độ ánh sáng 1000 lux trong 16 giờ hàng ngày bằng đèn huỳnh quang.

Sau 1 tuần dùng kính lúp để kiểm tra xem chồi ghép có sống không. Nếu chồi ghép sống, chỉ 1 tháng sau đã có thêm 2 lá mới, đạt tiêu chuẩn ghép lần thứ 2.

Kỹ thuật ghép lần 2

Sau khi ghép lần 2, cây được bao chùm túi nilon khoảng 3 tuần. Nếu cây ghép sống, chuyển cây ra chậu to và bảo quản trong nhà lưới chống côn trùng.

Những cây sau vi ghép được chăm sóc đầy đủ và được giám định bệnh bằng kỹ thuật PCR, ELISA.

2- Công nghệ sản xuất cây giống sạch bệnh

2.1-  Hệ thống nhà lưới ba cấp

* Nhà lưới cấp 1, bảo quản cây giống gốc sạch bệnh (So):

Kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo ra được các cây So. Những cây giống gốc sạch bệnh So được giữ và chăm sóc trong nhà lưới chống côn trùng cấp 1.

* Nhà lưới cấp 2, bảo quản các cây S1 nhân mắt ghép sạch bệnh.

Những cây So cung cấp mắt ghép để ghép lên các gốc ghép thích hợp cho ra các cây S1, những cây này được bảo quản trong nhà lưới cấp 2 để nhân hàng loạt mắt ghép sạch bệnh. Những cây S1 cũng được giám định bệnh thường kỳ 3 tháng/lần. Những cây dương tính tiếp tục được loại bỏ. Cây S1 sẽ được lấy mắt ghép để nhân giống trong 3 năm, sau đó phải thay đợt cây S1 mới.

* Nhà lưới cấp 3, sản xuất cây giống sạch bệnh để cung ứng cho sản xuất.

Các mắt ghép sạch bệnh từ các cây S1 được cung ứng cho các nhà lưới cấp 3 để sản xuất cây giống sạch bệnh. Gốc ghép sẽ được chọn sao cho thích hợp với mắt ghép tuỳ theo mục tiêu sản xuất.

2.2. Quy trình sản xuất cây giống sạch bệnh ở nhà lưới cấp 3.

Chuẩn bị gốc ghép:

1. Chọn giống làm gốc ghép: hiện nay có nhiều giống để chọn làm gốc ghép cho cây có múi. Theo khuyến cáo của các chuyên gia đầu ngành, chúng ta có thể dùng bưởi chua để làm gốc ghép cho các loại bưởi, dùng chấp hoặc cam 3 lá để ghép cho các loại cam và quýt.

2. Thành phần nền đất gieo hạt gốc ghép: gồm 1/3 đất màu + 1/3 cát vàng + 1/3 mùn hữu cơ được hấp khử trùng bằng hơi nước nóng 100oC trong 60 phút.

3. Gieo hạt: khoảng cách gieo hạt là 3 x 3 cm. Gieo xong lấp hạt 1 cm bằng đất nhỏ mịn, sau đó dùng ván ấn chặt mặt luống. Tưới nước đủ ẩm hàng ngày.

4. Chăm sóc cây con: khi cây có 4 lá thật, bắt đầu phun phân bón lá để thúc cây sinh trưởng khoẻ (dùng loại phân bón lá có các nguyên tố vi lượng).

Cây con cao 12 - 15 cm có 5 - 6 lá thật là đủ tiêu chuẩn ra ngôi, cây được chuyển qua giai đoạn ra ngôi chờ ghép.

5. Kỹ thuật ra ngôi và chăm sóc cây con chờ ghép.

Cây con gốc ghép được cấy vào các túi bầu polyetylen đựng hỗn hợp nuôi cây.

* Hỗn hợp trong túi bầu ươm cây con:

Gồm: 1/3 đất màu + 1/3 cát vàng + 1/3 mùn hữu cơ + 100 g/bầu phân NPK.

* Túi bầu: sử dụng túi polyetylen mầu đen, kích cỡ 16 x 35 cm.

* Tiêu chuẩn cây gốc ghép:

- Chiều cao cây 40 - 50 cm, đường kính gốc đạt 0,3 cm.

- Cây mọc thẳng, khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh hại.

Chuẩn bị mắt ghép:

Mắt ghép phải được lấy từ các cây S1, chỉ dùng mắt thức (mắt đã nổi rõ), không lấy mắt ghép trên cành còn non (cành phải được 3 tháng tuổi trở lên).

* Phương pháp ghép:

- Ghép theo phương pháp mắt nhỏ có gỗ hoặc ghép nêm.

- Vị trí ghép cách mặt bầu 20 cm.

* Thời vụ ghép: cây có múi có thể ghép tốt từ tháng 3 - 10.

Chăm sóc cây con sau ghép:

- Tỉa bỏ chồi mọc ra từ gốc ghép.

- Dùng phân bón lá để nuôi cây trong cả quá trình chăm sóc.

- Phân loại cây con theo từng lô đồng đều về sinh trưởng để các cây không che khuất lẫn nhau.

- Bấm ngọn tạo tán ngay từ khi chồi ghép cao 20 cm, có 5 - 6 lá, để lại 2 - 3 chồi tạo cành cấp 1 sau này cho cây.

- Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.

- Khi cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn, phải giám định bệnh cho cây bằng kỹ thuật PCR, ELISA. Cây bệnh được phát hiện sớm và loại bỏ ngay.

Phương pháp lấy mẫu để giám định bệnh cho các lô cây giống: mỗi mẫu 50 cây, mỗi cây lấy 2 lá bánh tẻ. Nếu mẫu nào dương tính phải thử lại bằng cách chia lô nhỏ hơn, 10 cây/mẫu. Nếu vẫn còn mẫu dương tính phải thử lại từng cây để phát hiện chính xác cây nào đã bị nhiễm bệnh, cây đó phải được loại bỏ ngay ra khỏi vườn.

Khả năng chống chịu bệnh Phytophthora và Tristeza của một số loại gốc ghép cho cây có múi. (By W. W. Ko - Citrus diseases in Malaysia, 1991).

 

Gốc ghép

Phytophthora

Tristeza

Rough Lemon (chanh sần)

- -

++

Citrus Volkameriana

+

-

Cleopatra mandarin

+

++

Sour Orange (Cam chua)

++

- -

Sweet Orange (Cam ngọt)

- -

+

Poncirus trifoliata (Cam 3 lá)

++

++

 

Ghi chú:    - Nhiễm trung bình                        - - Rất nhiễm

                + Chống chịu trung bình                ++ Rất chống chịu

 10 YÊU CẦU CƠ BẢN TRONG SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CÂY CÓ MÚI SẠCH BỆNH

1- Xây dựng hệ thống nhà lưới nhân cây giống cây có múi sạch bệnh cách vùng bệnh ít nhất 3 km. Có thể tạo ra khoảng cách này bằng cách loại bỏ tất cả các cây có múi trong vùng bán kính nêu trên.

2- Dùng nước nóng để xử lý hạt gốc ghép (55oC trong 50 phút).

3- Dùng mắt ghép sạch bệnh lấy từ vườn nhân mắt ghép S1.

4- Kiểm dịch chặt chẽ để bảo vệ vườn ươm. Không được đưa nguồn bệnh vào vườn ươm bằng bất cứ con đường nào.

5- Xung quanh vườn ươm phải có hàng rào chắn gió. Các nhà lưới chống côn trùng phải có buồng ra vào 2 cửa. Giữa 2 lần cửa có đủ điều kiện khử trùng dày dép, quần áo, mũ... để ngăn vi sinh vật hoặc côn trùng theo người vào nhà lưới. (Hỗn hợp vôi bột 80% + Sunfat Đồng 20% được rải xuống nền).

6- Không cho người lạ vào thăm, trừ khi họ đã được khử trùng dày dép, quần áo, mũ... và được khoác bộ quần áo sạch chuyên dùng.

7- Khử trùng dụng cụ dao kéo trong quá trình làm việc trong nhà lưới bằng nước Javen 10%. Luôn kiểm tra chất lượng nước tưới.

8- Luôn luôn phân cách phần cũ và phần mới của vườn ươm hoặc các vùng gồm các cây khác nhau.

9- Định kỳ 3 tháng/lần giám định bệnh cho tất cả các lô cây giống, xác định và loại bỏ ngay các cây có kết quả dương tính (bị bệnh): greening, tristeza, loét vi khuẩn, exocortis, tatter leaf, psorosis...

10- Các cây giống phải có phiếu ghi rõ tên cây gồm gốc ghép, mắt ghép. Trước khi xuất vườn, các cây giống đều phải có chứng chỉ sạch bệnh.

Tiêu chuẩn cây giống chất lượng cao:

- Cây sinh trưởng khoẻ, thân thẳng, không có lá dị dạng.

- Đường kính thân cách gốc 10 cm đạt 10 - 15 mm.

- Cành ghép khoẻ, dài từ 30 cm trở lên.

- Đúng giống.

- Không có triệu chứng bị sâu bệnh hại.

- Được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ cây giống chất lượng cao.

Trong thời gian qua, Viện BVTV đã tuyển chọn và làm sạch bệnh được một tập đoàn cây có múi như bảng sau:

 

TT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Nơi thu thập

1

Cam Sành

C. reticulata x C. sinensis

Bắc Quang - Hà Giang

2

Cam Xã Đoài

Citrus sinensis

Nghi Diên - Nghệ An

3

Cam Vân Du

Citrus sinensis

Phủ Quỳ - Nghệ An

4

Cam Sông Con

Citrus sinensis

Phủ Quỳ - Nghệ An

5

Cam Canh

Citrus reticulata

Từ Liêm - Hà Nội

6

Cam Valencia

Citrus sinensis

Thạch Quảng - Thanh Hoá

7

Cam Hamlin

Citrus sinensis

Thạch Quảng - Thanh Hoá

8

Quýt đỏ

Citrus reticulata

Bắc Quang - Hà Giang

9

Quýt chum

Citrus reticulata

Bắc Quang - Hà Giang

10

Quýt ngọt

Citrus reticulata

Lý Nhân - Hà Nam

11

Bưởi Phúc Trạch

Citrus grandis

Hương Khê - Hà Tĩnh

12

Cam Bù

Citrus reticulata

Hương Sơn - Hà Tĩnh

13

Bưởi Diễn

Citrus grandis

Từ Liêm - Hà Nội

14

Cam Mật

Citrus sinensis

Viện CAQ Long Định

15

Quýt Clemantine

Citrus reticulata

Viện CAQ Long Định

16

Quýt đường

Citrus reticulata

Yên Bình - Yên Bái

17

Bưởi đường

Citrus grandis

Yên Bình - Yên Bái

18

Quýt đường

Citrus reticulata

Bạch Thông - Bắc Kạn

19

Cam Sành

C. reticulata x C. sinensis

Bạch Thông - Bắc Kạn

20

Cam Valencia

Citrus sinensis

Nhập từ Đài Loan

21

Cam Hamlin

Citrus sinensis

Nhập từ Đài Loan

22

Cam Pine WN-1

Citrus sinensis

Nhập từ Đài Loan

23

Cam Navel

Citrus sinensis

Nhập từ Đài Loan

24

Quýt Thái

Citrus reticulata

Nhập từ Đài Loan

25

Quýt Mucott

Citrus reticulata

Nhập từ Đài Loan

26

Quýt Honey K-3

Citrus reticulata

Nhập từ Đài Loan

27

Bưởi Sa Điền

Citrus grandis

Nhập từ Đài Loan

28

Bưởi Kaopan

Citrus grandis

Nhập từ Đài Loan

29

Quýt Ponkan

Citrus reticulata

Nguồn từ Trung Quốc

 
cuctrongtrot
In trang Quay lại Lên trên

  
TIN NÓNG
   
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.879.007 - Fax: (84.064) 3.799.484
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu