TRANG CHỦ Tổng quan về xã Bàu Lâm LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 24/11/2024
Muôn màu cuộc sống
Hoạt động UBND xãSản phẩmDịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 186782




TÀI LIỆU KHCN
 
Danh mục công nghệ hạn chế và cấm chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp
 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành công văn đề xuất danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao trong nông nghiệp. Trang web xin giới thiệu tới bạn đọc danh mục công nghệ hạn chế và cấm chuyển giao.

Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:

I.  Công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

-  Sản xuất các giống cây trồng nhiễm sinh vật gây hại (sậu, bệnh) nặng trong sản xuất;

-  Công nghệ, quy trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất (phân bón, thuốc BVTV hóa học)

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

-  Các giống vật nuôi bản địa.

c) Lĩnh vực Thủy sản

-  Công nghệ máy móc, thiết bị kèm công nghệ sản xuất các loại ngư cụ có tính chọn lọc thấp, có khả năng gây hại môi trường;

-  Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản và bảo quản thủy sản;

-  Công nghệ tạo giống thủy sản bằng phương pháp biến đổi gien.

-  Công nghệ chế biến bột cá dạng hở.

d) Lĩnh vực Lâm nghiệp

-  Công nghệ sản xuất ván sợi theo phương pháp ướt.

-  Công nghệ sản xuất trang sức đồ gỗ, lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc tồn dư hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hàm lượng cao.

-  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa thạch tín (arsenic).

đ) Lĩnh vực Trồng trọt

-  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật và các lĩnh vực khác;

-  Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gien trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;

-  Công nghệ nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm sử dụng chất bảo quản thực phẩm, chất kích thích tăng trưởng chưa được thử nghiệm độ an toàn.

II. Công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài

a) Lĩnh vực Thủy sản

-  Công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng thủy sản thuộc sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế;

b) Lĩnh vực Trồng trọt

-  Công nghệ sản xuất, nhân giống các loại cây trồng thuộc danh mục quý hiểm hạn chế xuất khẩu;

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

- Công nghệ nhân, nuôi sinh vật gây hại cây trồng;

- Công nghệ sản xuất phân bón, thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

-   Các giống vật nuôi, nguồn gien quý hiếm (cấm xuất khẩu).

c) Lĩnh vực Lâm nghiệp

-  Công nghệ sản xuất keo dán gỗ Urea-Formaldehyhe (UF), Melamine Urea-Formaldehyhe (MUF) và Phenol-Formaldehyde có hàm lượng Formaldehyde tự do vượt quá giới hạn (Formaldehyde class > E2).

-  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT.

-  Công nghệ sử dụng các loài sinh vật ngoại lai (động vật, thực vật và vi sinh vật) thuộc danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

d) Lĩnh vực Trồng trọt

-  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại;

-  Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô).



Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao trong nông nghiệp
 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành công văn đề xuất danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao trong nông nghiệp. Trang web xin giới thiệu tới bạn đọc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao.

I. Lĩnh vực Bảo vệ thực vật

- Công nghệ phun,  rải thuốc bảo vệ thực vật tăng hiệu quả sử dụng và giảm độc hại đến con người, sản phẩm và môi trường.

- Công nghệ nhân nuôi và phóng thích sinh vật có ích.

- Công nghệ dự tính, dự báo sinh vật gây hại cây trồng.

- Công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

- Công nghệ sản xuất phân bón thế hệ mới mà hiệu quả tạo ra có hiệu quả sử dụng cao hơn (tối thiểu 10%), ít tác động tiêu cực đến môi trường đất, nông sản so với phân bón cùng loại phổ biến, cùng thời điểm trên thị trường.

- Công nghệ sinh học trong sản xuất: Phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng đất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, vv...

- Công nghệ sinh học trong giám định, chẩn đoán bệnh hại cây trồng; quản lý và phòng trừ dịch hại; công nghệ sản xuất và ứng dụng các bộ KIT để chuẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng.

2. Lĩnh vực Chăn nuôi

-  Giống vật nuôi cao sản.

-  Phần mềm quản lý giống vật nuôi, trang trại.

3. Lĩnh vực Thủy sản

-  Công nghệ cao, máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ cao ứng dụng trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý tàu cá; trong nuôi trồng thủy sản.

-  Công nghệ chọn tạo, sản xuất giống thủy sản bố mẹ giá trị kinh tế có tính trạng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và kháng bệnh nguy hiểm.

-  Công nghệ sản xuất giống các đối tượng thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt có giá trị kinh tế, chất lượng cao, sạch một số bệnh nguy hiểm.

-  Công nghệ lưu giữ, bảo tồn, sản xuất giống và nuôi các loài thủy sản bản địa quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

-  Công nghệ tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác và bảo quản thủy sản.

-  Công nghệ xử lý, cải tạo môi trường thủy sản.

4. Lĩnh vực chế biến nông lâm sản và thủy sản

-  Công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến, đóng gói sản phẩm nông nghiệp.

-  Công nghệ sản xuất bao bì phục vụ đóng gói sản phẩn nông nghiệp.

-  Công nghệ chiết xuất các loại vi chất từ nguyên liệu nông, lâm, thủy sản.

-  Công nghệ chế biến tiết kiệm năng lượng.

-  Công nghệ chế biến gỗ từ rừng trồng.

-  Công nghệ chế biến sản xuất ván sợi MDF liên tục công suất 100.000 m2/năm trở lên.

-  Công nghệ và thiết bị sản xuất ván ép thanh từ rừng trồng đạt tiêu chuẩn Châu Âu.

5. Lĩnh vực Lâm nghiệp

- Công nghệ chọn tạo các giống cây lâm nghiệp mới có các đặc tính ưu việt: năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu, bệnh hại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

-  Công nghệ mới, tiên tiến nhân giống cây lâm nghiệp quy mô công nghiệp phục vụ trồng rừng và trồng cây lâm sản ngoài gỗ.

-  Công nghệ vật liệu mới trong tạo ruột bầu ươm cây giống.

-  Công nghệ cơ giới hóa, tự động và bán tự động trong khâu đóng bầu, ươm cây lâm nghiệp; làm đất, trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng; khai thác, vận xuất và vận chuyến lâm sản.

-  Công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động để ươm cây giống lâm nghiệp.

-  Công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, di động) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; giám sát đa dạng sinh học; quản lý và phòng trừ sâu, bệnh hại cây trông lâm nghiệp; giám sát và cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

-  Công nghệ gen/ADN để phân loại thực vật rừng, động vật rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng gen về các loài động, thực vật rừng, đa dạng sinh học.

-  Công nghệ biến tính gỗ, công nghệ nano, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tấm để bảo quản gỗ thân thiện với môi trường.

-  Công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới; công nghệ sản xuất chất phủ bề mặt, keo dán thân thiện với môi trường.

-  Công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất quy mô công nghiệp các loại nguyên, vật liệu phụ trợ: Keo dán, sơn phủ bề mặt, phụ kiện cơ khí, chế tạo máy và thiết bị.

-  Công nghệ vật liệu mới tạo các sản phẩm gỗ-composite chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho xây dựng và ngành công nghiệp chế biến đồ mộc.

-  Công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên (năng lượng mặt trời, gió, nước, V.V..) để chế biến và bảo quản lâm sản (gỗ và lâm sản ngoài gỗ).

-  Công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, công nghệ enzym sản xuất các chế phẩm sinh học thế hệ mới trong chế biến và bảo quản lâm sản.

6. Lĩnh vực Thủy lợi

-  Công nghệ tưới tiết kiệm nước, điều khiển tự động;

-  Công nghệ, giải pháp mới, tiên tiến trong xây dựng công trình thủy lợi, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển, công trình ngăn sông lớn; công nghệ thi công trong nước.

-  Công nghệ dự báo: bão, lũ, động đất, sóng thần và các thiên tai khác;

-  Công nghệ chế tạo thiết bị đo điện tử, thiết bị cảm biến áp dụng trong dự báo, quan trắc, quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi.

-  Công nghệ chế tạo vật liệu xây dựng có tính năng đặc biệt (chống thấm cao, dính kết cao, nâng cao cường độ, tăng tuổi thọ công trình,...).

-  Công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế công trình thủy lợi (thiết bị đo vẽ, phần mềm tính toán, mô hình toán,...).

7. Lĩnh vực Trồng trọt

-  Công nghệ nhân giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu;

-  Công nghệ nhân giống vô tính đối với cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm;

-  Công nghệ điều khiển thời gian ra hoa, kết trái và thu hoạch các loại cây trồng;

-  Công nghệ tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại rau, hoa, quả;

-  Công nghệ sản xuất an toàn các loại cây trồng;

-  Công nghệ sản xuất giống cây trồng nông, lâm nghiệp sạch bệnh.



Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp

NDĐT- Mặc dù ngành nông nghiệp chỉ chiếm 4% trong cơ cấu kinh tế nhưng lực lượng lao động nông thôn tại Bà Rịa - Vũng Tàu lại chiếm khoảng 30% dân số cho nên nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là lĩnh vực quan trọng của địa phương, xét cả trên góc độ kinh tế và an sinh xã hội.

Phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này, với việc dành hơn 5.000 ha đất để đầu tư. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng nhận được nhiều ưu đãi.

Nhiều doanh nghiệp chọn nông nghiệp công nghệ cao

Với khuôn viên 4.000m2, hiện trang trại ViFarm đang ứng dụng công nghệ trồng rau trên giàn thủy canh hồi lưu, với các loại rau ăn lá chủ yếu như: rau muống, cải thìa, cải ngọt, xà lách tím... Trung bình mỗi tháng, trang trại cung ứng khoảng năm tấn rau ra thị trường. Việc canh tác ở đây đều được thực hiện trong nhà kính, cách ly với bên ngoài. Các sản phẩm của ViFarm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

Ông Cao Nhật Anh Tú, người sáng lập trang trại ViFarm, cho biết, trồng rau bằng công nghệ thủy canh hồi lưu là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Với công nghệ này, cây trồng không sử dụng đất mà sử dụng giá thể và nước. ViFarm sử dụng nguồn nước và giá thể đạt tiêu chuẩn quốc tế. Xơ dừa trước khi đưa vào sử dụng được xử lý loại bỏ các thành phần kim loại nặng, chiếu qua tia UV tiệt trùng, bảo đảm rau được nuôi trồng trong môi trường an toàn tuyệt đối.

Ông Cao Nhật Anh Tú cho biết thêm, hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel bảo đảm định lượng nước tưới chính xác, không bám rêu, bộ lọc nước hiệu quả nên hoàn toàn yên tâm với việc cung cấp đủ nước cho cây trồng. Bên cạnh đó, nhờ rau được trồng trong nhà kính, toàn bộ thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đều được kiểm soát tự động, tạo môi trường tốt nhất để cây phát triển. Với diện tích sẵn có, hiện ViFarm đang bố trí trồng 52 giàn thủy canh hồi lưu để trồng rau. Trong khi đó, với lượng rau trên, nếu trồng theo cách thông thường phải cần đến diện tích đất khoảng 1,2ha.

Trước đó, ngày 14-7 vừa qua, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (UDEC), doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cũng đã chốt việc lấy ý kiến cổ đông để bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh là nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan. Với việc mở thêm lĩnh vực nông nghiệp, UDEC đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2017 là 619 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng gấp hai lần so với năm 2016…

Và mới đây nhất, ngày 18-8, chín bạn trẻ ở xã An Nhứt đã quyết định góp vốn thành lập HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Thanh niên An Nhứt (tại xã An Nhứt, huyện Long Điền), với vốn điều lệ 500 triệu đồng. Các bạn trẻ kỳ vọng sẽ từng bước xây dựng hình ảnh nông sản của Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một “thương hiệu sạch, uy tín” trong khu vực.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (TP Hồ Chí Minh), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh có vị trí thuận lợi, gần TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, do đó các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ không lo về thị trường. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có thế mạnh về phát triển du lịch nên đầu tư cho nông nghiệp cũng chính là đầu tư để thu hút khách du lịch. “Theo tôi, có rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao có thể áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu như những khu du lịch sinh thái, vườn sinh thái kết hợp với tham quan du lịch”, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Đề án số 04/ĐA/TU về phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, tổng diện tích dự kiến quy hoạch được địa phương dành để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 5.095ha, tập trung tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ. Đến nay, đã có 28 doanh nghiệp đăng ký xin giao đất với diện tích hơn 2.500ha để thực hiện các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Đề án 04.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Quốc cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tỉnh đang tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đáp ứng khi có doanh nghiệp đến đầu tư. Lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và thống nhất chủ trương chuyển 1.033ha đất cao su tại huyện Châu Đức về cho tỉnh quản lý để tạo thêm quỹ đất. Được biết, mới đây, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sáu tháng cuối năm 2017.

Trong đó, HĐND tỉnh đồng ý triển khai xây dựng thử nghiệm ba mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, quả và hoàn thiện đề án nghiên cứu tiền khả thi về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các quỹ đầu tư trên địa bàn dành một phần vốn hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp có đề án được thẩm định, đánh giá cao.

Trong tháng 9-2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại hội nghị, ngoài việc giới thiệu khái quát tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thông tin đầy đủ về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, các doanh nghiệp cũng sẽ được thông tin về những chính sách ưu đãi của Nhà nước, của UBND tỉnh đối với doanh nghiệp, nhất là các chính sách về đất đai và vốn…

Phát biểu tại Hội nghị Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tại địa phương mới đây, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Mai Thanh Quang cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp trên cả nước nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công như: mô hình nông trại ViFarm, ca cao Thành Đạt, nuôi hàu Thái Bình Dương, trồng rau trong nhà màng ở Đất Đỏ, trồng thanh long ruột đỏ, các mô hình chăn nuôi bằng công nghệ sinh học - vi sinh…

Đây chính là tiền đề, động lực để các doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, để phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục lan tỏa rộng khắp, đặc biệt là hướng đến nhóm đối tượng trẻ, nhiều hoài bão và ước mơ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như những bạn trẻ trong và ngoài nước muốn chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi khởi nghiệp.

Bài, ảnh: ANH TUẤN - NGUYỄN NAM
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiều 21/6/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã hiện nay. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chiều 21/6, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới làm việc với hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể; đại diện các bộ ngành và Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21/2/2013; Luật Hợp tác xã năm 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có 93 triệu dân, gần 10 triệu hộ gia đình sống ở địa bàn nông thôn, hơn 4 triệu hộ cá thể sống ở đô thị có nhu cầu liên kết và hợp tác theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống.

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã ngày càng phát triển, là phương thức tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống xã hội văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ; các thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Do vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã là phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp nhu cầu của người dân.

Bên cạnh những kết quả khu vực hợp tác xã đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phát triển như nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị về kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế, còn mặc cảm với tồn tại yếu kém của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, lòng tin đối với hợp tác xã kiểu mới chưa cao.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã đã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã; phân bổ theo cơ chế "xin cho"; kinh phí của trung ương và địa phương bố trí để hỗ trợ còn ít, phân tán ở nhiều kênh, nhiều chương trình.

Ngoài ra, quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp.

Mặt khác, tiềm năng và lợi thế của các địa phương, vùng kinh tế rất lớn nhưng kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng, xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang xuống cấp, chưa đáp ứng sản xuất  qui mô lớn và áp dụng công nghệ cao.

Đáng lưu ý, phần lớn các hợp tác xã qui mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và thiếu minh bạch, cơ sở vật chất còn nghèo, năng lực cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém đã tồn tại trong thời gian dài. Hơn nữa, thu nhập của phần lớn lao động trong khu vực nông nghiệp thấp, thiếu ổn định.

Đặc biệt, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chưa làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, chưa nhận thức đầy đủ và khai thác lợi thế liên kết hệ thống từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và cung ứng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã; chưa có khả năng huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ thành viên.

Một số Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố chưa sâu sát cơ sở; chưa chú trọng xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; chưa xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; còn 4% tổng số hợp tác xã chưa đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Liên minh hợp tác xã Việt Nam nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa để thực hiện tốt được trọng trách được giao và tăng cường tuyên truyền, tập huấn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã, nâng cao nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổng kết và nhân rộng mô hình các hợp tác xã điển hình tiên tiến gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng.

Mặt khác, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã 2012 (như công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc, chế tài xử lý vi phạm pháp Luật ...).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.

Hơn nữa, tăng cường và nâng cao hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đặc biệt, giám sát hoạt động của các hợp tác xã thành viên theo qui định của pháp luật về hợp tác xã, hỗ trợ kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về hợp tác xã.

Thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên. Cùng đó, tổng kết và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả  nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cấp, các ngành về hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh truyền thông về hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tham gia rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác xã và Liên minh hợp tác xã theo Điều 6 - Luật Hợp tác xã 2012; xây dựng và triển khai Đề án giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động.

Đặc biệt, tập trung đầu tư nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của các hợp tác xã. Báo cáo Chính phủ Đề án đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để cho vay hợp tác xã có năng lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

Chiều 21/6/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã hiện nay. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Riêng với các Bộ ngành và địa phương, Thủ tướng đề nghị cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018; xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Liên minh Hợp tác xã.

Ngoài ra, các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018; xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Liên minh hợp tác xã.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 895 hợp tác xã được thành lập mới, đạt 40% so với kế hoạch cả năm 2018. Có 220 hợp tác xã yếu kém phải giải thể, trong số các hợp tác xã mới ra đời thì 80% là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, mặc dù vẫn có nhiều hợp tác xã phải giải thể do hoạt động kém hiệu quả, nhưng hiện nay các mô hình hợp tác xã kiểu mới đang là một xu thế phát triển, nhiều hộ sản xuất có nhu cầu liên kết, thành lập các hợp tác xã trước yêu cầu cấp thiết về mở rộng thị trường, hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá tập trung, đáp ứng thị trường.

Cùng đó, chính sách phát triển hợp tác xã và kinh tế hợp tác được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt thông qua Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.5.2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả./.



Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường, miền Trung tiếp tục mưa
Một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển, dự báo sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta vào chiều tối và đêm mai (7/12).

Quỳ Hợp tìm thấy cháu bé mất tích ngay trong đêm
Ngày 6/12, công an huyện Quỳ Hợp cho biết đơn vị đã tìm thấy cháu Vi Thị Thu Trang (2 tuổi) trú tại bản Choọng, xã Châu Lý bị mất tích sau gần 2 giờ đồng hồ

Ngành trái cây Việt có tốc độ bứt phá ngoạn mục và bền vững
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành trái cây có tốc độ bứt phá nhanh và bền vững trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trang: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Trang sau >  >>|   Trang: 1/14  
  
TIN NÓNG
   
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.879.007 - Fax: (84.064) 3.799.484
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu