TRANG CHỦ Tổng quan về xã Bàu Lâm LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 24/11/2024
Muôn màu cuộc sống
Hoạt động UBND xãSản phẩmDịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 186722

  TÀI LIỆU KHCN

  Phòng chống bệnh hại cây cao su trong mùa mưa
14/03/2014

Khi thời tiết đang chuyển sang mùa mưa, trên cây trên cây cao su có nhiều đối tượng dịch hại như bệnh nấm hồng, bệnh loét sọc miệng cạo, xì mủ và một số đối tượng dịch hại khác gây hại trên nhiều diện tích cao su ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su. Việc tìm ra biện pháp phòng trừ thích hợp và hiệu quả là rất quan trọng.

Vì vậy, nông dân cần chú ý phòng chống các loại bệnh thường hay xuất hiện trên cây cao su vào mùa mưa. Bệnh nấm hồng, thường tấn công phần thân ở nơi phân cành chính và một số cành cấp 1. Triệu chứng dễ nhận dạng nhất là nứt vỏ, chảy mủ dọc theo thân, mủ đông đặc thâm đen, các sợi nấm bệnh phát triển như một mạng tơ nhện lúc đầu có màu trắng, sau đó ngả sang màu hồng, đó là lúc các sợi nấm đã tấn công sâu vào lớp vỏ bên trong cây.

Khi sợi nấm chuyển màu hồng, thì bệnh đã nặng, phía trên vết bệnh bị chết lá khô rụng và bên dưới cành bị chết, các chồi non mọc và phát triển. Đôi khi có xuất hiện các vảy cứng giống như vết khảm màu hồng ở phần dưới nơi bị bệnh, các mụn nhỏ xếp thành hàng màu cam đỏ thường xuất hiện ở trên vết bệnh. Trường hợp nơi phân cành chính bị bệnh đến mức độ nặng, toàn bộ tán lá bị khô và hư hại.

Bệnh phát triển và gây tác hại nặng trên cây cao su vào lúc thời tiết ẩm ướt. Tại Quảng Trị, bệnh phát triển mạnh vào các tháng mưa dầm, những vùng đất thoát nước kém. Bệnh nấm hồng gây tác hại trầm trọng, làm kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản 1 - 2 năm và bệnh trên cây khai thác làm giảm sản lượng từ 25 - 50% tuỳ theo mức độ bệnh. Bệnh lây lan bằng các đám bào tử sản sinh từ các vết khảm màu hồng bay theo gió và một loại bào tử khác sản sinh từ các mụn nhỏ màu đỏ cam, lây lan do nước mưa làm bắn tung đi.

Cách phòng bệnh này là chọn các giống kháng bệnh, tránh trồng các dòng vô tính mẫn cảm với bệnh ở các vùng ổ bệnh như giống RRIM 600, RRIM 603, PB28/59. Trên các vườn cây đã trồng vào mùa mưa cần làm thông thoáng vườn cây bằng cách tỉa bớt chồi ngang, diệt cỏ dại và cây bụi trong vườn, khơi mương chống úng. Thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm các trường hợp cây bị bệnh, tiến hành chữa trị sớm bệnh có thể khỏi 100%, nếu bệnh nặng tỷ lệ chữa khỏi bệnh chỉ thành công 40 - 50%.

Khi phát hiện cây bị bệnh phải tổ chức ngay việc trị bệnh cây. Phun các loại thuốc đặc trị như Validacin, Damyxin... lên vết bệnh. Dùng các bình phun có vòi dài, phun thuốc bao trùm lên vết bệnh 30 - 50 cm bên trên và dưới vết bệnh, phun nhiều lần cho đến khi cây khỏi bệnh. Đến mùa khô, cắt bỏ các cành cây bệnh đã hư hại, loại bỏ từ 10 - 20 cm cách nơi bị bệnh. Mang cành chết ra khỏi vườn để diệt mầm bệnh.

Bệnh loét sọc mặt cạo, thân cây cao su nhất là mặt cạo bị ung thối, lở loét là tác hại chung của loài nấm bệnh Phytophthora. Nếu không được điều trị, bệnh có thể làm chết cây, nhất là khi bệnh tấn công ở vùng vỏ gần gốc cây. Ở Quảng Trị, do mưa nhiều và mùa mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển nên cây cao su bị loét sọc mặt cạo nặng.

Bệnh do nấm Phytophthora palmivora hại mặt cạo và Phytophthora Botryosa hại ở trái và lá cao su. Lúc mới nhiễm bệnh, miệng cạo hơi đen, lõm vào, bên dưới lớp vỏ có các sọc màu đen xám, thẳng đứng. Các sọc này phát triển rộng và sâu đến 5 mm bên trong lớp gỗ. Nếu không điều trị kịp thời, các sọc đen phát triển mạnh liên kết nhau khiến vết bệnh phát triển trên chiều rộng chiếm một phần chiều dài hoặc cả miệng cạo.

Sau đó vỏ phồng rộp bên ngoài, gặp một đệm cao su màu đen xám hoặc đen thẩm, lớp gỗ bên dưới đã bị thâm đen có mùi hôi. Khi bệnh đã đến giai đoạn này, lớp vỏ bị bệnh đã hư hại, không còn chữa trị được nữa và vết thương đã làm hư hại một khoảng vỏ lớn. Vết bệnh phát triển cả phần trên và dưới miệng cạo.

Ở những giống mẫn cảm với bệnh và điều trị không kịp thời đôi khi bệnh làm hư hại cả mặt cạo từ gốc đến nơi phân cành chính làm chết cây. Bào tử bệnh thường sống rất lâu trên các vết bệnh, trên cây cỏ trong vườn và khi gặp điều kiện thuận lợi thì lây lan theo nước mưa, theo gió và nhất là qua dao cạo đã truyền mầm bệnh liên tục từ cây bệnh sang các cây lân cận.

Bệnh loét sọc mặt cạo rất nguy hại vì nó làm hại lớp vỏ cạo, khiến lớp vỏ tái sinh về sau không cạo được nữa và còn làm tắc đường dẫn mủ khiến lớp vỏ cạo bên dưới vết bệnh cho sản lượng thấp. Bệnh phát triển nhanh và mạnh trong điều kiện ẩm ướt, gặp lúc khô hạn, mặc dù không được đều trị đúng mức, bệnh cũng tạm ngưng phát triển. Các bào tử bệnh sống tiềm sinh trên các vết bệnh cũ, gặp điều kiện thuận lợi như vết thương trên vỏ cạo, mùa mưa, bệnh sẽ phát triển mạnh và tiếp tục gây hại.

Sản lượng cây bị bệnh từ nhẹ đến trung bình mất từ 15 - 30% so với sản lượng bình thường. Trong trường hợp cây bị nặng, sản lượng mất trên 50% và đôi khi làm hư hại cả lớp vỏ phải huỷ bỏ vườn cây trước niên hạn khai thác. Giống cây mẫn cảm nặng là: PB5 301, PB 86, RRIM 600, RRIM623.

Cách phòng trị bệnh là thường xuyên kiểm tra để phát hiện cây bệnh. Loại bỏ tất cả cây bụi, cỏ dại trong vườn làm thông thoáng vườn cây, khơi mương thoát nước ở những nơi bị úng cục bộ để làm giảm độ ẩm của vườn cây. Khi vườn cây đã bị bệnh, để hạn chế sự lây lan, nên nhúng dao cạo vào một dung dịch thuốc đặc trị trước khi cạo cây kế tiếp.

Trên các cây bị bệnh, nếu ở giai đoạn sọc đen, quét các loại thuốc đặc tr ị như Ridomil Gol, Fungal 80WP, Agrifos 400 lên mặt cạo 3 - 10 ngày/lần tuỳ theo mức độ bệnh. Đối với cây bị bệnh nặng, nơi vỏ bị phồng rộp, xì mủ, phải nạo bỏ lớp vỏ bị phồng, lấy mủ đệm bên dưới, nạo nhẹ lớp gỗ bị thâm đen và bôi thuốc Ridomil, Fungal Agrifos 400 lên vết nạo và lớp vỏ bên trong. Lưu ý khi nạo vết bệnh, bờ vết nạo phải thoai thoải nghiêng ra phía ngoài để lớp vỏ tái sinh về sau ít gây u bướu.

Báo Quảng Trị
In trang Quay lại Lên trên

  
TIN NÓNG
   
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.879.007 - Fax: (84.064) 3.799.484
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu