TRANG CHỦ Tổng quan về xã Bàu Lâm LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 24/11/2024
Muôn màu cuộc sống
Hoạt động UBND xãSản phẩmDịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 186727

  TÀI LIỆU KHCN

  Kỹ thuật giâm cành chè
22/03/2014

Giâm cành chè là biện pháp nhân giống vô tính, từ một đoạn cành chè bao gồm 1-2 lá cùng với chối nách (hom chè) đem giâm trên một nền vật liệu (đất, cát...) để tạo thành cây mới. Đây là cây giống để trồng.

    Hom chè giâm cành thường là cành bánh tẻ của giống tốt hoặc những cây đầu dòng ưu tú.

    Có 2 phương pháp nhân giống chè là: nhân giống hữu tính (bằng hạt) và nhân giống vô tính (bằng giâm cành, chiết cành, ghép cành và nuôi cấy mô), nhưng phổ biến và thông dụng nhất hiện nay là nhân giống vô tính bằng giâm cành.

- Nhân giống hữu tính (bằng hạt):

+ Có ưu điểm là dễ làm, đơn giản và giá thành thấp.

+ Nhưng nhược điểm là: quần thể không đồng đều, không giữ nguyên đặc tính cây mẹ, năng suất không cao, chất lượng chè và tính chống chịu không ổn định, hệ số nhân giống thấp.

- Nhân giống chè vô tính bằng giâm cành

+ Có ưu điểm là: quần thể đồng đều, giữ nguyên đặc tính cây mẹ, năng suất cao, chất lượng  và tính chống chịu ổn định, hệ số nhân giống lớn.

+ Nhưng nhược điểm là: Đòi hỏi kỹ thuật công phu, giá thành cao hơn nhân giống bằng hạt (thông thương chi phí trồng cành gấp 6-8 lần so với trồng bằng hạt).

    Trong thực tế nhân giống bằng hạt (mặc dù hạt đã được tuyển chọn cẩn thận) tiêu chuẩn hạt giống tốt nhưng cây chè vẫn không đồng đều, có cây phát triển khoẻ, có cây sinh trưởng yếu. Màu sắc và hình thái mỗi cây mỗi vẻ là do đặc tính phân ly tính trạng rất mạnh đối với cây giao phấn như cây chè. Thời gian (kiến thức cơ bản) cây chè trồng hạt dài là 4 năm, trong khi đó chè trồng cành chỉ 2-3 năm.

    Nhân giống bằng giâm cành có hệ số nhân giống cao hơn nhân bằng hạt 15-20 lần. Một ha chè để giống quả chỉ trồng được 4 ha, trong khi đó 1ha để hom giâm có thể trồng được 80 ha. Chính vì vậy đã từ lâu phương pháp nhân giống bằng giâm cành đã trở thành một tiến bộ khoa học được sử dụng rộng rãi trong sản xuất để trồng những nương chè có năng suất cao, chất lượng tốt,chống chịu được sâu bệnh. Chỉ ở một số nơi do yêu cầu sản xuất, không có giống gốc để giâm cành tại chỗ, kinh phí hạn chế, trình độ kỹ thuật yếu, xa trung tâm sản xuất giống thì mới nhân giống bằng hạt.


  II. PHƯƠNG PHÁP GIÂM CÀNH

    Hiện nay giâm cành chè là phương pháp phổ biến trong nhân giống chè trên thế giới. Giâm cành chè được nghiên cứu ở Trung Quốc từ năm 1900 và Ấn Độ năm 1911, Grudia năm 1928, Srilanca 1938. Việt Nam năm 1938 (ở Miền Nam) bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất.

1. Cơ sở khoa học của giâm cành

    Đối với thực vật nói chung, cây chè nói riêng để duy trì nòi giống của mình chúng đều phải thông qua cơ quan sinh sản, hoặc chúng có khả năng tái sinh từ các bộ phận của các cơ quan sinh dưỡng như: lá, chồi, thân, rễ...Nếu đưa các bộ phận của chúng vào môi trường thích hợp nó sẽ phát triển thành rễ, mầm và hình thành cây con. Phương pháp giâm cành chè là sử dụng một bộ phận gồm đoạn thân lá (cơ quan dinh dưỡng) để tái sinh ra cây chè mới.

    Phiến lá của hom chè là cơ quan để quang hợp tạo ra những chất dinh dưỡng, nuôi hom và tái sinh cây, lá có vai trò trong việc tạo thành cây chè. Do đó lá không thể bị tổn thương, và phải sạch sâu bệnh.

    Để tạo thành cây chè hoàn chỉnh và sinh trưởng tốt trong vườn ươm, đủ tiêu chuẩn, đưa ra trồng trên nương nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng chủ yếu là chất lượng hom giống, đất trong bầu, chế độ ánh sáng, chế độ chăm sóc và phân bón cho vườn ươm.

    Môi trường cắm hom chè thường dùng là một loại đất xốp có thành phần có giới trung bình và độ chua thích hợp pHkcl từ 4,5-5,5. Từ vết cắt hom chè sau khi giâm cành xuống đất, nó sẽ hình thành màng mộc thiêm để chống sự xâm nhập của vi sinh vật, dần dần tạo thành mô sẹo và từ đó mọc ra rễ đầu tiên, mầm nách của hom chè cũng được phát triển từng bước cùng với sự phát triển của bộ rễ, đầu tiên là lá vảy ốc mở, sau đó đến các lá cá và lá thật, để tạo thành cây chè hoàn chỉnh. Nếu để mầm phát triển sớm hơn phát triển rễ là không có lợi cho cây chè giâm do đó phải điều chỉnh sinh trưởng cân đối mầm và rễ.

    Trong các yếu tố trên thì chất lượng hom giống ngoài phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi hom trên cây mẹ nó còn phục thuộc rất lớn vào bản chất di truyền của từng giống. Trong thực tế, có những giống giâm cành chè rất đơn giản, tỷ lệ sống cao những cũng có những giống chè khi giâm cành rất khó ra rễ và điều này thường gặp trong quá trình chọn lọc giống ở những cây chè trồng hạt.

    Đối với những giống tốt khó giâm cành có thể khắc phục bằng cách sử dụng chất kích thích sinh trưởng để giâm cành như: IAA hoặc IBA và NAA. Tại Viện nghiên cứu chè đã nghiên cứu chất kích thích làm tăng tỷ lệ xuất vườn đối với giống chè 1A (giống khó ra rễ), thí nghiệm đã dùng IAA nồng độ 4000-6000ppm làm tăng tỷ lệ xuất vườn 24,8% so với đối chứng.

2. Kỹ thuật giâm cành chè

2.1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn sản xuất hom giống (vườn giống gốc)

    Muốn có hom giống tốt phải có vườn cây mẹ tốt (vườn giống tốt) và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi hom vì sự tái sinh của cây trồng từ một bộ phận trên cơ thể ban đầu có sự liên quan nhiều đến quá trình sinh lý, sinh hoá của cây mẹ. Có nhiều tài liệu cho rằng trong hom chè có nhiều đường, ít đạm thì thuận lợi cho ra rễ. Trong hom chè hàm lượng đường và đạm ở cuộng và lá không như nhau và chúng thay đổi theo mùa, từ tháng 8 đến tháng 1 hàng năm, hàm lượng đạm trong lá giảm để dùng cho phát triển đọt và tổng hợp các chất protit; còn mùa xuân và mùa hè thì hàm lượng đạm cao hơn. Hiểu được bản chất của quy luật này để có chế độ chăm sóc và điều chỉnh thời vụ nuôi hom giống trên cây mẹ là hết sức quan trọng và cần thiết.

* Tiêu chuẩn vườn giống gốc

    Vườn giống gốc là vườn chè được trồng để thu hom chè giống, lấy cành hom để giâm. Vườn chè được  trồng bằng cành của những giống thuần chủng đã được chọn lọc. Nương chè để lấy hom phải được thâm canh ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản, đặc biệt là chế độ phân bón. Khi trồng phải bón lót 30-40 tấn phân chuồng, kết hợp với 600-800kg supe lân trên 1 ha. Hàng năm phải bón bổ sung cân đối NPK. Tùy loại đất, tuổi chè mà xác định lượng phân bón cho thích hợp. Trong quá trình quản lý và chăm sóc luôn luôn giữ sạch cỏ, sạch sâu bệnh. Đốn tỉa hợp lý đảm bảo mật độ cành đồng đều: cây chè sau 2 năm đốn tạo hình một lần, chiều cao vết đốn trên thân chính cách mặt đất 25-30cm và các cành bên 40-45cm, sau khi đốn các mầm chè  đầu tiên cần được chăm sóc và bảo vệ chu đáo, khi chiều cao của các đọt chè vượt trên 1 m mới được hái tỉa. Đốn tạo hình lần 2 vết đốn cách mặt đất 45cm, thời vụ đốn vào tháng 12 và tháng 1, cây chè qua 2 lần đốn thì hàng năm áp dụng đốn phớt theo quy trình.

* Kỹ thuật nuôi hom

    Trong điều kiện khí hậu Việt Nam hom chè giống có thể nuôi quanh năm, nhưng nếu hom giống cắm vào vụ xuân và vụ hè thì tỷ lệ sống thấp và năng suất hom cũng không cao. Do đó thường người ta chỉ nuôi hom vào 2 vụ là vụ hè thu và vụ xuân mà vụ chính là vụ đông xuân cho năng suất hom cao, chất lượng hom tốt và không ảnh hưởng nhiều đến sức sinh trưởng về sau của vườn giống gốc. Thời gian nuôi cành chè để lấy hom giâm khi cành chè có 5-6 lá thật lúc chè 3 đến 3,5 tháng tuổi. Nếu lấy hom giâm vào tháng 7-8 9vụ thu) thì bắt đầu chọn lứa chính không hái để nuôi từ tháng 4-5, còn nếu lấy hom giâm vào tháng 11-1 thì bắt đầu nuôi từ tháng 8 đến tháng 9.

+ Bón phân:

    Với nương chè vừa thu búp vừa để hom giống mỗi năm bón bổ sung 20-30 tấn phân chuồng/1 ha vào tháng 1 hàng năm. Trước khi để hom 15-20 ngày cần bón lượng phân khoáng hợp lý, cần coi trọng vai trò của kali và lân, thông thường lượng bón cho 1 gốc chè của vườn giống gốc như sau:

    Urê: 10 - 12g; kaliclorua (hoặc Kalisunphat) 10-15g; Supelân 20-25g với nương chè có năng suất xung quanh 5 tấn/ha. (Chú ý lượng phân khoáng trên là bón bổ sung khi để nuôi hom giống không bao gồm lượng phân bón cho thời kỳ sản xuất búp trước đó). Tuỳ theo mức năng suất của nương chè để giống mà điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng phân trên. Nếu nương chè để giống có mức năng suất dưới 5 tấn/ha thì giảm lượng phân trên 15% mỗi loại, nếu nương chè để giống năng suất trên 10 tấn/ha thì tăng lượng phân bón lê 15% mỗi loại.

+ Chăm sóc, bấm tỉa:

    Trong thời gian nuôi hom phải kiểm tra kịp thời thường xuyên những búp rìa tán, những búp nhỏ, sinh trưởng đợt sau, phía dưới để tập trung dinh dưỡng vào búp chính để lấy hom. Cần điều chỉnh mật độ cành để thu được hom ở mức độ hợp lý, để lấy chất lượng hom tốt. Lượng hom thu được tính theo tuổi chè như sau:

    Chè 4-8 tuổi: 150-200 hom/cây, tương đương 2-3 triệu hom/ha.

    Chè trên 8 tuổi: 200-300 hom/cây, tương đương 3-4 triệu hom/ha. 

    Thường xuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh vì nếu để sâu bệnh phát sinh mới phun thì ảnh hưởng ngay đến chất lượng hom giống. Sâu phát sinh trong thời gian này thường là 4 đối tượng chính: rầy xanh, nhện đỏ, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ; ngoài ra có thể có sâu cuốn lá. Bệnh thường là bệnh thối búp và bệnh chấm nâu. Phòng trừ sâu bệnh theo quy trình và lịch phòng chống sâu bệnh.

    Trước khi cắt cành để lấy hom giâm 10-15 ngày cần tiến hành bấm ngọn cành để cho những đoạn hom phần ngọn cứng cáp và kích thích mầm nách hoạt động.

2.2. Kỹ thuật vườn ươm và chăm sóc cây con.

    Chăm sóc vườn ươm là khâu kỹ thuật rất quan trọng. Mặc dù cây mẹ để giống cho ra các hom tốt nhưng kỹ thuật chăm sóc vườn ươm không tốt sẽ cho kết quả không theo mong muốn, tỷ lệ cây sống thấp, thậm chí bị chết hoàn toàn nếu như người làm vườn không nắm được kỹ thuật vườn ươm. Điều này thường xảy ra đối với những cơ sở mới sử dụng kỹ thuật giâm cành nhưng không có chuyên gia chỉ dẫn. Cần phải nắm vững yêu cầu của cành giâm trong từng giai đoạn trong suốt quá trình cắm hom đến khi hình thành cây chè con đủ tiêu chuẩn đem trồng.

    Hai yếu tố đặc biệt chú ý là: Chế độ ẩm và chế độ ánh sáng. Điều chỉnh độ ẩm đất theo từng giai đoạn, còn ánh sáng theo thời gian yêu cầu theo mức độ tăng dần. Nếu đất vườn ươm quá ẩm hom chè giâm sẽ bị rụng lá mặc dù mầm chè vẫn còn tươi nhưng không thể phát triển dẫn đến cành giâm bị chết. Qúa ẩm còn dẫn đến vết cắt của hom chè dưới đất chỉ hình thành mô sẹo phình to kéo dài, đường kính phình to có thể tới 1,5cm mà không ra rễ hoặc chỉ có 1-2 rễ ngắn không đáp ứng được yêu cầu sinh trưởng của cây. Nếu đất quá khô, cành giâm bị mất nước và khô chết, hoặc chỉ ra được ít rễ, mầm chè khó phát triển. ánh sáng rất cần thiết cho quá trình quang hợp của cây chè đảm bảo cho cành chè giâm tích luỹ chất hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng  của cây chè con. Tuy nhiên giai đoạn này cành giâm cần ánh sáng yếu, chủ yếu là ánh sáng tán xạ, nên giai đoạn này phải che toàn bộ vườn, sau đó sẽ điều chỉnh ánh sáng tăng dần theo tình hình thời tiết, ngày giâm mát nên tăng cường ánh sáng và ngày nắng nóng thì ngược lại phải hạn chế bớt ánh sáng.

    Sau hai yếu tố độ ẩm và ánh sáng thì chế độ phân bón đóng vai trò quan trọng cho quá trình lớn lên của cây chè. Một hom chè nhỏ bé vừa tách rời khỏi bộ phận của cơ thể mẹ lúc đầu chỉ được cắm trong 1 bầu đất với thể tích nhỏ và nghèo dinh dưỡng cho nên quá trình lớn lên của cây chè cần cung cấp lượng phân bón vào bầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, thời kỳ và liều lượng bón phân cho vườn ươm đòi hỏi phải nắm được yêu cầu kỹ thuật của cành giâm theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu chưa hình thành mô sẹo nếu đất có nồng độ NPK cao hom chè sẽ bị chết. Về nguyên tắc khi hom chè có rễ thì mới có thể bón phân.

* Kỹ thuật làm vườn ươm:

+ Chọn địa điểm làm vườn ươm:

    Chọn nơi đất bằng hoặc hơi thoải, thoáng, gần nguồn nước tưới, mực nước ngầm nhỏ hơn 1 m, tiện lợi giao thông đi lại và gần khu vực trồng chè.

+ Thời vụ giâm cành: ở nước ta, phía bắc có 2 thời vụ giâm cành tốt nhất là vụ đông xuân và vụ hè thu. Vụ đông xuân có thể giâm cành từ 15 tháng 11 đến trung tuần tháng 2. Vụ hè thu có thể giâm cành từ giữa tháng 6 đến trung tuần tháng 8. Vụ hè thu tỷ lệ sống thấp hơn vụ đông xuân do nhiệt độ không khí cao, mưa nhiều, lượng đường tan trong hom thấp, do đó giâm cành khó ra rễ hơn vụ đông xuân, nếu không thiếu giống nghiêm trọng thì miền Bắc chỉ nên giâm cành vào vụ đông xuân để vừa có hiệu quả trong sản xuất cây giống vừa để vườn giống gốc có thời gian phục hồi sức sống do chỉ lấy một vụ hom. Ở miền Nam (vùng Tây Nguyên và Bảo Lộc) thời vụ giâm cành có thể từ tháng 4 đến tháng 8.

+ Thiết kế luống, chọn đất và túi bầu

    Sau khi chọn xong địa điểm tiến hành san bằng, đóng cọc căng dây phân luống. Những nơi sản xuất nhiều cần phân nhỏ thành từng vườn, mỗi vườn khoảng 500m2, vườn nọ cách vườn kia 2m để cho thông thoáng, trong vườn cần xác định vị trí để đào giếng lấy nước tưới. Luống chè là nơi đặt các bầu chè giâm.

    Luống có chiều dài 15-20 m, chiều rộng 1,0 - 1,2m, giữa 2 luống chừa lại một rãnh rộng 40cm để đi lại chăm sóc , đào rãnh tiêu nước cho vườn ươm. 

    Đất đóng bầu cần tơi xốp, có thành phần  cơ giới trung bình, ở miền Bắc đất thường có màu đỏ nâu, còn ở miền Nam (Bảo Lộc) đất có màu xám, trước khi lấy đất cần gạt tầng đất mặt từ 10 -20 cm. Đất được đập nhỏ qua sàng (đường kính viên đất nên nhỏ hơn 0,5cm) có điều kiện phơi khô nỏ càng tốt.

    Túi bầu là túi PE có kích thước 10x18 cm đục 6-8 lỗ và hàn đáy, trong 1 m2 luống chè có thể xếp được 150 bầu. khi đưa đất vào túi bầu phải nhồi chặt, xếp bầu vào luống thật đứng và sít vào nhau, dùng tre nứa nẹp xung quanh luống, giữ bầu đứng không nghiêng, không đổ.

+ Làm giàn che:

    Giàn che có tác dụng che nắng che mưa, giữ độ ẩm không khí và nhiệt độ thích hợp cho vườn ươm. Khung giàn thường làm bằng tre (những nơi có kế hoạch sản xuất bầu chè lâu dài, cột giàn có thể đổ bằng bê tông) che mái và che xung quanh bằng phên nứa, cỏ tế, lá mía hoặc lưới che nhưng tốt nhất là phên nứa, vì thuận lợi điều chỉnh ánh sáng và ẩm độ, nhiệt độ tốt hơn cho cây. Độ cao che giàn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng để đảm bảo cho đi lại chăm sóc tiện lợi dễ dàng ở Việt Nam nên làm cao từ 1,7m - 1,9m. Chân cột không đưa vào giữa rãnh sẽ rất khó khăn khi đi lại chăm sóc. Kiểu giàn che hiện nay rất phong phú tuỳ theo từng nơi. ở Gruzia làm giàn vòm phủ kín bằng vải trắng để có ánh sáng yếu nhưng giữ ẩm tốt, bên trong có vòi tưới phun tự động. Srila ka làm giàn thấp sát đất đỡ tốn vật liệu nhưng đi lại chăm sóc khó khăn. Trước đây Việt nam làm nhiều kiểu giàn khác nhau, ở Bầu Cạn, Tây Nguyên có kiểu bể giâm cành, xây bằng gạch nửa chìm trên đậy nylon để giữ ẩm, loại giàn này thích hợp với vùng khô Tây Nguyên.ở Bảo Lộc làm giàn che cao từ 1.8 - 1.9m trên che bằng lưới thưa màu đen.

+ Chọn cành cắm hom

    Chọn cành khoẻ không sâu bệnh, độ dài và đường kính hom tuỳ theo giống, đường kính hom từ 4-6mm, đoạn cành dài từ 4-6 cm (giống PH1), đường kính hom từ 2,0 đến 3,5mm, đoạn cành dài  3-5cm (các giống chè LDP1, LDP2). Yêu cầu màu sắc của hom khi cắm tuỳ thuộc vào giống, giống PH1 yêu cầu màu xanh, nhưng TRI 777 và các giống chè  LDP1, LDP2 lại có lá màu nâu sáng. Cành chè khi cắt cần nguyên vẹn, tránh giập lá, gãy cành. dùng kéo sắc cắt hom (cành đưa về cắt và cắm ngay là tốt nhất), mỗi hom có một phần mầm nách còn nguyên vẹn không dài quá 0,5cm. Trường hợp cần vận chuyển hom đi xa thì nhất thiết phải bảo quản trong túi PE dày 0,5 mm, kích thước túi 100x80cm, đựng 3000-4000 hom/túi buộc kín phun ẩm bảo quản được 5 - 10 ngày. Khi vận chuyển hom bằng ô tô cần phải làm giá đỡ nhiều bậc, để mỗi bậc chỉ xếp một lượt túi tránh chồng lên nhau làm cho hom giập nát.

    Trong khi cắt hom thường phân thành loại 1, loại 2 (có thể là A,B) để thuận tiện cho quá trình chăm sóc sau này.

    Với giống PH1: Loại A hom bánh tẻ có một lá mầm và một mầm nách dài 1-5cm, đường kính hom trên 4mm. Loại B hom bánh tẻ có một lá và một mầm nách dài 5 cm ngắt ngọn, đường kính hom trên 4mm.

    Trước khi cắm hom chè có thể xử lý bằng sunfat đồng (CuSO4) 0,1% để trừ nấm bệnh.

    Cắm hom: trước khi cắm hom, bầu đất cần được tưới ẩm 80-85%, hom chè được cắm thẳng đứng, lá xuôi theo chiều gió, cuống lá gần sát đất. Không cắm sâu quá mầm dễ bị thối, sau khi cắm xong phải tưới ẩm ngay, tốt nhất là tưới dưới dạng sương mù.

+ Quản lý chăm sóc vườn ươm:

    10-15 ngày sau khi cắm hom thì hom chè liền vết cắt, sau 15-30 ngày hom hình thành mô sẹo, sau 30-60 ngày hom chè ra rễ, thời kỳ này cần được chăm sóc chu đáo. Đó là yếu tố quyết định tỷ lệ sống cao.

    Chăm sóc vườn ươm là công việc thường xuyên liên tục bao gồm các công việc : tưới ẩm, điều chỉnh ánh sáng, bón phân, phá váng, giặm hom, vê bỏ nụ chè, phòng trừ sâu bệnh, phân loại cây con...

- Tưới giữ ẩm: 

    Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của hom chè mà nước tưới khác nhau.

Giai đoạn 1:

    Từ khi cắm hom đến 15-20 ngày đầu, hom chè vừa tách khỏi cây mẹ sống tự lập, chưa ổn định, lá từ trạng thái tươi đến rủ lá, giai đoạn này tế bào bắt đầu phân chia mạnh mẽ, vết thương bị cắt đang liền, sức hút nước chưa mạnh, mặt lá bốc hơi nước nhiều do đó dễ bị héo. Giai đoạn này cần được tưới ẩm đầy đủ, yêu cầu độ ẩm không khí cao, giảm bớt sự thoát nước qua mặt lá, vườn ươm cần che đậy cẩn thận cả trên mái và xung quanh, để giữ ẩm cần phun mù trên mặt lá vào khoảng không trong vườn ươm. Độ ẩm không khí yêu cầu 80-90%, độ ẩm đất yêu cầu 80%, giai đoạn này nếu trời không mưa mỗi ngày tưới 1-2 lần, lượng tưới 1 lít nước cho 1m2 bầu (dùng bơm con gà để tưới). Cuối giai đoạn 1 lá trở lại xanh tươi, vết thương cắt liền trở lại.

    Giai đoạn 2:

    Khoảng 15-30 ngày sau, vết cắt hom được phục hồi, hom chè hút nước mạnh, mặt lá có sức căng lớn, xanh bóng, bắt đầu hình thành mô sẹo, các tế bào nơi vết cắt dưới hom phình to thành 1 vòng (mô sẹo), lượng nước tưới lúc này vừa phải, 2 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới 1,5 lít nước cho 1 m2 bầu, độ ẩm đất yêu cầu 70-80% (dùng loại bơm con gà hoặc ô doa tưới nước).

    Giai đoạn 3:

    Từ ngày 30 đến ngày thứ 60, rễ bắt đầu hình thành và phát triển, lượng nước phải được bảo đảm thường xuyên đầy đủ, nếu không rễ non mới ra dễ bị khô hoặc phát triển chậm 

Hai hoặc ba ngày tưới một lần, mỗi lần tưới 1,5 lít nước cho 1 m2 bầu, độ ẩm đất yêu cầu 75-80% (dùng ô doa tưới).

    Giai đoạn 4: 

    Từ 60-90 ngày sau khi cắm hom, hệ rễ phát triển mạnh, đặc biệt là rễ hút, cây bắt đầu sử dụng dinh dưỡng trực tiếp từ bầu đất, giai đoạn này kết hợp với việc bón phân cần duy trì lượng nước thường xuyên đầy đủ để phát triển tốt. Ba ngày tưới từ 1 lần, mỗi lần tưới từ 1,5 đến 2,0 lít cho 1 m2 bầu, độ ẩm đất yêu cầu 75-80% (dùng ô doa tưới).

    Giai đoạn 5:

    Từ 90-120 ngày là giai đoạn  sinh trưởng của mầm chè, mầm phát triển mạnh, khi nhiệt độ cao, lúc này nếu trời nắng khô 6 ngày tưới 1 lần với 2 lít nước/m2 bầu, nếu quá khô phải tăng số lần tưới lên 2-3 ngày tưới 1 lần đảm bảo độ ẩm đất 70-80%.

    Giai đoạn 6:

    Từ 120-180 ngày, giai đoạn này cây đã có chiều cao 15-30cm, rễ dài 10-20cm, cây con đã hoàn chỉnh, nhiều cây đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn cứ 10-15 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới với lượng  3 lít nước/m2 bầu, vì để luyện cho cây khỏe nên chỉ giữ ẩm đất khoảng 70-75% (tưới bằng ô doa).

- Điều chỉnh ánh sáng:

    Điều chỉnh ánh sáng có sự khác nhau giữa vụ đông xuân và vụ hè thu.

    Vụ đông xuân:

    Trong thời gian 60 ngày đầu chỉ cho ánh sáng trực xạ chiếu vào ít (15%) vì thế phải che kín cả trên mái và xung quanh, chỉ mở xung quanh khi trời râm mát. Từ 60-90 ngày sau cắm hom mở xung quanh cho ánh sáng tỏa vào. Từ 90-120 ngày mở giàn che trên mái 30% để có ánh sáng làm tăng quang hợp của cây chè con, Từ 150-180 ngày tách 50% giàn che, tăng cường ánh sáng nhiều hơn. Sau 180 ngày mở toàn bộ giàn che và xung quanh để cây thích ứng với điều kiện ánh sáng tự nhiên.

    Vụ hè thu: 

    Trong phạm vi 1-30 ngày đầu che xung quanh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ 30-60 ngày tiếp theo che xung quanh từ 10 giờ đến 3 giờ chiều, từ 120-150 ngày mở 50% mài giàn che, sau 150 ngày mở hẳn giàn che.

    Chú ý: cả vụ xuân và vụ hè thu cần phải có sự kiểm tra, giám sát điều chỉnh ánh sáng hàng ngày, nếu trời mưa, mù, ánh sáng thiếu có thể mở thật rộng giàn che ở các giai đoạn (trời mưa to), còn nếu trời nắng to, nhiệt độ cao thì cần phải che toàn bộ giàn và xung quanh.

- Bón phân:

    Cây chè từ nhỏ đến lớn cần được bón phân với lượng tương ứng của các giai đoạn. Tổng số phân NPK/m2 bầu là 140g gồm đạm sunfat 60g (nếu là đạm Urê thì chỉ tính bằng 1/2 lượng đạm sun phát). Supe lân 30g, Kali sun phat 50g, trong thời gian từ lúc cắm hom khoảng 2 tháng đầu không được bón bất kỳ loại phân gì, lượng bón tăng dần theo tháng tuổi, lượng bón cho các giai đoạn vườn ươm được quy định như sau:

Lượng bón phân cho vườn ươm (g/m2)

Thời gian cắm hom Đạm Sun phát Supe lân Kali Sunphat hoặc Kali chlorua
Sau 2 tháng 9 4 10
Sau 4 tháng 13 6 10
Sau 6 tháng 17 8 11
Sau 8 tháng 21 12 19

    Cách bón: Hoàn tan NPK trong ô doa tưới rải đều trên mặt luống (nồng độ 1%) sau đó tưới rửa lại bằng nước lã. Khi mầm chè mọc cao, có 2-3 lá có thể phun urê 2%, 1 lít dung dịch phun cho 5 m2 bầu kết hợp với phun thuốc trừ sâu, phun vào thời gian giữa 2 lần bón phân.

    Kết quả nghiên cứu mới đây của viện nghiên cứu Chè cho thấy có thể tăng lượng phân bón lên 1,5 lần nhưng phải tăng số lần tưới dung dịch NPK lên 6-8 lần trong thời gian từ sau cắm 2 tháng đến 8 tháng tuổi (tổng số 6 tháng) sẽ làm tăng chiều cao cây, tăng tỷ lệ cây xuất vườn.

- Phòng trừ sâu bệnh cỏ dại:

    Trong vườn ươm thường xuất hiện những loại sâu phổ biến là: rầy xanh, cánh tơ, nhện đỏ, bọ xít muỗi nên cần phải thường xuyên kiểm tra để phun phòng trừ các loại thuốc như Trebon, Padan...Ngoài sâu hại cần chú ý đến bệnh thối búp làm phần ngọn non bị thối, bệnh này lây lan nhanh nhưng dễ phòng trừ bằng thuốc Booc đô (hỗn hợp đồng với vôi và nước tỷ lệ 1:1:100) phun một lít dung dịch cho 1 m2 bầu hoặc dùng thuốc Benlát 0,1%. Vườn ươm thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, nhặt hom chết, que, cọc, lá rụng, cắt vết bệnh (trên lá). Thường xuyên nhổ cỏ dại bằng tay ở xung quanh vườn và trong túi bầu không để tranh chấp dinh dưỡng cây chè.

- Giặm hom, phá váng, vê nụ và bấm ngọn.

    Hom chết hay bị bệnh thì nhổ lên, giặm lại hom mới, ngắt hết nụ và hoa trên hom chè, 10-15 ngày trước khi đem bầu đi trồng tiến hành bấm ngọn cây chỉ giữ lại ở mức cao 15-25cm.

- Luyện cây, phân loại:

    Thực tế sản xuất cho thấy giống cây trồng trong vườn được tôi luyện tốt sẽ làm tăng tỷ lệ sống đáng kể khi trồng mới. Vì thế trong các khâu quản lý, chăm sóc vườn ươm không thể coi nhẹ khâu này. Luyện cho cây cứng cáp, khỏe mạnh để có thể chịu đựng được khi cây chè thay đổi môi trường sống từ điều kiện vườn ươm được chăm sóc chu đáo đến nương chè trồng mới thích ứng với môi trường khí hậu thời tiết tự nhiên. Luyện cây là một biện pháp tổng hợp bao gồm các yếu tố chủ yếu: điều chỉnh ánh sáng, ẩm độ đất cho thích nghi dần, điều chỉnh phân bón (gồm cân đối các yếu tố NPK và thời gian bón phân), nhấc đầu cắt đứt rễ bám ở phần dưới đất, luyện cây yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm ngặt các bước sau:

Bước 1: Điều chỉnh ánh sáng: khi cây đã đủ chiều cao cần đưa ra khỏi vườn ươm (không cần che bóng) thời gian không che hoàn toàn cần từ 1-2 tháng.

Bước 2. Điều chỉnh độ ẩm: giai đoạn trước khi đem bầu đi trồng 1-2 tháng không nên tưới quá ẩm mà chỉ tưới độ ẩm đất 70%.

Bước 3. Phân bón: 2 tháng trước khi xuất bầu trồng tuyệt đối không được bón, hoặc phun bất cứ loại phân bón nào.

Bước 4. Cây cần được nhấc ra khỏi vị trí để cắt đứt rễ ăn ra khỏi bầu và bám sâu vào đất trước 1-2 tháng xuất bầu đi trồng,

    Kết hợp với nhấc bầu ra khỏi vị trí với phân loại bầu. Khi vườn ươm đã có 60% số cây cao trên 20cm thì phân loại, những cây cao đưa ra khỏi vườn ươm để kết hợp luyện cây. Những cây thấp giữ lại vườn ươm tiếp tục chăm sóc chu đáo để cây mau lớn và có đủ tiêu chuẩn xuất vườn trồng đúng thời vụ. Thời gian cây chè sống trong vườn ươm 8-12 tháng, nhưng nói chung thời gian sống trong vườn ươm dài, cây sẽ khỏe và khi trồng ra nương sẽ có tỷ lệ sống cao.

    Thực hiện quy trình kỹ thuật vườn ươm tốt, tỷ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn có thể đạt 75-80% (tùy theo giống).

+ Tiêu chuẩn bầu xuất vườn và thời gian chuyển bầu:

    Cây quá non khi trồng dễ bị chết, còn cây quá già thì bộ rễ thường đâm sâu xuống đất khi nhấc lên dễ bị chột. Cây con khi đem trồng yêu cầu có chiều cao trên 20cm, có trên 6 lá, đường kính sát gốc từ 3-5mm (tùy giống), các giống khác nhau thì sự hóa nâu khác nhau, song yêu cầu thân cần hóa nâu 50%, vỏ ngọn xanh thẫm, không có nụ, ngọn non đã được bấm trước khi trồng 10-15 ngày, bầu đất còn nguyên vẹn. Khi vận chuyển bầu có thể bằng xe thô sơ (khoảng cách gần), xe ôtô (nếu ở xa) nhưng cần đặc biệt lưu ý khi xếp bầu không được xếp quá nhiều lớp, khi xếp không được làm vỡ bầu, rơi đất hoặc làm dập nát thân cây.

cuctrongtrot
In trang Quay lại Lên trên

  
TIN NÓNG
   
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.879.007 - Fax: (84.064) 3.799.484
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu