Thảo thuận hợp tác quản lý nước vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) giữa 2 tỉnh được ký kết từ giữa năm 2013, với sự hỗ trợ của Tổ chức GIZ/ICMP (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức/Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển).
Các đại biểu tham gia hội thảo
|
Theo đó, có 5 nội dung được 2 bên thống nhất hợp tác thực hiện, gồm: Những vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn, cấp nước sản xuất nông nghiệp và trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương.
Từ thỏa thuận hợp tác, 2 bên cũng đã thống nhất các hoạt động triển khai cụ thể như: cập nhật, bổ sung, thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, công trình quản lý nước; xây dựng mô hình thủy văn – thủy lực phục vụ quản lý nước vùng TGLX; xây dựng quy trình vận hành hệ thống kiểm soát lũ vùng TGLX, kiểm soát mặn ven biển Tây; giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước…
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, tài nguyên nước, gồm cả nước ngọt, mặn và lợ, được xác định là vấn đề cốt lõi trong phát triển kinh tế ở ĐBSCL nói chung và và TGLX nói riêng. Vì vậy, rất cần có sự hợp tác, chia sẻ nguồn tài nguyên quý giá này, sao cho việc sử dụng phải hiệu quả, bền vững.
“Xu hướng hiện nay là tìm giải pháp thích ứng, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Nên tiếp cận theo vùng nhưng phải có sự điều phối thống nhất để tạo sự iên kết vùng, theo nguyên tắc “không hối tiếc”, tức là cái gì chắc chắn, có tính khả thi cao thì ưu tiên làm trước, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển tổng thể ĐBSCL”, ThS Thiện đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi, khẳng định thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh mang lại liệu hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế khá tốt. Thời gian tới, 2 bên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thỏa thuận, dù còn sự tài trợ của GIZ/ICMP nữa hay không. TGLX có tổng diện tích 498.141 ha, trong đó An Giang có 245.084 ha, Kiên Giang 237.879 ha, phần còn lại thuộc TP Cần Thơ. Vùng này trũng thấp nhưng bằng phẳng, thuận lợi trồng lúa, thủy sản nước ngọt và nuôi tôm nước lợ.