Theo VTV, sáng 6/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành hàng trái cây đã và đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất và sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn có một số vấn đề cần được đặt ra đối với ngành trái cây, nhất là việc phần lớn trái cây xuất khẩu vẫn còn ở dạng quả tươi.
Nếu như năm 2012 xuất khẩu trái cây chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, đến hết tháng 11/2017, kim ngạch xuất khẩu ngành này đã đạt hơn 3,1 tỷ USD. Năm 2017 có nhiều điều kiện bất lợi nhưng ngành trái cây vẫn tăng trưởng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện trái cây Việt Nam đang có mặt tại 86 thị trường thế giới, thậm chí xuất khẩu sang cả Thái Lan, nơi được xem là cường quốc trái cây. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, dưa hấu, nhãn, vải. Người trồng cây ăn quả có thu nhập ổn định và cao hơn khoảng 4 lần so với trồng lúa.
Ngành trái cây Việt có tốc độ bứt phá ngoạn mục và bền vững. Ảnh minh họa
Cuối tháng 12/2017, tại tỉnh Tiền Giang sẽ có lô hàng vú sữa đầu tiên được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, sắp tới có thể sẽ là xoài và một số loại quả khác. Điều này cho thấy, trái cây Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới đón nhận và vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển nếu khắc phục được những tồn tại hiện nay (vùng canh tác còn nhỏ lẻ, thiếu các vùng chuyên canh tập trung cho xuất khẩu, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế…).
Theo báo Người lao động, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ - tăng trưởng của công ty thời gian qua rất ấn tượng. Bảy tháng đầu năm, công ty xuất khẩu trái cây sang Mỹ đạt 8 triệu USD, bằng cả năm 2016. Nhằm mở rộng vùng nguyên liệu để xuất khẩu, vừa qua, ông Tùng đã tham gia xúc tiến thương mại tại 2 tỉnh Hưng Yên và Sơn La, nơi có những giống nhãn ngon nổi tiếng. Kết quả, nhãn sông Mã (Sơn La) - loại quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt dịu - đã được công ty thu mua để chào lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ. "Tôi rất kỳ vọng vào chuyến hàng này vì nhãn có chất lượng rất tốt, nếu khách hàng hài lòng có thể tiến tới xây dựng thương hiệu nhãn Việt Nam tại Mỹ. Đây là đặc sản mùa vụ, mỗi năm chỉ có khoảng 45 ngày, trồng trên vùng đồi núi. Trước giờ, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn sang Mỹ nhiều nhưng là giống ido, tương tự như các nước, không có sự khác biệt như nhãn sông Mã. Để xuất khẩu nhãn sang Mỹ, bắt buộc phải chiếu xạ tại một nhà máy ở TP HCM khiến doanh nghiệp (DN) phải tốn nhiều chi phí vận chuyển từ vùng nguyên liệu Tây Bắc nhưng nhờ chất lượng tốt hơn, có thể bán được giá cao tại Mỹ nên có thể bù được chi phí" - ông Tùng phân tích.
Ông Huỳnh Lê Quang Nhật - đại diện Công ty TNHH Agricare Việt Nam, chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Úc - thừa nhận DN của ông và nhiều đơn vị khác đã sẵn sàng xuất khẩu thanh long, chỉ còn chờ ngày "mở cửa" chính thức. Công ty đang xuất khẩu xoài tươi sang Úc rất thuận lợi bằng cả đường hàng không và đường biển. Hàng thu mua để đi Úc có giá cao hơn thị trường từ 10%-25% do người tiêu dùng nước này thích hàng có cảm quan đẹp, không tì vết.
Ông Chu Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (đơn vị phụ trách mở cửa thị trường khó tính), nhận định tiềm năng xuất khẩu trái cây còn rất lớn, khả năng vượt xa 3 tỉ USD/năm vào những năm sau khi Việt Nam chính thức mở cửa thêm nhiều thị trường mới. Những mặt hàng tiềm năng như thanh long đi Úc (DN đã có đơn hàng), xoài đi Mỹ… Do đó, cần tập trung đầu tư vào những loại quả đã mở cửa thành công để giữ và phát triển thị trường để bảo đảm khả năng cung ứng về số lượng, chất lượng, độ đồng đều. Về giống, muốn xuất khẩu tốt phải có những loại giống cho ra quả dễ bảo quản, có khả năng đi xa và công tác bảo quản sau thu hoạch. Nên nhớ, xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường khó tính không phải là xuất thô mà là hàng giá trị gia tăng.
Bởi vì để xuất khẩu được, Việt Nam phải vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe, phải ứng dụng công nghệ cao để xử lý dịch hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Là mặt hàng khó làm nhưng nếu làm được thì giá trị rất lớn. Chẳng hạn tại Nhật Bản, một quả thanh long 300 g có giá khoảng 3 USD, xoài xanh bán ở Úc giá quy đổi khoảng 200.000 đồng/kg.