Vài năm trở lại đây, giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức cao (180.000-200.000 đồng/kg) làm nhiều nông dân chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sản lượng ngày càng tăng, diện tích trồng vượt xa quy hoạch của ngành nông nghiệp.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 4 tháng đầu năm 2015, các DN xuất khẩu 57.000 tấn hạt tiêu, thấp hơn 23% so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng 21%, kim ngạch đạt 521 triệu USD. Giá hồ tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt hơn 8.700USD/tấn, tăng hơn 2.200USD/tấn (34,7%), tiêu trắng 12.500USD/tấn, tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức giá kỷ lục từ trước đến nay với hồ tiêu Việt Nam. VPA nhận định, nếu duy trì mức giá 180.000-200.000 đồng/kg bán tại vườn, người trồng tiêu đang lãi lớn. Theo Sở NN-PTNT, giá bán hạt hồ tiêu những năm gần đây tăng cao và tương đối ổn định nên việc người dân phát triển trồng tiêu một cách ồ ạt đã phá vỡ quy hoạch của các địa phương và hiện nay chưa có chế tài để hạn chế phát triển trồng tiêu. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng trồng hồ tiêu xen trong vườn cà phê, điều hay dùng cây cao su làm trụ sống cho hồ tiêu.
Không chỉ làm gia tăng diện tích vượt quá quy hoạch, giá tiêu đứng ở mức cao đã xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên (đất, nước…) quá đà, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt. Theo điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium. Bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) cho biết, từ đầu năm đến nay có gần 50ha tiêu trên địa bàn tỉnh nhiễm bệnh. Cụ thể, bệnh chết chậm xảy ra trên khoảng 30ha, bệnh chết nhanh khoảng 18ha, chủ yếu tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Tình trạng tiêu chết vì bệnh này xảy ra từ khoảng 4 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do nhiều nông dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững, còn lạm dụng, trông chờ vào thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Bên cạnh đó, những vườn tạp, trồng tiêu xen cây trồng khác không đúng quy trình xen canh dẫn đến khó phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới cũng ảnh hưởng đến các loại cây trồng, trong đó có cây hồ tiêu.
Theo ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích cây hồ tiêu ở BR-VT hiện nay 9.047ha, năng suất đạt gần 2 tấn/ha. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2020 là 8.300ha, với năng suất 2,3 tấn/ha. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng tiêu ngoài vùng quy hoạch. Mặt khác, VPA nhận định, trong quý II-2015 lợi thế xuất khẩu hồ tiêu sẽ gặp khó bởi xuất thô sẽ vướng quy định khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU. Thay vì điều tiết, hiện xuất hiện tình trạng “găm hàng” hồ tiêu trong dân và đại lý. Giá hồ tiêu nội địa cao gây khó và chưa hấp dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, chênh lệch tỷ giá hối đoái đồng USD và EUR trên thị trường so với đồng Việt Nam khiến các nhà nhập khẩu cân nhắc hơn bởi rủi ro thua lỗ. Điều đó sẽ tác động đến giá hồ tiêu trong nước. Vì vậy, VPA đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có chỉ đạo các địa phương quyết liệt hơn trong việc hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo quy hoạch. Đồng thời cơ quan chức năng các địa phương cần tập huấn, tuyên truyền người trồng tiêu không nên lạm dụng phân bón hóa học mà nên chuyển sang chăm sóc cây tiêu theo hướng an toàn sinh học, gia tăng giá trị cũng như thương hiệu của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
|