Trong những năm gần đây, nông dân trong huyện rất chú ý đến nghề nuôi lươn. Tuy nhiên, do con giống để nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, nên thời gian qua, người nuôi đã gặp trở ngại khi muốn mở rộng qui mô sản xuất, bởi con giống tự nhiên ngày càng hiếm; một số hộ muốn nuôi phải mua lươn giống tận các tỉnh miền tây, do thu gom không đảm bảo số lượng, chất lượng và đồng cỡ, quá trình vận chuyển xa, nên tỉ lệ sống rất thấp, dẫn đến hiệu quả nuôi thương phẩm không cao.
Để đáp ứng nhu cầu con giống ngày càng cao, phục vụ cho nghề nuôi đã có một số nghiên cứu sử dụng kích dục tố kích thích sinh sản nhân tạo lươn đồng, nhưng hiệu quả chưa cao nên khả năng ứng dụng trong thực tiễn sản xuất thấp.
Nhận thấy những bất lợi trên, một số hộ nuôi tiến hành nghiên cứu và ứng dụng sản xuất giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo; đồng thời phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm bằng nguồn giống có sẵn trong tự nhiên và đã thành công.
Tại xã Phước Hội, kỹ thuật ép lươn tự nhiên sinh sản trong môi trường nhân tạo được thực hiện thành công, đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân. Người đầu tiên xây dựng thành công kỹ thuật này là anh Nguyễn Thanh Phương, một nông dân ở xã. Mặc dù thất bại cũng nhiều, nhưng sự thành công từ kỹ thuật này sẽ là tiền đề, giúp cho người nuôi lươn có được nguồn giống chất lượng ngay tại địa phương.
Lần nuôi lươn đầu tiên thất bại, nhưng anh Nguyễn Thanh Phương, không bỏ cuộc, mà rút kinh nghiệm và quyết tâm gầy dựng lại. Qua tìm hiểu sách báo, tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi về mô hình nuôi lươn sinh sản nhân tạo để áp dụng cho mô hình của mình từ hai năm nay. Bằng những kinh nghiệm có được từ đợt nuôi đầu tiên, đồng thời qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi chu kỳ sinh sản của lươn tự nhiên, anh Phương tiến hành thiết kế hồ nuôi bằng bạt có kích thước từ 20-25m2, sử dụng đất sét để làm tổ đẻ cho lươn bố mẹ. Khi lươn đẻ trứng xong, để trứng nở tự nhiên tại tổ, sau đó mới thu lươn con, đem vào hồ nuôi thương phẩm.
Anh Phương cho biết: từ nguồn thu gom lươn tự nhiên tại địa phương, đem về nuôi khoảng một năm hoặc khi lươn đạt trọng lượng từ 200 gram trở lên có thể cho sinh sản. Lươn giống tốt có thể sinh sản cả năm. Đặc điểm của lươn mẹ, khi mang trứng sẽ ăn rất ít hoặc không ăn, nên khi sinh xong cần giữ lại, cho ăn đầy đủ để 3 tháng sau lươn có thể sinh sản tiếp. Khó nhất là giai đoạn ấp trứng, vì đòi hỏi kỹ thuật và phải theo dõi sát để tránh hao hụt. Đối với lươn con, thời gian đầu cho ăn trùn chỉ là tốt nhất vì cung cấp đủ đạm, chất dinh dưỡng cho lươn phát triển. Khi lươn đạt đến khoảng 1.000 con/kg thì có thể cho lươn dặm thêm cám viên thực phẩm. Khi lươn con đạt kích cỡ 500 con/kg là xuất bán. Bằng phương pháp này, mỗi tháng anh Phương cung cấp cho thị trường từ 25.000 con đến 30.000 con giống, với giá bán 5.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí cho thu lời khoảng 100 triệu đồng/lứa.
Từ sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thực tế, đến nay cơ sở nuôi lươn của anh Nguyễn Thanh Phương có trên 5.000 lươn sinh sản, cung cấp hơn 100 ngàn con lươn giống cho thị trường. Ngoài việc cung cấp lươn giống cho các hộ trên địa bàn huyện nuôi lươn thương phẩm, cơ sở của anh Phương thường xuyên có đơn đặt hàng cho các đầu mối cung cấp giống ở các tỉnh bạn. Mỗi lần xuất bán, anh Phương đều hướng dẫn kỹ thuật chu đáo để người nuôi tránh hao hụt và đạt tỷ lệ thành công cao.
Còn đối với anh Huỳnh Thanh Viễn, ở xã Long Mỹ, từ nuôi heo thịt không thành công, giá cả bấp bênh, anh đã cải tạo lại chuồng heo chuyển sang nuôi lươn giữa năm 2018. Qua sự giới thiệu của hội nông dân, anh Viễn liên hệ với anh Phương để được cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn.
Anh Viễn nuôi 3.000 lươn con trong 2 hồ nuôi. Với kỹ thuật nuôi được anh Phương hướng dẫn, để lươn nuôi đạt tỷ lệ sống cao, ít hao hụt, anh Viễn cho lươn ăn chủ yếu là cám thực phẩm viên, trộn với trùng quế, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học, nhằm giúp lươn tiêu hóa tốt thức ăn, tăng sức đề kháng và giảm bệnh. Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Để quản lý tốt chất lượng nước trong hồ nuôi, phòng tránh lươn nhiễm bệnh, anh Viễn thường xuyên thay nước đã qua xử lý, lắng lọc, diệt khuẩn, 2 - 3 ngày tiến hành một lần, mỗi lần thay từ 70 - 100% lượng nước trong hồ nuôi. Đến nay, đàn lươn phát triển rất tốt. Nếu thuận lợi, dịp tết này, anh Viễn sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 600 kg lươn thương phẩm, với mức giá từ 150 ngàn kg, anh viễn sẽ thu lời hơn 50 triệu đồng.
Qua mô hình nuôi lươn của anh Phương và anh Viễn, có thể thấy việc nuôi lươn không cần phải có diện tích lớn, chỉ với một diện tích nhỏ hẹp thì các hộ gia đình nhỏ lẽ cũng có thể xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm. Việc có được nguồn giống lươn tốt cung cấp cho các hộ nhỏ lẽ ngay tại địa phương sẽ giúp cho người dân có thêm thu nhập, ổn định kinh tế hộ.
Trong thời gian tới, song song với việc giúp nông dân phát triển chăn nuôi, mở rộng mô hình sản xuất, địa phương sẽ phối hợp với một số đơn vị thu mua để giúp người nông dân giải quyết vấn đề đầu ra, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân./.