Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, giai đoạn từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh dự kiến trồng 3.390ha rừng và 131.000 cây phân tán, với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng.
Trong đó có trên 63 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, số còn lại từ nguồn xã hội hóa.
Hiện tỉnh BR-VT có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 33.632ha, trong đó rừng đặc dụng trên 16.000ha, rừng phòng hộ trên 8.000ha, rừng sản xuất trên 4.400ha, với độ che phủ của rừng đạt 13,71%. Trong những năm qua, BR-VT đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tỉnh BR-VT cũng đã phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với một số mục tiêu đến năm 2020, bảo đảm độ che phủ của rừng đạt 15 - 17% (tính cả cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm là 52%) so với đất tự nhiên toàn tỉnh; GDP lâm nghiệp đạt khoảng 6 - 7% GDP của ngành nông nghiệp; Khai thác rừng trồng 3.425ha để cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến lâm sản, bột giấy và xuất khẩu; hàng năm khai thác 9.000 - 11.000m3 gỗ, 3.000 tấn củi bảo đảm cung cấp các nhu cầu gỗ, củi phục vụ xây dựng cơ bản và dân sinh, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động nghề rừng thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, tham gia các hoạt động du lịch dưới tán rừng, trồng rừng, khai thác rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ như điều, cao su…
Trong thời gian tới, tỉnh BR-VT tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt đối với hai khu rừng nguyên sinh là Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu 11.142ha nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và Vườn Quốc gia Côn Đảo 5.831ha thuộc huyện Côn Đảo. Đây là những khu rừng nguyên sinh có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ, cân bằng sinh thái, bảo đảm môi sinh – môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch và có vị trí đặc biệt trong công tác quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, trong tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh BR-VT còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn 5.113ha, tập trung ở huyện Tân Thành và TP. Vũng Tàu. Đây là những khu vực cần được quản lý, phát triển, bảo vệ và khai thác hợp lý.
Theo Chi cục Kiểm lâm BR-VT, tỉnh đang triển khai các biện pháp khôi phục rừng ngập mặn, bảo vệ “vành đai xanh” ở các vùng cửa sông, ven biển. Trong hai năm qua, BQL rừng phòng hộ tỉnh BR-VT đã tổ chức trồng trên 130ha rừng ngập mặn với 2 loại cây chủ yếu là đước và gõ đỏ với tổng kinh phí thực hiện gần 2,5 tỷ đồng.
Tỉnh cũng xây dựng phương án xã hội hóa việc trồng, bảo vệ và công khai các quyền lợi được khai thác từ rừng ngập mặn để người dân, tổ chức cùng tham gia; khuyến khích tổ chức Đoàn thực hiện các công trình thanh niên trong việc trồng, bảo vệ rừng.
|