Các biện pháp phòng trừ sâu hại nói chung
Có nhiều biện pháp phòng trừ sâu hại, tuy nhiên người ta thường chia ra 6 nhóm biện pháp chính:
1) Biện pháp thủ công: bao gồm các biện pháp dùng tay, dùng gậy, vợt... để bắt sâu non, thu trứng, thu kén, bắt ngài nhằm làm giảm số lượng sâu róm thông từ đó làm hạn chế thiệt hại do chúng gây ra. Biện pháp này thường áp dụng khi mật độ sâu hại còn thấp sẽ làm giảm một cách hiệu quả sự bùng phát số lương sâu hại ở thế hệ sau.
2) Biện pháp vật lý: sử dụng ánh sáng thu hút sâu hại, sử dụng các sóng siêu âm để xua đuổi sâu hại...sử dụng tia gamma để vô sinh con trưởng thành đực làm giảm mật độ sâu hại (ruồi hại quả)...
3) Biện pháp kiểm dịch: sử dụng chế độ kiểm dịch được nhà nước ban hành để ngăn chặn sự lây lan của sâu hại từ vùng này sang vùng khác thông qua việc mua bán di chuyển hạt giống, cây con, sản phẩm thực vật... có chứa sâu hại.
4)Biện pháp canh tác hay còn gọi là biện pháp lâm sinh (dùng trong lâm nghiệp): Nhóm biện pháp này bao gồm rất nhiều các biện pháp như: làm đất để diệt trừ sâu hại sống trong đất trước khi trồng cây; trồng luân canh, xen vụ, trồng hỗn giao để hạn chế sự phát triển của sâu hại; áp dụng đúng các kỹ thuật gieo ươm, kỹ thuật trồng tăng sự đề kháng sâu hại của cây trồng... Chọn giống, lai tạo cây trồng có khả năng chống chịu sâu hại cũng được người ta xếp vào nhóm biện pháp này.
5) Biện pháp sinh học: bao gồm 2 nội dung chính là:
- Nhận biết, bảo vệ và tạo điều kiện tốt các loài thiên địch sẵn có trong tự nhiên phát triển để hạn chế sự phát triển của sâu hại.
- Nhân nuôi các côn trùng có ích (ký sinh, bắt mồi), sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại.
6) Biện pháp hoá học: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá chất để phòng trừ sâu hại. Biện pháp này chỉ được khuyến cáo trong trường hợp dịch sâu hại bùng phát.