Quy trình kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm
Theo kinh nghiệm của người dân nuôi cá chình, với kích cỡ cá giống thả nuôi ban đầu từ 50 – 200 g/con, mật độ nuôi 1 – 2 con/m2 trong điều kiện chăm sóc tốt, sau 18 – 24 tháng tuổi cá có thể đạt kích cỡ 0,8 – 2,5 kg/con. Khi còn nhỏ tốc độ sinh trưởng của cá trong đàn t¬ương đương nhau và khá chậm, nhưng khi đạt chiều dài hơn 40 cm và từ tháng thứ 7 – 8 trở đi tốc độ cá lớn nhanh hơn thông thường, cá đực lớn chậm hơn so với cá cái. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận xét từ kinh nghiệm của người nuôi, để hiểu rõ hơn về kỹ thuật cũng như quy trình nuôi, xin giới thiệu quy trình kỹ thuật mới nhằm nâng cao tỷ lệ sống và năng suất trong mô hình nuôi cá chình thương phẩm.
1. Chuẩn bị ao nuôi
Diện tích ao nuôi tốt nhất 500 – 1.000 m2, ao nuôi phải được xây dựng bằng cơ giới. Mức nước phải đảm bảo độ sâu trung bình 1,8 – 2,2 m. Bờ ao phải cao hơn mặt nước cao nhất trong ao ít nhất là 60 cm. Bờ ao rộng và kiên cố không rò rỉ nước. Chất đất xây dựng ao nuôi là thịt pha cát, đất thịt pha sét là tốt nhất. Nên xây dựng từ 02 ao nuôi trở lên để dễ dàng phân cỡ cá và thay nước trong suốt quá trình nuôi. Xung quanh hệ thống ao phải được rào chắn bằng tole xi măng hoặc lưới rào kiên cố để không cho cá thất thoát.
2. Cải tạo ao nuôi và xử lý nguồn nước
-Đối với ao cũ cần được tát cạn, sên vét hết bùn đáy, bón vôi CaO từ 70 – 100 kg/1.000 m2 tùy theo độ pH đất và phơi khô vừa ráo. Đối với ao mới đào, lượng vôi có thể bón nhiều hơn và được ngâm tháo phèn nhiều lần sau đó giữ lại mức nước 20 cm rồi dùng dây thuốc cá xay từ 2 – 3 kg/1.000 m2 để diệt hết cá tạp.
– Nguồn nước được cấp vào ao qua túi lọc mịn, phải đạt chất lượng tốt, nên cấp qua ao lắng được xử lý ban đầu bằng thuốc tím 2 – 4 kg/1.000 m3 để diệt khuẩn, nấm bệnh, sau đó mới được cấp vào ao nuôi.
– Cần gây tảo để ổn định chất lượng nước và đảm bảo hàm lượng ôxy trong ao. Tảo phát triển làm giảm độ trong, ngăn cản ánh sáng xuyên xuống đáy ao tạo môi trường phù hợp với tập tính sống ưa tối của cá chình. Tạt nước phân DAP hoặc NPK với liều lượng 1 – 2 kg/1.000m3, nên tạt liên tục 2 – 3 ngày để tảo phát triển cho nước màu xanh.
– Tùy theo mật độ thả nuôi, kích cỡ cá giống thả mà bố trí hệ thống quạt nước cũng như hệ thống sục khí cho hợp lý để cung cấp nguồn oxy hòa tan trong ao. Dưới ao bố trí các giá thể để cá trú ẩn, các giá thể bao gồm các ống nhựa kích thước 0,8 m x 114 mm đường kính hoặc căng tấm lưới dây gân nhẵn, kích cỡ mắt lưới 8 x 8 cm. Nên bố trí tấm lưới chiếm ¼ diện tích bề mặt ao dọc theo chiều dài hoặc chiều rộng cách bờ của ao 0,5 m và độ cao so với bề mặt đáy ao 25 cm, tấm lưới phải được cố định thẳng bằng cây cọc.
3. Chọn giống và mật độ thả
a) Chọn giống
– Do nguồn giống cá chình chủ yếu là bắt từ tự nhiên, một số nơi dùng câu, lưới điện để bắt giống nên người nuôi còn gặp nhiều khó khăn trong việc chọn giống. Vì vậy, bà con nên chọn lựa mua giống ở những cơ sở ương giống từ giai đoạn cá con, cá còn nhỏ đã được trại ương qua nhiều giai đoạn giúp chất lượng cá giống đảm bảo yêu cầu khi đó cá giống được luyện ép, ương nuôi phù hợp với điều kiện nuôi nhân tạo. Biểu hiện rõ nhất là cá dạn với người ít sợ sệt, bơi lội tự nhiên trên mặt nước để kiếm mồi. Nhanh chóng bắt mồi khi cho ăn.
– Cần chọn mua giống từ các cơ sở cung cấp giống uy tín và chất lượng. Cá giống khỏe mạnh, đều cỡ, da bóng, nhiều nhớt, không xây xát đặc biệt là không mắc lưỡi câu và xung điện. Nếu cá do đánh bắt bằng điện thì biểu hiện dị hình hoặc cong thân…, cá do câu thì hay bơi lùi. Cá bị câu thì lưỡi còn mắc ở trong dạ dày nên cá không ăn được gầy mòn rồi chết.
– Giống cá chình có 04 loài chủ yếu nhưng có 02 loài có giá trị kinh tế cao đó là cá chình hoa hay còn gọi cá chình bông và cá chình mun (cá chình nhốt), cá chình bông được thị trường trong nước ưa chuộng và giá cao hơn. Kích cỡ cá thả nuôi thả tốt nhất từ 50-100g/con.
b) Thả giống và mật độ thả
– Khi chuyển cá về không nên thả vội vàng vào ao mà nên thả cá vào bể bạt có mức nước 0,8 – 1,0 m, bể bạt đặt ở vị trí thoáng mát kết hợp với sục khí và tạo dòng chảy để cá thích nghi với nguồn nước. Sau đó sát trùng cho cá trước khi thả, có thể dùng 1 trong 3 loại hóa chất sau đây để tắm cho cá: Thuốc tím (KMnO4) 1 – 3g/m3, Sulphat đồng(CuSO4) 0,3 -0,5g/m3, Formol 1 – 3 ml/m3. Hoặc ngâm cá trong dung dịch nước muối 15 – 30‰ trong 15 – 30 phút. Thời gian ngâm tắm từ 10 – 30 phút hoặc đến khi thấy cá có dấu hiệu khó chịu mới thôi. Tắm cá là công đoạn rất quan trọng để loại bỏ vi khuẩn, nấm bệnh cũng như ký sinh trùng cho cá giống đồng thời qua đó sẽ phân loại được cá khỏe mạnh để thả nuôi trước và cá yếu, cá nghi ngờ mắc lưỡi câu sẽ được giữ lại để chăm sóc đặc biệt hoặc thả cách ly riêng.
– Mật độ thả: Mật độ thả phụ thuộc vào cỡ giống và điều kiện nuôi. Sau đây là một số mật độ thả tham khảo:
+ Đối với hình thức nuôi bán thâm canh (sử dụng thức ăn cá tươi không có hệ thống tạo oxy) nên thả cỡ cá từ 50 – 100g/con: mật độ trung bình thả từ 5 con/10m2 – 1con/m2
+ Đối với hình thức nuôi Thâm canh (sử dụng thức ăn công nghiệp và có hệ thống tạo oxy) nên thả cá từ 25 – 100 g/con: mật độ thả dao động từ 4 – 10 con/m2.
3. Chăm sóc và quản lý
a) Thức ăn và cho ăn
Có thể sử dụng 2 loại thức ăn là tươi và thức ăn công nghiệp. Cho ăn theo nguyên tắc 4 định: định chất, định lượng, định thời gian, định địa điểm.
– Định chất: Thức ăn có đủ độ đạm cần thiết. Nếu dùng thức ăn cá tạp phải còn tươi nên sử dụng cá rô phi, hoặc cá biển là tốt nhất. Cá được sơ chế sạch, sau đó cắt vừa kích cỡ miệng cá từng giai đoạn mới đem cho ăn. Thức ăn công nghiệp nuôi cá chình dạng bột được sản xuất từ Trung Quốc, Đài Loan có hàm lượng đạm cao từ 45 – 50% chất lượng rất tốt nhưng giá khá đắt.
– Định lượng: Thức ăn cá tươi mỗi ngày cho ăn 5 – 15% tổng khối lượng cá trong ao; thức ăn công nghiệp cho ăn 3 – 4% tổng khối lượng cá trong ao. Yêu cầu thức ăn thả xuống sau 20 – 30 phút cá phải ăn hết.
– Định thời gian: Cho ăn 1 ngày 1 lần vào lúc 8 – 9 giờ sáng lúc nắng yếu hoặc 4 – 5 giờ chiều. Thức ăn công nghiệp trước khi cho cá ăn cần 5 – 10 phút trộn đều với nước theo tỷ lệ 1kg thức ăn +1,5 lít nước sau đó được đánh trộn đều bằng máy và cho cá ăn ngay trên khay sàng ăn nổi.
– Định địa điểm: Phải cố định vị trí đặt sàng cho ăn. Sàng cho cá ăn là khung hình vuông hoặc hình tròn có kích thước 1m2 căng lưới nilon, mắt lưới to nhỏ phụ thuộc vào kích cỡ cá. Nên đặt sàng ăn ở chỗ tối, kín gió. Đối với thức ăn cá tạp nên đặt sàng ăn chìm sát đáy ao; còn sàng ăn sử dụng thức ăn công nghiệp nổi trên bề mặt nước.
b) Phân cỡ cá: Định kỳ phân cỡ cá hoặc sang ao mới sau 6 – 8 tháng/lần, phân loại cá lớn, cá nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và lớn nhanh. Trước khi phân cỡ để cá nhịn đói từ 1 – 2 ngày. Thao tác phân cỡ cá phải được thực hiện nhanh chóng và thời điểm thích hợp.
c) Quản lý chất lượng nước: Ao nuôi cá chình công nghiệp mật độ dày cần lắp đặt hệ thống oxy tầng đáy và máy quạt nước giúp cho ôxy phân phối đều trong các tầng nước. Trước khi cho cá ăn, nên mở sục khí đề phòng thiếu ôxy cục bộ do cá tập trung ăn tại một chỗ.
Ao nuôi trong ao nước tĩnh, mật độ thưa định kỳ cần thay 10% lượng nước trong ao/1 tuần từ tháng thứ 3 – 4 trở đi và 20 – 30% ở tháng thứ 5 – 6. Nên thay nước vào lúc trời mát. Khi có mưa to hoặc trời nắng nóng cần giảm ½ lượng thức ăn. Định kỳ 1 tháng/lần diệt khuẩn định kỳ bằng thuốc tím 1,5 kg/1.000 m3 và 10 – 15 ngày/lần tạt nước vôi sống 15 – 20 kg/1.000 m3 để khống chế mật độ tảo và ổn định chất lượng nước.
Do cá chình thời gian nuôi dài, lượng thức ăn hòa tan dư thừa làm cho nguồn nước mau dơ là điều không thể tránh khỏi, vì vậy trong quá trình nuôi bà con cũng cần định kỳ sử dụng men vi sinh để phân hủy và làm sạch nền đáy ao nuôi góp phần phòng bệnh cho cá nuôi và quản lý được chất lượng nguồn nước.
4. Phòng và trị bệnh
a) Bệnh nấm thủy mi
– Cá Chình là loài nuôi mới, ít có bệnh. Cá thường bỏ ăn là do yếu tố môi trường và khâu tuyển chọn giống kém chất lượng dẫn đến cá không ăn và hao hụt nhiều. Cá Chình cũng thường bắt gặp một số bệnh như ở cá nước ngọt khác, nhưng chưa thấy tác hại đến cá. Chủ yếu và nguy hiểm nhất là bệnh nấm trên cá Chình, là nguyên nhân gây thiệt hại lớn nhất, có khi đến 70 – 75%. Do hai giống nấm là Saprolegnia và Achlya. Tác hại: Cá Chình là động vật da trơn, ngoài hô hấp bằng mang, cá Chình còn hô hấp bằng da là chủ yếu. Hiện tượng bị nấm sẽ cản trở việc hô hấp bằng da của cá dẫn tới cá yếu vàchết.
– Phòng trị bệnh: Dùng Kali dichromate K2Cr2O7 liều lượng 20 – 25g/m3 tạt trực tiếp xuống ao nuôi để diệt nấm bệnh.
b) Bệnh thối vây
– Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Flexibacte columnaris. Vi khuẩn này phát triển mạnh ở nhiệt độ thấp, dưới 15 độ C. Triệu chứng là trên cá xuất hiện nhiều đốm trắng ở đầu và vây. Tia vây bị hoại tử và tưa rách, cá cũng sẽ bị nhiễm độc do độc tố của vi khuẩn tiết ra và gây tổn thương cho hệ thống tuần hoàn. Cá bị bệnh nặng sẽ chết trong vòng 2 ngày.
– Điều trị bằng thuốc Doxery 10 – 15gr/kg thức ăn, hoặc Vime – Glucan 5 – 10 gr/kg thức ăn kết hợp trộn với thức ăn Glusome 2gr/1 kg thức ăn để tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của cá.
c) Rận cá sống trên da, vây, xoang miệng và mang
Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường tập trung vào mùa mưa. Giai đoạn cá còn nhỏ, chỉ cần 1-2 con rận ký sinh là có thể làm cá chết. Cá chình có tập quán sống chui rúc nên rất dễ bị rận cá tấn công.
Phòng và trị rận bằng cách vệ sinh môi trường trước khi nuôi cá bằng vôi bột. Khi thấy có rận bám vào cá, cần xử lý cá bằng thuốc tím 2 kg/1.000 m3, cần kiểm tra độ pH của nước, tạo môi trường kiềm tính bằng cách bơm nước giếng ngầm hoặc thay đổi tăng hay giảm độ mặn sẽ hạn chế rận cá.