Sáng 7/12, tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM gây chú ý với bài tham luận Đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng.
Mở đầu tham luận, tiến sĩ Hải đã dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và khẳng định, chân lý ấy còn nguyên giá trị trong cuộc sống ngày nay.
|
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải trình bày tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước sáng 7/12. Ảnh: P.H.
|
Theo tiến sĩ Hải, để đạt được giá trị ấy, người trẻ cần hoàn thiện chính mình về đạo đức, sức khỏe, trí tuệ, biết mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội. Mỗi ngày, cần phải nỗ lực không ngừng để bồi đắp tâm hồn bản thân bằng những suy nghĩ tốt đẹp. Dù là ai thì sống trên đời cũng cần một tấm lòng và dùng toàn tâm lực, trí tuệ cho công việc mà mình được phân công. Bởi cống hiến cho xã hội cũng chính là cống hiến cho bản thân để khẳng định giá trị của mình.
"Chúng ta hãy bớt than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan", anh Hải nói và cho rằng, người trẻ cần phải có đam mê sáng tạo, phát triển công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, phục vụ xã hội.
Quá trình ấy bắt đầu bằng sự can đảm xông pha vào những nơi bản thân còn yếu thông qua việc học và luôn ghi nhớ rằng, những điều vĩ đại bắt nguồn từ đam mê với điều nhỏ nhất. Như câu chuyện Steven Jobs thành công với xuất phát điểm từ một gara tồi tàn và số vốn ít ỏi. Giáo sư Ngô Bảo Châu quyết tâm theo đuổi niềm đam mê toán học nhờ lòng tự ái của bản thân khi thi trượt lớp chuyên toán...
Theo anh, thất bại luôn rình rập, xảy đến với những người trẻ thừa đam mê, thiếu kinh nghiệm. Lấy bản thân làm dẫn chứng, anh kể khi còn là sinh viên từng đi bán sách, đồng hồ, mắt kính dạo và bị kẻ xấu đe dọa; từng rớt từ độ cao 3 mét xuống đất lúc đi hàn để kiếm tiền học đại học. Mỗi ngày đi học, anh trăn trở khi phải tốn 200 đồng gửi xe đạp vì kinh tế quá khó khăn, trải qua nhiều cái Tết cô đơn nơi đất khách quê người vì dành thời gian cho nghiên cứu khoa học. Vị tiến sĩ trẻ từng 8 lần thất bại khi nghiên cứu phiên bản Mắt thần - kính dẫn đường cho người khiếm thị trong nhiều năm.
Nhưng tất cả khó khăn đó không làm anh nản lòng. Sau nhiều năm cố gắng, dự án Mắt thần đã được triển khai để giúp người khiếm thị nghèo tự tin hơn, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết đầu tư ngay tại bàn khi nghe anh trình bày tại cuộc gặp mặt các nhà khoa học trẻ vào tháng 9. Sau 4 lần thất bại lẫn cải tiến, anh và đồng nghiệp đã chạy thử nghiệm thành công robot, phục vụ được 50 lượt khách tại một quán cà phê khởi nghiệp gây ấn tượng mạnh cho người Sài Gòn.
"Kết quả còn khiêm tốn nhưng đó là những gì chúng tôi muốn gửi gắm vào cuộc sống này. Nếu có lựa chọn lại, tôi vẫn chọn đường đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà cho mình những gì, mà phải hỏi mình làm gì cho đất nước. Mình phải làm thế nào để có được nhiều lợi ích hơn cho đất nước, vì lợi ích nước nhà mà hy sinh gì chưa?", anh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải là nhà khoa học trẻ thu hút nhiều chú ý của cộng đồng với các ý tưởng sáng chế: kính dẫn đường cho người mù, máy pha cà phê sạch, robot có thể dạy tiếng Anh...
Ngày 6-7/12, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu. Chiều 6/12, trong buổi lễ biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng Huân chương lao động hạng nhất cho 13 tỉnh, thành phố có nhiều thành tích. Mỗi tỉnh, thành sẽ được Chính phủ tặng công trình phúc lợi trị giá 30 tỷ đồng.
THEO VNEXPRESS.NET