Những dấu hiệu nhận biết sớm lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi
Lợn bị ASF có biểu hiện xuất huyết qua các lỗ tự nhiên trên thân thể như: Mũi, tai, mắt, hậu môn...
Trước tình trạng xuất hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất lớn. Các chuyên gia thú y cung cấp một số thông tin để người chăn nuôi tham khảo, nhằm kiểm soát dịch bệnh mới nguy hiểm này.
Dịch tả lợn Châu Phi
Vì sao người thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi chưa nhận được hỗ trợ?
Hà Nội xác nhận gần 200 xã tái phát dịch tả lợn Châu Phi
Lợn chết vứt tràn lan, huyện lập đội xung kích vớt 4 ngày chưa hết
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là một bệnh truyền nhiễm do Myxovirus chứa AND gây ra.
Điều đáng lo ngại là khi bệnh xảy ra, trở thành dịch và lưu cữu nhiều năm. Virus gây bệnh ASF có sức sống rất tốt: trong máu 6 năm (bảo quản lạnh); trong lá lách 2-2,5 năm; trong phân ẩm 122 ngày; trong nước tiểu 45 ngày...
Một số tài liệu cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là một bệnh truyền nhiễm do Myxovirus chứa AND gây ra. Bệnh đặc trưng như thâm tím da phần lớn cơ thể, viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba và thận. Sốt cao 41- 42 độ C kéo dài liên tục 4 ngày với thể trạng bình thường, sau đó heo ủ rủ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó; run, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau, nái sảy thai. Xuất hiện tình trạng xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau, chân rồi hoại tử. Máu chảy ra từ lỗ tự nhiên như mũi, miệng, hậu môn.
Biểu hiện tụ huyết tại thận
Theo ông Nguyễn Văn Long –Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 – 42 độ C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt. “Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy” – ông Long cho biết.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, người dân cần nắm rõ một số triệu chứng và bệnh tích của bệnh để có phương án xử lý nhanh, kịp thời, không để lây lan. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, có thể đánh giá ở các mức độ sau:
Thể quá cấp tính là do virus có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính là do virus có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42ºC). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.
Biểu hiện nặng của lợn bị ASF.
Trong 1-2 ngày trước khi chết, lợn có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.
Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Lợn nái đang mang thai có thể sảy ở mọi giai đoạn. Tỉ lệ chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus thể mãn tính thường không có triệu chứng nhưng chúng sẽ là vật chủ mang virus dịch tả lợn suốt đời.
Thể á cấp tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn.
Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn nái đang mang thai sẽ sảy thai; lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70%. Lợn có thể khỏi hoặc bị nhiễm bệnh mãn tính.
Thể mãn tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có triệu chứng khác nhau, như: Giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỉ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm virus gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính.