TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 24/11/2024
Tổng quan về xã
Tin hoạt động-KHCN
Nông thôn mới
Họat động UBNDNông nghiệpDịch vụ
Nữ công gia chánh
Tin thời sự
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Tập huấn giới thiệu trạm khoa học công nghệ

Hình tập huấn

Nông Thôn Mới

Tiếp Xúc Cử Tri

Lượt truy cập: 295871
  TRỒNG TRỌT

  KỸ THUẬT CHĂM SÓC BÔNG CÚC
28/07/2020

Cây hoa cúc (Chrysanthemum sp.) là một trong 5 loại hoa cắt cành phổ biến nhât trên thế giới, được trồng lâu đời và tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam.

1. Chọn và chuẩn bị đất

Đất thích hợp cho trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, đặc biệt là đất phù sa mới, bề mặt bằng phẳng, thoát nước tốt, có nguồn nước tưới không bị ô nhiễm; độ pH từ 6 - 7.

Đất trồng cúc cần được cày sâu bừa kỹ, phơi ải để tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật háo khí, tăng cường sự lưu thông khí trong đất, giúp đất giữ nước, giữ phân tốt. Trước khi trồng 10 - 12 ngày lên luống cao 20 - 30 cm, bón phân lót. Vì cúc trồng với mật độ dày nên bón đều trên mặt luống. Phân bón lót gồm phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ 3 - 4 tấn, supe lân 100 kg cho 1.000 m2, trộn đều với đất, sau đó dùng ni lông che lại để tránh mưa rửa trôi và cỏ mọc, đợi đến khi trồng mới bỏ ra.

2. Thời vụ trồng

Nhờ bộ giống đa dạng, phong phú, thích nghi với điều kiện sinh thái khác nhau, cúc có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, có thể căn cứ vào đặc điểm của từng giống, thời tiết khí hậu của từng năm, hoặc nhu cầu thị trường để xác định thời vụ trồng thích hợp.

3. Cách trồng

Chọn ngày râm mát hoặc trồng vào buổi chiều mát, tưới nhẹ luống đất đã được chuẩn bị, sau đó dùng dầm nhỏ trồng. Khi trồng xong lấy tay ấn chặt gốc, dùng rơm mềm hoặc mùn rác che phủ gốc và dùng bình ô doa hoặc vòi phun nhẹ tưới đẫm luống. Những ngày đầu, tưới nước cần hết sức nhẹ nhàng, tránh lay gốc, trôi cây và không để các lá gần đất bị dính vào đất hoặc bùn đất bắn lên các lá non làm bít các khí khổng, ảnh hưởng đến sự quang hợp, hô hấp, sự bốc hơi của bộ lá khi cây chưa hồi xanh trở lại.

4. Bón phân

Nguyên tắc chung của việc bón phân là đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng. Vụ Xuân Hè có nhiệt độ, độ ẩm cao, ánh sáng nhiều, sự phân giải của phân bón thường nhanh nên bón lót là chủ yếu; ngược lại vụ Thu Đông trời hanh khô nên ngoài việc bón lót phải tăng cường bón thúc. Sau các trận mưa lớn, đất bí hoặc trời lạnh không nên bón phân vì lúc này đất ẩm và việc bón phân sẽ làm đất thêm bí, rễ cây thiếu oxy để hô hấp và nhiệt độ thấp rễ cây hoạt động kém, bón phân vào cây cũng không hấp thụ được. Nếu trời nắng to, đất quá khô cũng không nên bón, nhất là phân hoà với nước vì dung dịch phân có nồng độ cao hơn so với nồng độ dung dịch tế bào sẽ làm cây úa vàng rồi chết; nếu cần bón trong giai đoạn này tốt nhất phải tưới ẩm đất sau đó để lúc chiều mát bón phân.

a)  Lượng phân bón cho 1.000 m2:

Bón lót: Phân chuồng hoặc phân hữu cơ 3 - 4 tấn, Supe lân 100 kg.

Bón thúc: 45 kg urê + 85 kg Supe lân + 25 kg kali clorua hoặc100 kg NPK Đầu trâu (13 - 13 - 13+TE) + 17 kg urê +10 kg kali clorua.

b)  Cách bón:

Bón lót: Sau khi lên luống rắc đều phân lên mặt luống rồi đảo đều phân với đất.

Bón thúc: Bón làm 6 đợt, ngâm phân Đầu trâu trước 1 - 2 ngày, hòa loãng tưới hoặc rắc vào giữa 2 hàng. Để giảm bớt công bón có thể rắc phân làm 3 đợt, cách nhau 20 ngày. Tốt nhất là chia làm nhiều lần để tưới hoặc bón để phân đỡ bị rửa trôi, cây hấp thu tốt hơn.

- Đợt 1: Tưới nhử, sau trồng 10 ngày hòa loãng 10 kg Đầu trâu + 2 kg ure hoặc 5 kg ure + 5 kg Supe lân.

- Đợt 2, 3, 4: Sau trồng 30, 40, 50 ngày bón (20 kg Đầu trâu + 5 kg urê)/đợt hoặc (10 kg ure + 20 kg Supe lân + 5 kg kali clorua)/đợt.

- Đợt 5, 6: Sau trồng 60, 70 ngày bón (15 kg Đầu trâu + 5 kg kali clorua)/đợt hoặc (5 kg ure 10 kg Supe lân +5 kg kali clorua)/đợt.

Phun thêm một số loại chất kích thích sinh trưởng: Atonik 1.8 SL liều lượng 20 ml/16 lít, Phân bón Đầu trâu 501; 701; 901 liều lượng 30 g/16 lít.

5. Chăm sóc

- Cúc cần tưới nước trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, nhưng không cần nhiều. Có 2 phương pháp tưới nước cho cúc là tưới rãnh và tưới trên mặt.

Trong thực tế thường kết hợp giữa tưới nước và bón phân cho cây, vừa cung cấp lượng nước cần, vừa bổ sung dinh dưỡng giúp cây phát triển.

- Thường xuyên tiến hành làm cỏ kết hợp với xới xáo và vun luống. Việc xới xáo xung quanh gốc chỉ cần thiết vào lúc cây cúc còn nhỏ. Khi cúc đã lớn (sau trồng 40 ngày) nên hạn chế việc xới xáo tránh làm rễ cây bị đứt. Lúc này chỉ nên cắt tỉa các lá già xung quanh gốc, cũng không nên vun đất vào gốc quá cao vì sẽ làm phát sinh nhiều mắt rễ khiến gốc xù xì, thân cây không đẹp ảnh hưởng tới chất lượng cành mang hoa.

Ngoài việc làm cỏ, xới xáo trong luống, cũng cần làm cỏ rãnh luống và xung quanh ruộng trồng cúc để tránh sự lây lan sâu, bệnh và sự phát tán cỏ vào nơi trồng cúc.

6. Bấm ngọn, tỉa mầm nhánh

a) Bấm ngọn

Tuỳ theo đặc tính của giống, mục đích sử dụng và ý thích của người chơi hoa mà bấm ngọn hay tỉa cành.

Nếu muốn cây cúc có cành mập, hoa đơn bông to, cần phải tỉa bỏ hết các mầm nhánh phụ mọc từ nách lá, chỉ để lại một nụ chính trên đỉnh thân. Cách làm này áp dụng đối với những giống hoa to, thân cứng, thẳng, bộ lá gọn; chất lượng hoa tốt và có thể trồng với mật độ lớn trên đơn vị diện tích mà không ảnh hưởng đến cây khác.

Nếu muốn cúc nhiều hoa trên thân thì phải bấm ngọn cho cây. Có 3 hình thức bấm:

- Bấm ngọn sớm 1 lần: Sau khi trồng cúc được 15 - 20 ngày, tiến hành bấm ngọn, cây sẽ cho ra nhiều nhánh và tỉa bớt chỉ để lại 3 - 4 nhánh. Cách làm này áp dụng đối với những giống cúc có đường kính hoa trung bình 6 - 8 cm hoặc "thu cúc lần 2" tức là sau khi thu hoạch lần 1 các mầm giá mọc lên, để mỗi gốc 3 - 4 mầm và nuôi dưỡng thu hoa lần 2.

- Bấm ngọn muộn 1 lần tạo tán: Đối với giống cúc chùm, sau khi cây ra rất nhiều cành nhánh và nhiều nụ/cành, tiến hành ngắt nụ đỉnh để kích thích các nụ bên phát triển đồng đều. Tỉa bớt các cành nhánh ở phía dưới chỉ để lại khoảng 4 - 5 cành, sau sẽ cho khoảng 5 - 7 bông hoa đều và đẹp; Hoặc có thể để nguyên nụ chính, chỉ tỉa bớt cành nhánh phía dưới gốc, để lại 4 - 5 nhánh phía trên thì nụ chính sẽ nở trước và to hơn so với các nụ bên.

- Bấm ngọn nhiều lần: Với một số giống cúc có hoa nhỏ, đường kính bông 1- 3 cm, dạng cây bụi, thân mềm, khả năng phát sinh cành nhánh mạnh, việc bấm ngọn có thể tiến hành từ 2 - 3 lần tuỳ theo sức cây và khả năng chăm bón. Lần 1 bấm sau trồng 15 - 20 ngày, sau 15 ngày bấm tiếp lần 2 và có thể bấm lần 3 - 4 đến khi cây có đủ nhánh, đủ cành để tạo thế, dáng cho cây, sau đó vặt bỏ các mầm nách không cần thiết và các nụ con ra sau để hoa nở đồng đều. Bằng cách này ta đã tạo ra 1 cây cúc hình cầu hoặc hình mâm xôi từ 1 thân ban đầu.

Ngoài ra, trong sản xuất cũng có một số giống cúc trồng để phát triển tự nhiên nhưng phải cắm cọc, buộc dây mềm xung quanh khóm hoa để cây thẳng không bị nghiêng hay đổ.

b) Tỉa mầm nhánh

Đi đôi với việc bấm ngọn tạo nhánh và tán cho cây, cũng phải thường xuyên bấm, tỉa bỏ hết các cành, các nhánh không cần thiết.

Đối với cúc đơn bông, đến thời kỳ ra hoa, ngoài nụ chính còn có rất nhiều mầm nhánh mọc ra ở nách lá và nụ phụ mọc xung quanh nụ chính, sau nụ chính. Dùng tay nhẹ nhàng vặt bỏ các mầm nách và nụ bên, vặt bỏ ngay khi còn bé để chúng không tiêu hao chất dinh dưỡng của nụ chính, giúp nụ hoa chính to, đẹp.

7. Làm cọc, giàn

- Với những loại cúc có thân cứng, một hoa hoặc ít hoa trên bông có thể làm giàn lưới hoặc giàn dây thép nhỏ đan thành từng ô, mỗi một ô giữ 1 cây hoặc vài cây. Khi cây lớn nâng dần lưới lên phía trên giúp đỡ phần ngọn cho cây. Để tiết kiệm nguyên liệu làm giàn, chỉ cần một số cọc tre nhất định cắm hai bên mép luống, khoảng cách 2 m, sau đó dùng lưới đan sẵn căng trên mặt luống hoặc dây ni lông đan thành các mắt lưới .

Cây cúc cao 0,8 - 1,0 m có thể làm 2 lớp giàn, lớp dưới cách mặt đất 40 cm, lớp trên cách mặt đất 70 cm để cùng giữ cho cây.

- Trường hợp loại cúc có tán rộng, nhiều cành, cắm 3 - 5 cọc xung quanh một cây, dùng dây mềm dằng nhẹ xung quanh khóm để không làm gẫy cành, dập hoa

8. Điều tiết sinh trưởng, ra hoa

Chiếu sáng bổ sung để ngăn cản ra nụ sớm cho hoa cúc. Hầu hết các giống hoa cúc trồng vụ Thu, Đông, rất mẫn cảm với ánh sáng ngày ngắn. Trong điều kiện trồng vào thời vụ tháng 9 - 12, cây gặp điều kiện ánh sáng ngày ngắn sẽ phân hóa nụ hoa ngay khi trồng, dẫn đến chât lượng hoa kém: cành ngắn, hoa bé. Để tránh hiện tượng ra hoa sớm cho cúc ở thời vụ này cần phải chiếu sáng bổ sung cho cây.

Nguồn:  http://www.khuyennongvn.gov.vn

Minh Tuấn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Hoà Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 872 118 - Fax: (84.064) 3 872 118
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu