Thí nghiệm mới của các nhà khoa học Singapore cho thấy nhựa có thể bị phá vỡ trong dung dịch hóa học dưới tác động của ánh sáng nhân tạo.
|
Ánh sáng nhân tạo có thể biến nhựa thành chất xúc tác để sản xuất điện. Ảnh: AFP.
|
Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ở các nước châu Á, nơi việc xử lý và tái chế nhựa vẫn còn rất hạn chế. Các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore hôm thứ Tư cho biết đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này, bằng cách sử dụng ánh sáng nhân tạo để biến nhựa thành chất hữu ích.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu trộn nhựa với hóa chất để tạo thành dung dịch. Dưới tác động của ánh sáng nhân tạo, dung dịch nhựa bị phá vỡ tạo thành axit formic, một chất xúc tác không gây hại cho môi trường có thể dùng trong các nhà máy năng lượng để sản xuất điện.
Trong thí nghiệm, nhựa bị phân hủy chỉ trong 6 ngày. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong tương lai có thể ứng dụng phương pháp này để xử lý rác thải nhựa bằng ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận có rất nhiều thách thức trong việc thực hiện trên quy mô lớn.
Trưởng nhóm nghiên cứu Soo Han Sen cho biết sẽ cần rất nhiều nhân lực và kinh phí để phát triển dự án. Thí nghiệm mới chỉ được tiến hành với một lượng nhỏ nhựa nguyên chất, không phải rác thải nhựa.
Hiện nay, nhựa chủ yếu được tái chế bằng cách nấu chảy, tuy nhiên, việc đốt nhiên liệu hóa thạch lại tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính. Trong khi đó, nhựa plastic không được xử lý có thể mất tới 400 năm để phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.
Nguồn: AFP