TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 27/4/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 307684
  SẢN PHẨM KHÁC

  Sản xuất muối da rong - Tăng giá trị thương hiệu
16/03/2020

Da rong là phương thức làm muối đặc sắc, đem lại hiệu quả cao của diêm dân xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành nhân rộng hình thức sản xuất muối này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị thương hiệu “muối Bà Rịa” của tỉnh.

Thu hoạch muối tại ruộng của ông Phạm Văn Hiếu (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).
Thu hoạch muối tại ruộng của ông Phạm Văn Hiếu (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).

MUỐI TRẮNG SẠCH, ĐƯỢC GIÁ 

Da rong là lớp rong trên nền ô kết tinh được phơi khô, cán xẹp xuống tạo thành lớp da phủ trên bề mặt ruộng, cứng như nền xi măng, có tác dụng như một màng polyme sinh học dày khoảng 0,5-1cm. Với phương pháp này, hạt muối to và trắng hơn so với phương pháp cũ.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông Phạm Văn Hiếu (thôn 7, xã Long Sơn) cho biết, điểm cơ bản khiến cách làm muối da rong khác với thông thường là lớp nền đất của ruộng muối. Đối với cách làm muối thông thường, các ô ruộng có nền là lớp đất được lu phẳng. Sau mỗi vụ, diêm dân lại thực hiện vệ sinh ô ruộng, lu phẳng đất. Trong khi đó, với phương thức làm muối da rong, từ đầu niên vụ, công đoạn đầu tiên cần thực hiện là tạo nên lớp nền da rong trong các ô ruộng. Ông Hiếu cho biết: “Khoảng đầu tháng 9, 10 Âm lịch, chúng tôi dọn lớp sình kết lại sau mùa mưa, sau đó phơi khô ô ruộng muối. Sau khoảng 2 ngày, diêm dân lăn nền ruộng cho thật cứng, phẳng rồi bơm nước mặn vào ô ruộng. Tùy điều kiện thời tiết, sau 20-30 ngày, mặt nền ruộng sẽ kết thành một lớp da rong. Đây là lớp màu trắng bạc trên nền ô kết tinh được phơi khô, cán xẹp xuống tạo thành lớp da phủ trên bề mặt ruộng, cứng như nền xi măng, có tác dụng như một màng sinh học dày khoảng 0,5-1cm”.

Theo diêm dân, làm muối bằng hình thức da rong có nhiều ưu điểm so với thông thường. Ông Trần Văn Sáng (thôn 7, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cho biết, sau khi làm được lớp da rong, việc làm đất, công đoạn vất vả nhất trong sản xuất muối sẽ nhẹ nhàng hơn. Theo đó, thay vì phải làm lại, lu phẳng đất sau từng vụ muối như thông thường, phương thức sản xuất muối da rong chỉ làm đất duy nhất đầu niên vụ. Nhờ có lớp da rong cứng, bền nên sau mỗi vụ muối diêm dân chỉ cần dọn sạch ruộng là có thể làm vụ tiếp theo. “Cùng với đó, lớp da rong sạch hơn nền đất nên muối sản xuất bằng phương pháp này có chất lượng cao, trắng sạch, nặng hơn muối sản xuất thông thường. Thương lái rất ưa chuộng loại muối da rong nên việc tiêu thụ luôn thuận lợi, giá cũng nhỉnh hơn muối thường đôi chút”, ông Sáng cho biết thêm.

NHÂN RỘNG SẢN XUẤT MUỐI DA RONG

Theo ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 220 hộ làm muối với diện tích 337ha, sản lượng  khoảng 23 ngàn tấn/niên vụ. Các diêm dân trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất bằng hình thức da rong nên chất lượng muối cao, có thương hiệu trên thị trường. Nghề này cũng giúp nhiều diêm dân có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, giá cả, người sản xuất muối trên địa bàn xã Long Sơn gặp nhiều khó khăn. Ông Bình cho biết: “Trước tình hình trên, chính quyền xã đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ diêm dân. Xã đã quy hoạch một số khu vực phù hợp để sản xuất mới để ổn định diện tích làm muối. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để diêm dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào các khâu trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của muối Long Sơn”.

Còn theo bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, thương hiệu “muối Bà Rịa” của tỉnh đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý và được ưa chuộng trên thị trường. Trong đó, muối da rong Long Sơn đóng góp vai trò quan trọng. Để nhân rộng mô hình sản xuất muối có hiệu quả cao này, Chi cục đã xây dựng mô hình “Thí điểm sản xuất muối da rong trên địa phận xã An Ngãi, huyện Long Điền”. Bà Hà cho biết: “Cùng với việc nhân rộng mô hình sản xuất muối da rong, để phát triển bền vững ngành sản xuất muối, ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Chúng tôi dự kiến có kế hoạch làm việc và hợp tác chặt chẽ trong khâu tiêu thụ đối với các hộ, DN làm nước mắm tại Phú Quốc (Kiên Giang). Cùng với đó, tỉnh cũng đang xây dựng chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; đồng thời, liên kết cùng bà con diêm dân tìm kiếm thị trường, tăng cường mối liên kết giữa các DN chế biến, tiêu thụ muối với bà con diêm dân”.  

Bài, ảnh: QUANG VINH

baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu