TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 25/4/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 306640
TRỒNG TRỌT
 
Hồ tiêu - thời vàng son bao giờ trở lại?
Từng là “vàng đen” giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, nhưng gần 3 năm qua, hồ tiêu rớt giá thê thảm. Các vườn tiêu trù phú giờ chỉ toàn xơ xác, hoặc đã được thay thế bởi những loại cây trồng khác.

Diện tích cây ăn trái tăng "nóng"
Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh “ồ ạt” chuyển qua trồng các loại cây ăn trái, khiến diện tích của loại cây này tăng “nóng”. Nguy cơ cung vượt cầu sẽ xảy ra nếu không có định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Hỗ trợ 500 triệu đồng cho Dự án "trồng măng cụt"
Ngày 9/11, tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức), Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã Xà Bang tổ chức giải ngân 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh cho 10 hội viên nông dân thực hiện dự án “Trồng cây măng cụt” 7,6ha tại ấp Bàu Sen, xã Xà Bang.

Hỗ trợ gần 40 triệu đồng giúp nông dân thoát nghèo
Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân tỉnh vừa phối hợp cùng Hội nông dân phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa, triển khai chương trình hỗ trợ, phát triển mô hình trồng rau ăn lá cho 3 hộ nghèo tại địa phương với tổng diện tích 3.000m2.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Nâng tầm giá trị nông sản từ truy xuất nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng đối với người sản xuất và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, HTX... Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ trồng măng tây
Chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng măng tây trên diện tích 7.000m2, gia đình chị Lương Thị Cẩm, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thu về khoảng 2 triệu đồng/ngày.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng nha đam
Với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao, nha đam đang là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều nông dân tại huyện Châu Đức.

Hướng đi an toàn, bền vững

Những năm gần đây, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) bước đầu đã tạo ra những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.



Tìm giải pháp phát triển bền vững cây công nghiệp
Nếu trước đây, các loại cây công nghiệp như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu đóng góp chủ lực vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, thì nay, do giá sụt giảm nên sức ảnh hưởng đã thấp đi đáng kể. Vấn đề đặt ra là lối đi nào cho các loại cây công nghiệp trong tương lai, để không rơi vào tình cảnh trồng rồi chặt, chặt lại trồng?

Làm gì để bù đắp sự thiếu hụt lao động nông nghiệp?
Giải pháp tối ưu nhất để bù đắp sự thiếu hụt lao động nông nghiệp chính là đẩy mạnh hiện đại hóa, cơ giới hóa.

Xà lách thanh nhiệt, an thần

Xà lách tác dụng giải nhiệt, giảm đau, lợi sữa, chủ trị suy nhược tâm thần... ăn kèm với các món nem, phở cuốn hoặc làm salad...



Tập huấn Quy trình trồng và kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ trên cây nhãn
Ngày 20/11, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh BR-VT) phối hợp với Hội nông dân tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn Quy trình trồng và kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ trên cây nhãn tiêu da bò tại huyện Xuyên Mộc. Tham dự lớp tập huấn có Thạc sĩ Vũ Thị Hà - Trung tâm Nghiện cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ – Báo cáo viên lớp tập huấn, cùng hơn 90 học viên là hội nông dân các huyện, thành phố, thị xã, các hội viên hội nông dân và các hộ nông dân trồng nhãn trên địa bàn huyện.

Lớp tập huấn nhằm giúp người nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chủ động được thời vụ, nâng cao hiệu quả và chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm cây nhãn tiêu da bò trên địa bàn tỉnh BR-VT.

 

Tại buổi tập huấn, bà con nông dân được giới thiệu các quy trình xử lý ra hoa và và ra hoa trái vụ trên cây nhãn tiêu da bò. Được trao đổi, hướng dẫn kiến thức về kỹ thuật xử lý khi ra hoa, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây nhãn các loại. Đồng thời, tham quan mô hình trình diễn quy trình xử lý ra hoa và ra hoa trái vụ trên cây nhãn tiêu da bò tại hộ dân Lê Thanh Hoá (Tổ 17, ấp 1, xã Hoà Hội, H.Xuyên Mộc, BR-VT).

 



KIM DINH CHUẨN BỊ VỤ HOA TẾT

Những cơn mưa rào bất chợt như lấy đi toàn bộ cát bụi của cả mùa gió trướng trên đất Kim Dinh, trả lại cho nơi đây vẻ xanh mướt của cỏ cây và sự tươi mát trong tiết trời. Dường như những cơn mưa luôn mang theo sự vội vã, tất bật trên những đôi tay người nông dân. Những đôi tay ngày đêm chăm sóc vun xới cho từng luống rau, từng vườn hoa, thì giờ đây càng khẩn trương hơn để che cho những luống rau đến ngày thu hoạch không bị rập nát, bảo vệ cho những mầm non mới chớm thêm cứng cáp để không bị tàn phá bởi những cơn mưa rào.

Phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa có diện tích 1.886.86ha với dân số  trên 11.000 người. trong đó dân cư sống bằng nghề nông nghiệp chiếm 60% và diện tích đất phục vụ nông nghiệp chiếm 80%. Số hội viên phụ nữ của Hội LHPN phường Kim Dinh là 2.416, trong đó số hội viên làm nông nghiệp chiếm 80%. Để đóng góp chung cho sự phát triển của địa phương chị em  phụ nữ Kim Dinh đã từng bước cố gắng phấn đấu tích cực lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc. Các chị cùng với gia đình không ngừng tìm hiểu các kỹ thuật mới, giống cây mới đưa về trồng tại địa phương để Kim Dinh luôn phát triển và đổi mới từng ngày.

Người ta đã quen với một Kim Dinh lung linh sắc vàng của hoa cúc, hoa thọ, một Kim Dinh rực rỡ sắc đỏ của hoa hồng, hoa mào gà mỗi khi Tết đến Xuân về. Nhưng có một Kim Dinh khác, rất khác được bao phủ bởi màu xanh mát của những vườn rau vườn hẹ, một Kim Dinh nhẹ nhàng, bình yên với những chậu bê tông được xếp thẳng hàng chờ giống hoa đến ngày gieo cấy.

 

Những em bé nô đùa bên  hàng chậu xếp ngay ngắn chờ ngày xuống giống

Đến với Kim Dinh một ngày tháng 8, mọi người sẽ thấy sự tất bật khẩn trương của vùng đất đặc thù sản xuất  nông nghiệp. Mọi người vẫn nói “ Kim Dinh chỉ đẹp mỗi mùa Tết nhờ những sắc hoa”. Nhưng với người dân Kim Dinh, vẻ đẹp của nơi này không chỉ bởi những sắc hoa Tết, mà nó đẹp bởi bản chất thật thà, chân chất của người dân nơi đây và đẹp bởi chính những bàn tay cần cù chịu khó bốn mùa vun tưới cho những vườn rau luôn xanh tốt và những vườn hoa đua nhau khoe sắc hương.

Để có được những chậu bông Tết rực rỡ, ngay từ đầu tháng 4 dương lịch những hộ trồng bông đã bắt đầu dọn vườn, đúc chậu. Để hạn chế chi phí và tranh thủ thời tiết của những tháng không mưa, các hộ dân đa phần tự trộn đảo bê tông và quay chậu. Một số giống cây trồng vào chậu nhựa sẽ được nhập về khi xuống giống

 

Những hộ dân đang tích cực đổ chậu phục vụ mùa Hoa Tết

Và khi mùa mưa xuống ( khoảng tháng 8 dương lịch) cũng là lúc người nông dân tất bật hơn với các công đoạn chính  làm đất và xuống giống bông. Qua tìm hiểu thì đất để trồng bông được pha trộn với tỷ lệ 1:1 các loại: Tro, Chấu, sơ dừa, phân bò đất, phân vi sinh. Để đất có chất lượng tốt nhất thì sau khi trộn sẽ ủ trong vòng 1 tháng và được che đậy tránh mưa, sau đó mới chia đất ra từng chậu nhỏ trước khi trồng cây giống.

Giống cây các loại được vận chuyển về từ Đà Lạt, Sa Đéc, và một số ít do người dân địa phương tự ươm hạt và gieo mầm. Để những chậu bông có chất lượng tốt nhất, thì công đoạn lựa giống vô cùng quan trọng. Các cây giống có thân to, đều nhau sẽ được ưu tiên lựa trước, việc phân loại cây giống đều sẽ giúp người nông dân có các hình thức chăm sóc khác nhau.

Không có những bông hoa khoe sắc, nhưng Kim Dinh luôn đẹp nhờ những bông hoa  luôn nở trên môi những người nông dân nơi đây chờ đón một mùa hoa Tết hứa hẹn nhiều khởi sắc.

                                                                             TTVH KIM DINH



Vùng bưởi Sông Xoài chờ "hốt bạc" vụ Tết

Hàng ngàn tấn bưởi da xanh Sông Xoài nức tiếng đang được nông dân chăm sóc kỹ càng, chuẩn bị tung ra bán mùa Tết. Có người sẽ thu về trên dưới 2 tỷ đồng. 

Vườn bưởi của gia đình anh Hồ Hoàng Kha ước đạt khoảng hơn 30 tấn trong dịp Tết Nguyên đán.
Vườn bưởi của gia đình anh Hồ Hoàng Kha ước đạt khoảng hơn 30 tấn trong dịp Tết Nguyên đán.

Những ngày này, vườn bưởi da xanh của anh Hồ Hoàng Kha (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) lúc lỉu quả, ước chừng trọng lượng đạt 1-1,5kg/trái. Vườn bưởi của anh Kha có hơn 2.500 cây. Anh Kha xử lý khoảng 1.500 cây cho vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Anh Kha cho biết, trồng bưởi Tết phải tính chính xác thời điểm cho ra bông, đậu trái. Nếu tính sai sẽ làm “lệch” việc thu hoạch, bưởi chín quá hay non quá đều không được. Vườn bưởi này được anh tuốt lá, bón phân và tưới nước từ tháng 4/2019. Theo tính toán của anh Kha, trung bình mỗi năm, vườn bưởi đạt năng suất 60 tấn, trong đó vụ Tết đạt hơn 30 tấn, giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg, anh thu về khoảng 1,5 - 1,8 tỷ đồng.

Hiện nay, bà con trồng bưởi ở Sông Xoài rất có kinh nghiệm xử lý bưởi trái vụ. Nhờ vậy nhà vườn có thể thu hoạch bưởi quanh năm. Riêng vụ Tết có giá bán cao hơn hẳn so với các vụ trong năm từ 20-30%, do vậy người trồng bưởi có thể thu tiền tỷ.

Ông Phạm Anh Ta (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài) cho biết: “Thời tiết năm nay khá tốt nên năng suất bưởi ổn định. Hơn 1,5ha với 400 gốc bưởi, trong đó có hơn 100 gốc phục vụ Tết, mỗi năm cho 2 vụ trước và sau Tết, cộng thêm 1 vụ trái mùa cũng giúp tôi có thu nhập từ 1,2 -1,5 tỷ/năm”.

Sông Xoài là một trong những địa phương có diện tích bưởi da xanh lớn nhất tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Xoài, từ một vài hộ trồng đơn lẻ, đến nay diện tích trồng bưởi đã tăng lên hơn 160ha, trong đó trọng điểm là ấp Phước Bình với 150ha, còn lại là các ấp Sông Xoài 1, Sông Xoài 2, Cầu Ri, Cầu Mới, ấp 3. Diện tích đang cho thu hoạch khoảng 60ha. Trái bưởi da xanh Sông Xoài được nhận xét chất lượng ngon, vị ngọt thanh, tép bưởi to, màu hồng đậm, khô ráo. Hiện bưởi da xanh rất được ưa chuộng trên thị trường.

Vườn bưởi của ông Phạm Anh Ta hiện quả đã đạt trọng lượng từ 1-1,5kg/quả, sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Vườn bưởi của ông Phạm Anh Ta hiện quả đã đạt trọng lượng từ 1-1,5kg/quả, sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo ước tính vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xã Sông Xoài sẽ cung cấp cho thị trường 1.000-1.500 tấn, riêng HTX Bưởi da xanh Sông Xoài khoảng 250-300 tấn bưởi. Ông Hồ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cho biết: Hiện HTX bưởi Sông Xoài có 135 thành viên với hơn 180ha diện tích. Với mô hình VietGAP, nông dân quen dần với hình thức ghi chép trong sản xuất, sử dụng phân, thuốc theo đúng thời gian, liều lượng nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm sau khi thu hoạch. Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài đã đạt được 4 tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP đề ra gồm: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc an toàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng ngoài nước, tuy nhiên sản lượng còn ít nên HTX đang có kế hoạch mở rộng số lượng thành viên sản xuất bưởi VietGAP để nâng tổng diện tích trồng bưởi theo chuẩn an toàn lên cao hơn nữa. Khi đó, sản lượng bưởi của HTX mới đủ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nền tảng giúp bưởi Sông Xoài có thể vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: KIM HỒNG



Kỳ vọng vào vụ hoa Tết

Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, do vậy thời điểm này các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh đang tất bật chăm sóc hoa để kịp “tung” những sản phẩm hoa đạt chất lượng phục vụ thị trường Tết.

Nhân công chăm sóc vườn hoa gia đình ông Phạm Hoàng Cung, thôn Phước Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ.
Nhân công chăm sóc vườn hoa gia đình ông Phạm Hoàng Cung, thôn Phước Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ.

Vụ hoa Tết luôn được kỳ vọng thu lãi cao hơn cả, do đó vào mùa trồng hoa Tết, bà con nông dân thường chuyển đổi diện tích trồng rau sang trồng hoa. Những ngày này, trên những cánh đồng của xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ), bà con nông dân đang tất bật chăm sóc vườn hoa chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết. 3 ngày qua, trên cánh đồng hoa có diện tích hơn 1ha của gia đình ông Phạm Hoàng Cung, thôn Phước Hải luôn có 10-15 người liên tục làm các công đoạn như chăm bón, phủ lưới, làm đất, bón phân, tỉa cành để có hoa to và đẹp, đồng thời “canh” thời tiết để áp dụng biện pháp phù hợp “ép” cho 10.000 chậu các loại hoa nở đúng dịp Tết.

Ông Phạm Hoàng Cung cho biết: Giống như những năm trước, cúc đại đóa là loại hoa hút hàng trong mỗi dịp Tết. Loại cây này từ khi gieo trồng đến ra hoa khoảng 5 tháng, nên gia đình ông đã xuống giống từ tháng 8/2019. Hiện ông đã dừng việc chong đèn để chuẩn bị cho hoa ra nụ, sau khoảng 1 tuần nữa sẽ tiến hàng cắt tỉa nụ. Mỗi chậu hoa như vậy ông chỉ để lại các nụ chính, cắt bỏ các nhánh và nụ nhỏ. “Vụ hoa Tết năm ngoái, gia đình tôi xuống giống 10.000 chậu cúc đại đóa, với giá bán từ 100 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/chậu (tùy loại nhỏ, vừa, lớn) tôi thu về gần 1 tỷ đồng. Do đó, tôi rất kỳ vọng vào vụ hoa Tết năm nay bởi thời tiết khá thuận lợi, cúc phát triển tốt, không bị sâu bệnh”, ông Cung cho biết thêm.

Cùng thời điểm này trên cánh đồng hoa ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ đã được phủ một màu xanh mướt của các loại hoa vạn thọ, cát tường, cẩm nhung, cúc đại đóa... Để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, ngoài những loại hoa truyền thống, năm nay các hộ nông dân còn trồng thêm các loại như hoa lay-ơn, ly… Tuy chi phí đầu tư cao, nhưng các loại hoa này nở nhiều và đẹp, ít sâu bệnh, giá trị kinh tế cao và rất hút hàng. Ông Nguyễn Văn Hôm, ấp Phước Trung cho biết, vụ hoa Tết năm nay gia đình ông trồng khoảng 30.000 chậu với trên 10 loại hoa như: cúc, cát tường, vạn thọ, dạ yến thảo…. Để hoa đạt chất lượng cao, bông to, thân mập cần chăm sóc kỹ ngay từ tháng đầu tiên xuống giống. Cây hoa được chăm chút cẩn thận, bông to đẹp, thân khỏe, thương lái sẽ thu mua tại vườn với giá cao hơn. Vì vậy, ông Hôm đã phải thuê 20 nhân công chăm sóc hàng ngày như tỉa nhánh, bấm ngọn, tạo dáng, tưới nước, bón phân… Hiện cũng đã có nhiều thương lái đến đặt hàng để chờ đến dịp Tết mang đi tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Khoảng từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp, tức trước Tết Nguyên đán một tuần, là thời gian xuất hoa.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm nay toàn tỉnh có 120ha diện tích trồng hoa Tết, tập trung tại một số địa phương như TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ. Những năm gần đây, nông dân trồng hoa từng bước thay đổi tập quán canh tác, hướng đến phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao như đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, phun tưới tự động… Ngoài các loại hoa truyền thống, những năm gần đây tại huyện Long Điền đã có hơn 20 vườn lan, quy mô mỗi vườn từ 50.000- 60.000 chậu với đủ các loại lan như: Ngọc điểm, hồ điệp, dendro…, đáp ứng nhu cầu chơi hoa Tết của người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở NN-PTNT khuyến cáo, hiện đang là thời điểm quan trọng của vụ hoa Tết, người trồng hoa cần theo dõi diễn biến thời tiết, chú ý xử lý tốt độ ẩm của đất,  kê chậu lên giá thể cao, tránh để hoa bị úng rễ. Đồng thời, cần thực hiện tốt khâu phòng trừ sâu bệnh và bảo đảm dinh dưỡng cho hoa, thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng qua từng giai đoạn để có hoa đẹp, đạt chất lượng phục vụ thị trường Tết 2020.

Bài, ảnh: KIM HỒNG



Biến động giá cả là thách thức lớn nhất của hồ tiêu

Ngày 12/11, tại TP.Vũng Tàu đã diễn ra hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 47 (IPC). 400 đại biểu là các DN, nhà xuất nhập khẩu và nông dân trồng tiêu trong nước và 25 quốc gia là thành viên của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế đã cùng tham dự, bàn giải pháp nhằm hướng đến phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Theo các đại biểu, một trong những thách thức lớn nhất của hồ tiêu hiện nay là sự biến động giá cả theo chiều hướng bất lợi cho nông dân.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (bên trái) và ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giải thưởng nông dân trồng hồ tiêu xuất sắc năm 2018 của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế cho nông dân Phan Văn Lý (Bình Phước).
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (bên trái) và ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giải thưởng nông dân trồng hồ tiêu xuất sắc năm 2018 của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế cho nông dân Phan Văn Lý (Bình Phước).

SẢN LƯỢNG TĂNG CAO

Hội nghị IPC lần thứ 47 diễn ra trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên thế giới đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi về giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường và tình trạng sâu bệnh phá hoại cây trồng khó kiểm soát. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng và 60% thị phần thương mại toàn cầu. Các vùng trồng hồ tiêu của Việt Nam tập trung chủ yếu tại một số tỉnh như: BR-VT, Đồng Nai, Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông, Quảng Trị và Phú Quốc đã tạo kế sinh nhai cho hơn 200.000 nông hộ. Tính đến hết quý III/2019, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt gần 250.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 567,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2018, lượng xuất khẩu tăng 26,3% tương đương 46.522 tấn. Tính theo khu vực, châu Á là khu vực tăng mạnh nhất cả về số lượng và thị phần, từ 92.169 tấn lên 126.602 tấn, tăng 4,5% lên 56,7%; châu Mỹ tăng 3.575 tấn lên 38.085 tấn, chiếm 17,1%.

Năng lực chế biến hồ tiêu của Việt Nam cũng được cải tiến đáng kể, công nghệ chế biến đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Một số DN trong nước đã xây dựng được nhà máy chế biến công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm đa dạng như: tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ. Đó là một trong những yếu tố giúp cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đứng vững trong bản đồ xuất khẩu tiêu trên thế giới.

Hiện nay, các khâu thu hoạch, sơ chế tiêu đều được làm thủ công nên năng suất thấp, tỷ lệ hao hụt cao. Trong ảnh: Phơi hồ tiêu tại vườn của ông Phạm Văn Ánh, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức.                                       Ảnh: QUANG VINH
Hiện nay, các khâu thu hoạch, sơ chế tiêu đều được làm thủ công nên năng suất thấp, tỷ lệ hao hụt cao. Trong ảnh: Phơi hồ tiêu tại vườn của ông Phạm Văn Ánh, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH

Đối với ngành tiêu của BR-VT, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 13.122ha trồng hồ tiêu, tăng 6.138ha so với năm 2010, năng suất bình quân 1,85tấn/ha. Trong đó, huyện Châu Đức và Xuyên Mộc là vùng hồ tiêu tập trung của tỉnh, với diện tích là 12.444ha, chiếm 94,83% diện tích trồng tiêu toàn tỉnh. Đây là những vùng sản xuất hồ tiêu có nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu. Xác định cây tiêu là một trong những cây chủ lực của tỉnh, từ năm 2011, tỉnh đã xây dựng, quy hoạch, phát triển hồ tiêu của tỉnh đến năm 2020, hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh có khả năng phát triển ổn định là 10.000ha. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh tiếp tục xác định hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích quy hoạch ổn định là 12.600ha. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bảo đảm năng suất vừa phải, chất lượng cao gắn với chứng nhận VietGAP. “Để đẩy mạnh thương hiệu và chất lượng hồ tiêu, tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý hồ tiêu của tỉnh. Đến nay đã có 1.225ha với 1.165 hộ được chứng nhận tiêu chuẩn SAN, Global GAP. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để người nông dân sản xuất đúng quy trình, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu, quy mô hàng hóa lớn; tăng diện tích và sản lượng hồ tiêu có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, gắn với xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tăng lợi thế cạnh tranh ngành hàng, bảo đảm phát triển bền vững, ổn định”, ông Lê Tuấn Quốc nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng sản xuất tiêu sạch.  Trong ảnh: Chăm sóc hồ tiêu hữu cơ tại thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức.
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng sản xuất tiêu sạch. Trong ảnh: Chăm sóc hồ tiêu hữu cơ tại thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức.

TĂNG CƯỜNG CANH TÁC HỮU CƠ

Ngành hồ tiêu đang đứng trước 2 thách thức lớn về chất lượng và biến động giá cả rất mạnh. Cụ thể từ mức giá thương mại 10 USD/kg trong thập kỷ qua, nhưng đến nay chỉ còn 2 USD/kg. Nguyên nhân là do khi giá hồ tiêu tăng cao, nông dân đã mở rộng diện tích canh tác ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu và đẩy giá giảm mạnh. Tuy nhiên, trước thực tế nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vẫn rất lớn, vì không chỉ sử dụng trong ngành thực phẩm gia vị mà hồ tiêu còn sử dụng trong ngành mỹ phẩm làm đẹp. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu, nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa yêu cầu của thị trường hồ tiêu toàn cầu.

Theo ông Dirk Haucap, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Fuchs Group cho biết, tập đoàn hiện cung cấp khoảng 8.000 dòng sản phẩm gia vị, thực phẩm đến 11 quốc gia trên thế giới, vì vậy, việc quản lý và phân phối theo chuỗi giá trị là cần thiết vì thông qua đó sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Hiện nay mỗi quốc gia có quy định riêng về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, vì vậy, người nông dân, DN cũng cần phải tuân thủ các tiêu chí đó như: bảo đảm sản phẩm tốt cho sức khỏe, các điều kiện phúc lợi, tiêu dùng có trách nhiệm, sản xuất có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, minh bạch về truy xuất nguồn gốc… “Để thực hiện việc kiểm soát theo chuỗi, chúng tôi thu thập các dữ liệu liên quan đến quá trình canh tác như số cây, nước, thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành khảo sát thực tế tại các vườn trồng tiêu và có đánh giá, chứng nhận. Sau đó quản lý truy xuất nguồn gốc trên các dữ liệu đã được kiểm chứng, công nhận”, ông  Dirk Haucap nói.

Chương trình hội nghị kéo dài từ ngày 12 đến 14/11, tập trung vào các nội dung Hội nghị các nhà xuất khẩu; Hội nghị về kỹ thuật; Hội nghị các nhà xuất, nhập khẩu; triển lãm của các DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực hồ tiêu; đồng thời tổ chức các đoàn đại biểu quốc tế tham quan, khảo sát thực tế các mô hình trồng tiêu tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

Ông Phan Văn Lý (tỉnh Bình Phước, nông dân trồng hồ tiêu xuất sắc năm 2018 do Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế bình chọn) đã có hơn 20 năm trồng tiêu cho biết, gia đình ông có 6ha tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ, với sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 20 tấn. Ban đầu việc thực hiện canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ gặp nhiều khó khăn, nhưng qua quá trình tự tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn, ông nhận thấy được tầm quan trọng của việc sản xuất tiêu sạch trên thị trường thế giới. Từ nhận thức đó, ông đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm không tồn dư các chất bảo vệ thực vật. “Nhờ tham gia CLB tiêu sạch của Công ty Hà Lan, tôi được hướng dẫn, kiểm tra các quy trình canh tác nên năm 2018, sản phẩm tiêu của gia đình đạt 100% sản lượng an toàn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu”, ông Lý nói thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU



Hiệu quả từ mô hình trồng tre lấy măng

Những năm gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc đã tận dụng diện tích đất ven kênh thủy lợi, đất trũng không trồng được các loại cây ăn trái để trồng tre lấy măng. Ghi nhận tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc cho thấy, mô hình này mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ.

Ông Nguyễn Duy Quang (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) thu hoạch măng.
Ông Nguyễn Duy Quang (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) thu hoạch măng.

Tận dụng 1ha đất ven tuyến kênh dẫn nước từ hồ chứa Sông Ray, cách đây 3 năm, ông Nguyễn Duy Quang (ở thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) đã đầu tư gần 300 triệu đồng xây hồ chứa nước, hệ thống bơm tưới, thuê nhân công làm đất để trồng 630 gốc tre mạnh tông và tre điền trúc lấy măng tại địa bàn xã Suối Rao. Theo ông Quang, trồng tre lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bón phân mỗi năm 2 lần. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật. 

Trung bình mỗi ngày ông Quang thu 50kg măng, với giá bán dao động từ 15-35 ngàn đồng/kg, tùy thời điểm. Mô hình này đã giúp gia đình ông có thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. “Để có măng trái mùa, hết mưa tôi dọn cây, vô phân rồi tưới nước. Kỹ thuật trồng tre lấy măng khá đơn giản, chỉ cần siêng năng chăm sóc sẽ cho thu hoạch tốt. Măng được thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 9. Sau đó dưỡng cây, cho lên cây tơ, hết mùa mưa thì làm lại vụ mới”, ông Quang chia sẻ.

Tương tự, hộ ông Mai Văn Dũng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cũng có nguồn thu nhập khá từ mô hình trồng tre lấy măng. Ông Dũng cho biết, 6 sào đất của gia đình ông cằn cỗi, lại ẩm ướt, không trồng được hoa màu và các loại cây ăn trái nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được Hội Nông dân xã Phước Thuận khuyến khích, năm 2015, ông mạnh dạn đầu hơn 120 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới, khoan giếng, mua tre giống, phân bón… triển khai mô hình. Hiện nay, gia đình ông Dũng thu nhập trung bình mỗi ngày 1 triệu đồng từ măng. Theo ông Dũng, măng tre tứ quý được người tiêu dùng ưa chuộng, nên các thương lái ở Bà Rịa và thị trấn Phước Bửu vào tận vườn thu mua. “Đất này khô cằn lắm, hồi trước tôi trồng cỏ nuôi bò nhưng không hiệu quả. Sau một năm trồng tre cho thu hoạch măng, gia đình tôi bỏ hẳn nuôi bò, tập trung chăm sóc và thu hoạch măng. Mỗi ngày, vườn tre tứ quý của nhà tôi cho thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng từ măng và thu hoạch suốt năm”, ông Dũng nói.

Gia đình ông Mai Văn Dũng (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày từ 6 sào tre tứ quý lấy măng.
Gia đình ông Mai Văn Dũng (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày từ 6 sào tre tứ quý lấy măng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa hình các xã Xuân Sơn, Phước Thuận vào mùa mưa thường ngập úng nhiều nơi, bà con không thể trồng loại cây nào khác. Với mô hình trồng tre lấy măng, người nông dân không những khai thác hiệu quả được diện tích đất, mà còn có thu nhập ổn định. Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) có 8 hộ trồng tre lấy măng, với diện tích hơn 10ha; còn tại xã Phước Thuận có 4 hộ trồng tre lấy măng, diện tích hơn 3ha. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn xã Xuân Sơn và Suối Rao có một số hộ gia đình trồng tre lấy măng. Nhờ đầu ra ổn định, bà con nông dân có thu nhập khá so với các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều, mì…

Mô hình trồng tre lấy măng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con chỉ nên áp dụng trên các vùng đất ven suối, đất trũng, cằn cỗi không trồng được cây ăn trái và không nên trồng đại trà để tránh ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG



Trái bơ vào mùa thu hoạch

Hiện nay, người trồng bơ trên địa bàn huyện Châu Đức đang bước giai đoạn thu hoạch chính vụ, trong khi giá cả mặt hàng này trên thị trường hiện khá tốt cho bà con nông dân. Cụ thể, giá bơ sáp được thương lái mua tại vườn khoảng 50 ngàn đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với vụ mùa 2018. 

HTX Nông nghiệp Thái Dương (huyện Châu Đức) có hơn 5ha trồng bơ sáp dẻo, cơm vàng.
HTX Nông nghiệp Thái Dương (huyện Châu Đức) có hơn 5ha trồng bơ sáp dẻo, cơm vàng.

Theo anh Nguyễn Cảnh Thái Dương, Giám đốc HTX nông nghiệp Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức), vài năm gần đây, bơ sáp dẻo cơm vàng được người tiêu dùng ưu chuộng, đặc biệt ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định, BR-VT…

Mặc dù được giá nhưng các hộ nông dân cho biết, năng suất bơ năm nay thấp hơn năm ngoái do thời tiết bất lợi, khiến hoa rụng nhiều, kết trái ít.

HTX Nông nghiệp Thái Dương hiện canh tác hơn 5ha bơ sáp, nếu như vụ mùa 2018, thu hoạch 10 tấn/ha, thì năm nay năng suất giảm chỉ còn khoảng 7 tấn/ha, ước tính thất thu hơn 120 triệu đồng/ha. Tuy thời tiết bất lợi, nhưng nhờ trồng bơ theo tiêu chí xanh, chỉ dùng phân hữu cơ và thuốc sinh học để chăm sóc trong suốt quá trình phát triển của cây nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá bơ sáp dao động ở mức 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Giá bơ sáp dao động ở mức 50.000 - 80.000 đồng/kg.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, trong bối cảnh giá tiêu xuống thấp thì bơ là loại cây trồng đem lại thu nhập ổn định nên được nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Đức chọn làm cây trồng phát triển kinh tế. Đến nay huyện Châu Đức có hơn 300ha trồng bơ với năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha/năm, chủ yếu tập trung ở các xã Xà Bang, Kim Long, Láng Lớn… Ngoài việc canh tác thuần, các nông hộ còn mở rộng diện tích trồng xen kẽ cây bơ trong vườn cà phê để tăng thêm năng suất và cải tạo môi trường.

Thực hiện: ĐINH HÙNG



Nông dân hết mặn mà với cây cà phê
Thời điểm này, các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh đang rộ vụ thu hoạch. Tuy nhiên, sản lượng cà phê năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Không những vậy, giá cà phê cũng giảm mạnh ngay từ đầu vụ khiến bà con gặp nhiều khó khăn. Liên tiếp nhiều vụ mùa không thuận lợi, nông dân hầu như đã hết mặn mà với cây cà phê.
 
Ông Đỗ Kế, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thu hoạch cà phê.
Ông Đỗ Kế, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thu hoạch cà phê.

Ông Đỗ Kế, thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang trồng 2,5ha cà phê. Vụ thu hoạch năm 2018, ông Kế thu được hơn 4 tấn cà phê, tuy nhiên, năm nay năng suất cà phê giảm mạnh, chỉ còn chưa đến 3 tấn. Ông Kế nhận định: “Nguyên nhân chính khiến cà phê mất mùa là thời tiết không thuận lợi. Năm nay mưa sớm, nhưng đến tháng 10 lại không có mưa mà nắng kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê ở giai đoạn quả kết nhân. Ngoài ra, đa số các cây cà phê trong vườn đều đã già cỗi. Giá giảm, tiền phân bón tăng, nên tôi không đầu tư chăm sóc nữa”.

Cùng với việc năng suất không đạt như kỳ vọng, giá cà phê cũng giảm mạnh so với năm ngoái. Gia đình ông Vương Khả Phú, thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức có 2ha trồng cà phê xen canh đang bước vào vụ thu hoạch. Ông Phú cho biết, thương lái chỉ đang thu mua loại nông sản này với giá 31-32 ngàn đồng/kg, thấp hơn 3-4 ngàn đồng/kg so với năm 2018.

Đà sụt giá của cà phê trên thực tế đã kéo dài trong suốt 4 năm qua. Nếu như cùng thời điểm này của năm 2016 cà phê có giá 45 ngàn đồng/kg, năm 2017 là 38 ngàn đồng/kg, năm 2018 là 34-35 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ là 31-32 ngàn đồng/kg. Ở chiều ngược lại, chi phí sản xuất ngày càng tăng lên. Ví dụ như giá nhân công thu hái hiện nay đã lên đến 220 ngàn đồng/ngày, tăng 20% so với năm ngoái. Chi phí phân bón cũng tăng 30-40% trong vòng ít năm.

Ghi nhận từ các DN cho thấy, nguyên nhân giá cà phê đầu vụ giảm sâu là do từ nhiều tháng nay, xuất khẩu cà phê gặp khó khăn khi thị trường lớn là Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch, các thị trường khác cũng đã bão hòa do trước đó tăng nhập khẩu. Hiện cà phê lại đang vào niên vụ thu hoạch mới càng gây áp lực lên thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, những năm gần đây, giá cà phê luôn ở mức thấp, lại thêm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của loại cây này. Điều này đã khiến nhiều nông dân nản lòng, không còn mặn mà đầu tư trồng mới cà phê, thậm chí chặt bỏ. Đến nay, diện tích cà phê toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5.040ha, giảm gần 600ha so với năm 2018, năng suất trung bình đạt gần 19 tạ/ha. Trong thời điểm này, phần lớn diện tích này được bà con nông dân chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Về lâu dài, tỉnh sẽ không tăng diện tích cà phê mà chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích cà phê hiện có, đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững cũng như khuyến khích phát triển cây cà phê đặc sản.

QUANG VINH - NGỌC BÍCH



Giá thanh long trái vụ giảm mạnh

Tin từ các hộ trồng thanh long tại huyện Xuyên Mộc cho biết: Hiện tại, giá thanh long nghịch vụ chỉ còn từ 5.000-7.000 đồng/kg. Cách đây khoảng một tháng, giá loại trái cây này vẫn giữ ở mức trên 10.000 đồng/kg, nhưng sau đó thì liên tục rớt giá.Với giá như hiện tại, người trồng thanh long đang bị thua lỗ nặng do đang là thời điểm nghịch mùa chi phí đầu tư tăng cao.

Được biết, nguyên nhân giá loại trái cây này rớt giá là do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. Hiện các đơn vị thu mua bên Trung Quốc đặt hàng rất ít, khiến giá trái thanh long bị sụt giảm liên tục.

KIM HỒNG



Hiệu quả từ mô hình trồng cỏ nuôi bò

(TNNN) – Để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi bò, người nuôi cần tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là trồng các loại cỏ cao sản để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò, như vậy mới giữ được đàn bò.



Vườn hoa của bà Nguyễn Thị Ngọc Luyến

1. Tên sản phẩm:

    - Hoa cuc, đại đóa, vạn thọ, màu gà...

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống ở các đại lý trong nước



Ruộng lúa của ông Trần Phúc Lang

1. Tên sản phẩm:

    - Lúa

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống tại địa phương


Ruộng lúa của ông Vũ Văn Minh
Chuyên trồng và cung cấp lúa tại nhà

Vườn rau của bà Vũ Thị Liên

Cung cấp rau cải các loại



Vườn rau của bà Nguyễn Thị Miên

Cung cấp rau cải các loại



Vườn rau của ông Đỗ Văn Sơn

Cung cấp các loại rau cải



Vườn rau của ông Phạm Văn Khéo

Cung cấp rau các loại



Vườn rau của ông Trần Văn Thiên
Chuyên trồng và cung cấp rau các loại

Vườn rau của ông Đỗ Văn Bào

Chuyên trồng và cung cấp các loại rau xanh



Ruộng lúa của bà Nguyễn Thị Nguyệt

Chuyên trồng và cung cấp lúa gạo



Ruộng lúa của bà Nguyễn Thị The

1. Tên sản phẩm:

    - Lúa

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống tại địa phương
3. Môi trường sống: 
    - Đất ruộng



Ruộng lúa của bà Lê Yến

1. Tên sản phẩm:

    - Lúa

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống tại địa phương
3. Môi trường sống: 
    - Đất ruộng



Ruộng lúa của ông Phạm Văn Cường

1. Tên sản phẩm:

    - Lúa

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống tại địa phương
3. Môi trường sống: 
    - Đất ruộng



Ruộng lúa của ông Vũ Văn Đa

1. Tên sản phẩm:

    - Lúa

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống tại địa phương
3. Môi trường sống: 
    - Đất ruộng

4. Đề kháng: 
    - Kháng rầy



Ruộng lúa của ông Vũ Văn Minh

1. Tên sản phẩm:

    - Lúa

2. Nguồn gốc: 
    - Mua giống tại địa phương
3. Môi trường sống: 
    - Đất ruộng

4. Đề kháng: 
    - Kháng rầy



  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu