Thời gian qua, bưởi da xanh là một trong những loại trái cây luôn giữ được giá cả ổn định cũng như sự ưa chuộng của thị trường. Giống bưởi da xanh, trước tiên được trồng ở Chợ Lách, Bến Tre đã được nhân rộng nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân. Ông Chín Bé, người đã làm giàu từ 5 công bưởi da xanh trong vài năm gần đây ở Vĩnh Long chia sẻ kinh nghiệm:
Chuẩn bị đất: đất trồng bưởi yêu cầu đủ nước tưới vào mùa nắng và thoát nước tốt khi mưa nhiều. Trước khi trồng cần lên liếp, bề ngang liếp 4 m, dài tùy theo ruộng. Giữa các liếp được ngăn bởi mương bề ngang 1 m, sâu 1 m, mương được thông với sông hoặc kênh rạch đảm bảo đủ nước tưới khi cần và thoát nước tốt vào mùa mưa. Mặt liếp cần cao hơn đỉnh lũ cao nhất hàng năm 50 cm. Trên liếp cách 4 - 5 m đào một hố tròn có đường kính 1,2 m, sâu 30 cm. Trước khi đặt cây giống cần tạo mô gồm đất đã cuốc lên phơi cho khô trộn đều với 10 kg phân hữu cơ hoai. Chính giữa đỉnh mô móc lỗ sâu 0,2 m rải vôi bột lót đáy phân lân rồi đặt cây bưởi vào phủ đất lại, cắm cọc buộc dây không cho cây lung lay khi dông gió, cắm tàu dừa hai bên che mát, ngày tưới 2 lần. Mô hơi lõm ở giữa để sau này bón thêm phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, phủ quanh gốc bằng các loại phân xanh, rơm rạ cho mát gốc.
Thời điểm trồng tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Qua mùa mưa, cây bưởi phát triển khá tốt nhờ nguồn nước trời. Lặt bỏ tất cả trái non trong năm đầu, năm thứ hai có thể chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba giữ trái vừa phải; số trái giữ lại, tăng dần vào những năm sau.
Chăm sóc: theo ông Chín Bé, nên chăm sóc bộ rễ thật tốt để nuôi cây tốt. Khoảng hai tháng sau khi trồng, khi cây châm rễ, bắt đất, ngâm phân DAP 18-46-0 cho tan sền sệt, dùng 1 muỗng canh pha thùng 8 - 10 lít nước, tưới khi lá già. Gần một năm tuổi khi cây phát triển khá, bắt đầu đào hộc xung quanh chân mô theo hình tròn, chiều ngang 0,4 m, sâu từ 0,3 - 0,4 m, lấy đất bỏ ra ngoài, tận dụng cỏ vườn, rơm rác mục, xơ dừa, trấu mục, phân chuồng cho vào đầy hộc, lấp đất lại để tạo độ tơi xốp cho rễ phát triển nhanh. Đây là cách làm đơn giản nhưng giúp cây phát triển nhanh và giúp cho vườn cây có tuổi thọ cao, chậm lão hóa.
Khi cây được 3 năm tuổi, đủ điều kiện cho trái, trước khi xử lý ra hoa, bón mỗi gốc bưởi 2 kg phân NPK 16-16-8-13 S và 1 kg phân hữu cơ vi sinh, chờ đến đầu mùa nắng gắt vào đầu tháng 2 âm lịch, ngưng tưới trong vòng 3 tuần và ngăn nước dưới mương cạn cho rễ bưởi không hút nước, chờ lá cây hơi héo là bắt đầu tưới nước trở lại ào ạt mỗi ngày 2 lần trong 4 ngày. Kế đến mỗi ngày tưới 1 lần, bưởi bắt đầu ra chồi non (đọt), thì phun thêm chế phẩm phân bón lá NKP (0-52-34) cho lá non mau thành thục. Khoảng 20 ngày sau cây sẽ ra hoa, lúc bấy giờ cần tưới cách ngày để hoa nở đều rụng cánh và đậu trái non, khi trái non có đường kính khoảng 2 cm thì phun ngừa sâu vẽ bùa và nhện đỏ bằng thuốc décis + vicarsen mỗi loại 5 cc cho bình 8 lít, cứ 10 ngày phun 1 lần.
Khi trái bưởi được 2 tháng tuổi, nuôi trái bằng cách bón mỗi gốc bưởi 1 kg phân NPK 16-16-8-13 S, với cây mang nhiều trái phải tăng lượng phân trên. Khoảng 3 tháng nữa đến ngày thu hoạch, phun phân bón lá grow 3 lá xanh loại 20-30-20 lên trái và lá để bưởi mỏng vỏ ruột nở to, múi bưởi có nhiều nước, đồng thời bón thêm phân bón Con cò loại NPK 7-7-14. Liều dùng 2 kg/gốc nhằm tăng năng suất và chất lượng trái, tạo cho da trái có màu xanh mượt mà tươi đẹp.
Thu hoạch: nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuống trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt.
Với cách chăm sóc như trên, hiện vườn bưởi nhà ông Chín Bé đang độ tuổi cho trái sai. Cây 5 năm tuổi, mỗi năm mang trung bình từ 50 - 60 trái, những cây tốt có tán lá rộng mang tới 80 trái lớn nhỏ. Trọng lượng trung bình khoảng 2 kg/trái. Mấy năm qua, vườn bưởi của ông luôn bán được giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cho thu nhập 120 - 130 triệu đồng, trừâ chi phí còn thực lãi khoảng trên 100 triệu đồng.