Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhóm bệnh lây lan rất nhanh, rất rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến chăn nuôi gia cầm. Bệnh được Tổ c hức thú y quốc tế (OIE) xếp vào bảng A danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Căn bệnh
Bệnh cúm gia cầm là một bệnh do virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm được chia thành ba nhóm A, B và C. Nhóm A bao gồm tất cả các loại virus cúm gây bệnh trên gia cầm và hầu hết có thể gây bệnh trên người. Virus cúm gia cầm có nhóm độc lực cao (HPAI) và nhóm độc lực thấp (LPAI) dựa trên khả năng gây bệnh cho gia cầm. Nhóm độc lực thấp không phải là mối đe dọa nghiệm trọng, thường chỉ gây bệnh nhẹ hoặc con vật không có biểu hiện bệnh. Nhóm độc lực cao thường gây bệnh nặng ở gia cầm nuôi với tỷ lệ tử vong cao.
Virus cúm được chia thành nhiều phân nhóm phụ dựa trên hai kháng nguyên có trên bề mặt virus, là Haemaglutinin (H) và Neuraminidase (N). Có 16 loại kháng nguyên H và 9 loại N đã được công nhận, và từ sự kết hợp hai loại kháng nguyên trên tạo ra nhiều chủng virus cúm khác nhau. Chỉ một số trong hai nhóm loại virus cúm gia cầm, H5 và H7, được biết là loại virus có độc lực cao, không phải tất cả các virus cúm H5 và H7 có khả năng gây bệnh. Hai loại H5 và H7 trên có thể gây bệnh ở gia cầm và một số chủng loài chim, bệnh gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng và tỷ lệ tử vong có thể đạt 100 phần trăm trong vòng 48 giờ. Chủng quan tâm nhiều hiện nay là H5N1.
Đường lây truyền
Sự lan truyền bệnh do trực tiếp lây truyền từ con nhiễm bệnh cho con khỏe hoặc gián tiếp thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh.
Loài mắc bệnh: Gia cầm, thủy cầm, các loài chim, trong đó gia cầm nhạy cảm với bệnh nhất. Người và một số động vật có vú cũng có thể mắc bệnh.
Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài tuần, gia cầm có triệu chứng viêm đường hô hấp và xuất huyết ở nội tạng và tổ chức dưới da.
Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, độc lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc bệnh và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao có thể chết đến 90-100%. Trên gia cầm thường bệnh nặng còn thủy cầm có triệu chứng nhẹ hơn.
Gia cầm bệnh có thể có những biểu hiện:
- Sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, mào tích thâm, tím tái.
- Hô hấp: khó thở, chảy nhiều dãi, nước mũi, ho hen, há mỏ thở
-Tiêu hóa: tiêu chảy phân xanh vàng, phân xanh, phân lẫn máu.
-Sinh sản: giảm đẻ hoặc ngưng đẻ trứng hoàn toàn
-Thần kinh: co giật, ngoẹo cổ, mất thăng bằng đi lại xiêu vẹo
Phòng bệnh
Khi xảy ra bệnh người chăn nuôi cần thông báo với cơ quan thú y và tiến hành tiêu hủy toàn đàn đúng theo quy định thú y.
Để phòng bệnh xảy ra các trại chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh lây lan vào trại như: mua con giống khỏe mạnh từ cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh, cung cấp thức ăn nước uống đầy đủ theo nhu cầu dinh dưỡng từng loại giống, lứa tuổi, môi trường chuồng trại chăn nuôi phù hợp đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm,.. thích hợp cho gia cầm nuôi. Vệ sinh sát trùng chuồng trại định kỳ, áp dụng quy trình tiêm phòng đầy đủ. Chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư, áp dụng theo quy trình nuôi cùng vào cùng ra, nuôi khép kín, ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi với gia cầm hoang dã, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan...
Đối với người chăn nuôi cần đảm bảo vệ sinh như luôn rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm cần phải có trang phục bảo hộ khi vào trại, tuân thủ quy định vệ sinh trong chăn nuôi.