Thuốc kháng sinh, máy trợ tim hay túi trà lọc… tình cờ được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là những phát minh ra đời một cách ngẫu nhiên:
Thuốc kháng sinh Penicillin
Nhà vi khuẩn học Alexander Fleming lần đầu tiên tìm ra ra cơ chế của thuốc kháng sinh khi trở về từ kỳ nghỉ phép. Ông nhận thấy một trong các đĩa nuôi cấy vi khuẩn bị nấm lạ xâm nhập. Ông khám phá ra rằng nấm đã ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Phát hiện này mở đường cho nhiều nghiên cứu và thử nghiệm sau đó, cho đến khi thuốc kháng sinh ra đời và được sử dụng khắp nơi.
Vật liệu dẻo
Charles Goodyear tình cờ đun nóng một thứ hỗn hợp gồm cao su và lưu huỳnh trong khi nghiên cứu. Nhờ đó, ông đã khám phá ra một loại vật liệu mới, mà ngày nay đang được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
Máy trợ tim
Máy tạo nhịp tim hiện đại ra đời từ lỗi của nhà sản xuất khi vô tình đưa điện trở sai kích thước vào một thiết bị mới, tạo ra những âm thanh khác biệt của nhịp tim người. Khám phá này đã làm thay đổi các loại máy trợ tim và cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Giấy ghi nhớ
Nhà phát minh Spencer Silver nghiên cứu một loại chất dính siêu mạnh để sử dụng cho phòng thí nghiệm. Tuy nhiên thay vào đó, ông vô tình tạo ra một chất liệu có khả năng kết dính nhưng cũng dễ dàng tách khỏi bề mặt. Đồng nghiệp của ông là Art Fry dùng loại keo này để giữ các mẩu giấy dấu trên sách thánh ca, và những tờ giấy nhớ đầu tiên xuất hiện.
Túi trà
Tháng 6/1908, khi gửi mẫu trà cho khách hàng, ông Sullivan đặt những nhúm lá trà trong túi lụa nhỏ để giảm chi phí. Khách hàng tỏ ra bối rối khi nhận được đơn hàng và vì không chắc chắn về cách sử dụng, họ nhúng chúng vào nước nóng. Túi trà lọc ra đời từ đó.
Ngũ cốc ăn sáng
Hai anh em John và Keith Kellog vô tình để quên bột mì đã nấu chín ở ngoài hàng giờ và không ủ. Bột sau đó được nướng lên và tạo thành những miếng snack giòn rụm. Ngày nay, chúng được bán như một món ngũ cốc ăn sáng phổ biến.