Thực hiện công văn số 64/TP-PBPL ngày 30/11/2015 của phòng Tư pháp huyện Tân Thành, sáng ngày 30/12/2015, UBND xã Tóc Tiên tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo huyện, xã, các ban ngành, đoàn thể xã, lực lượng vũ trang, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, tổ trưởng tổ phó các tổ dân cư và đại diện nhân dân trên địa bàn xã.
Hội nghị đã được 2 báo cáo viên là bà Đỗ Thị Minh Thúy – Phó phòng tư pháp huyện Tân thành và Trung tá Phạm Xuân Công – Chính trị viên phó ban CHQS huyện phổ biến các điều luật đáng chú ý của luật chính quyền địa phương và luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Luật Tổ chức chính quyền địa phương có 8 chương, 143 điều, quy định cụ thể về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Theo đó, chính quyền địa phương được chia thành 3 cấp gồm cấp tỉnh, huyện, xã và quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chính quyền địa phương nông thôn, chính quyền địa phương đô thị, chính quyền địa phương ở hải đảo.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2015. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm 10 chương, 98 điều quy định cụ thể về nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử và ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; ngày bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tuyên truyền vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu…
Đây là hai đạo luật được Quốc hội khóa XIII ban hành nhằm thực hiện Hiến pháp năm 2013 hướng đến xây dựng bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện thực tế và phân định rõ chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị và chính quyền hải đảo; nâng cao chất lượng bầu cử hướng đến xây dựng bộ máy nhà nước ở địa phương ngày càng hiệu lực, hiệu quả.