Ngày 10/6, Bộ KH&CN tổ chức hội thảo về xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn và tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ từ hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ cho đến lộ trình đổi mới công nghệ, trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo nhằm tạo ra những giống lúa thuần chủng chịu hạn, mặn, thích nghi với biến đổi khí hậu cũng như điều kiện canh tác lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Chính vì vậy, tại hội thảo này, các nhánh công nghệ mới đối với ngành hàng lúa gạo được xác định cần phải tập trung trong thời gian tới, bao gồm các công nghệ như: Lai hữu tính, chỉ thị phân tử, đột biến bằng tác nhân vật lý và công nghệ gene.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết định hướng cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) cấp quốc gia cũng như kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng trong việc đưa ra chiến lược phát triển cụ thể cho ngành hàng lúa gạo cũng như xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu tiếp theo phục vụ cho công tác chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Thời gian qua, việc đổi mới công nghệ đóng góp được 35% mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác như lực lượng lao động, quỹ đất ngày một giảm đi. Bên cạnh đó, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa ngành hàng lúa gạo nước ta vừa bảo đảm được an ninh lương thực vừa đưa nước ta vào TOP 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo đánh giá chung của đại biểu dự hội thảo, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới và tiếp cận công nghệ sản xuất, lai tạo giống nhưng đến nay, Việt Nam cũng chỉ có 17 đơn vị tham gia chọn tạo giống chính (6 doanh nghiệp và 11 viện, trường) cùng với khoảng 260 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống lúa.
Chính vì vậy, các giống lúa mới tạo ra phần lớn không đạt chất lượng nên việc đưa vào sản xuất cũng rất ít, khó kiểm soát được chất lượng giống trong sản xuất, đặc biệt là tỉ trọng xuất khẩu gạo từ các giống lúa chất lượng cao vẫn còn thấp và chưa có giống lúa xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.
Những năm gần đây, gạo phân khúc cao cấp đang có chiều hướng tăng nhưng xuất khẩu gạo chủ yếu vẫn là phân khúc trung bình, thấp do chưa chủ động được về giống. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có khả năng đáp ứng được 33% nhu cầu về giống, còn lại vẫn phải nhập khẩu giống lúa từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá trị khoảng 35 triệu USD/năm.