Một số đô thị của Việt Nam đang triển khai các hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh. Thay vì “nhân bản” các mô hình đã thành công trên thế giới, các địa phương đang chủ động tìm lời giải riêng cho bài toán đặc thù của mình.
Lái xe sử dụng phần mềm IParking để tìm chỗ đậu xe trong thành phố Hà Nội
Ông Nguyễn Công Tâm, Giám đốc Trung tâm Viettel huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cho biết, UBND thành phố Cà Mau mới đây đã giao cho Viettel chi nhánh Cà Mau tham gia nhiều nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố thông minh cho địa phương này.
Theo đó, Cà Mau sẽ có hệ thống camera giao thông, camera an ninh nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa 3 yếu tố con người - phương tiện - đường sá, tạo thành một hệ thống giao thông có trí tuệ, hiệu quả, an toàn, chính xác và tức thời. Các camera giao thông đều được kết nối với mạng truyền dẫn (có dây hoặc không dây) để điều khiển tín hiệu đèn cho phù hợp với lưu lượng xe trên các tuyến, giảm thiểu tắc nghẽn.
“Chúng tôi cũng xây dựng cả hệ thống điều hành, giám sát và quản lý tàu cá đánh bắt xa bờ nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá đi vào vùng biển nước ngoài; xây dựng các giải pháp tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho ngành giáo dục phục vụ công tác quản lý, dạy và học dựa trên chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngành nông nghiệp cũng sẽ ứng dụng CNTT để cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, đánh giá, quy hoạch việc nuôi tôm công nghiệp trên toàn tỉnh. Còn người dân có thể quản lý, điều khiển từ xa, theo dõi diễn biến, tốc độ phát triển của tôm, nguồn nước, thức ăn, từ đó tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro, tăng năng suất, sản lượng, rút ngắn thời gian nuôi tôm”, ông Tâm nói.
Các dịch vụ công thông minh cũng sẽ được xây dựng ở Cà Mau và Viettel tham gia hệ thống quản lý văn bản điện tử, công chứng hợp đồng, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát mọi hợp đồng công chứng trên phạm vi toàn tỉnh. Ngành y tế cũng ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện, quản lý cơ sở dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống và nhắn tin tự động nhắc lịch tiêm. Với ngành du lịch, hệ thống giám sát bảo tàng cũng được xây dựng giúp cơ quan quản lý quảng bá hình ảnh bảo tàng đến người dân nhanh nhất mà không cần đến tận nơi.
Ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết địa phương này đang triển khai thành phố thông minh từ những nhu cầu hết sức cụ thể của người dân, chẳng hạn như trong vấn đề giao thông. Du khách đến Đà Nẵng hiện nay chỉ cần nhắn tin là có thể biết được vị trí mình đang đứng và cần đi như thế nào để gặp được trạm xe buýt mình cần, tuyến xe phù hợp bao giờ sẽ tới.
Về ẩm thực, du khách chỉ cần nhắn tin theo cú pháp antoanthucpham và địa chỉ, tên nhà hàng, họ sẽ nhận được thông tin nhà hàng đó được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm vào lúc nào, đã hết hạn hay chưa và các thông tin khác. “Thậm chí, cả thông tin nhà hàng đó đã bao nhiêu lần gây ảnh hưởng cho khách hàng do vấn đề an toàn thực phẩm cũng được cung cấp”, ông Thanh nói.
Về hành chính, qua tổng đài 1022, người dân hoàn toàn có thể tra cứu toàn bộ thông tin liên quan tới thủ tục hành chính ở Đà Nẵng cũng như thủ tục giấy tờ, có thể “đặt hàng” làm thủ tục hành chính ngay tại nhà. Chỉ cần gõ cụm từ “thủ tục hành chính” và hẹn thời gian, sở chức năng sẽ cử người xuống tận nhà thực hiện thủ tục, ông Thanh cho biết.
“Liệu cơm gắp mắm”
Theo Bộ TT&TT, có 20 địa phương đang bắt tay vào triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh. Tuy nhiên, các địa phương không áp dụng theo một mô hình cụ thể nào mà thường cố gắng tìm giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề đang nổi cộm. Với các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, bãi đỗ xe là một bài toán gây đau đầu và các phần mềm tìm chỗ đỗ xe (iParking) đang được thí điểm áp dụng. Các địa phương này cũng đang ưu tiên tìm giải pháp cho vấn đề ách tắc giao thông.
Ông Thanh chia sẻ, khi triển khai xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng không tìm thấy mô hình sẵn có nào phù hợp: “Yếu tố quyết định vẫn là nguồn nhân lực. Khi có nhiều nhà tư vấn, cần chọn và ứng dụng giải pháp phù hợp với mình chứ không phải cái nào cũng là tốt. Các giải pháp thành phố thông minh đang triển khai ở các quốc gia là rất tốt, tuy nhiên, là một nước có thu nhập trung bình thấp, dù mong muốn một mô hình hiện đại nhưng chúng ta phải có cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế”.
Cùng quan điểm này, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, cho rằng, khi xây dựng thành phố thông minh phải căn cứ vào nhu cầu để giải quyết bài toán của thành phố và thành phố phải chủ động làm chứ không chờ một kế hoạch hoàn chỉnh từ Trung ương.
“Xây dựng thành phố thông minh là để phục vụ nhu cầu quản lý của thành phố. Do đó, mỗi địa phương phải giải bài toán riêng của mình. Mỗi thành phố phải chủ động kêu gọi các nhà tư vấn về giải pháp công nghệ”, ông Cường nói và cho rằng, TPHCM sẽ giải quyết các vấn đề cơ chế chính sách thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Điều gì cần sự hỗ trợ của Trung ương thì sẽ chủ động kiến nghị.