Sáng ngày 3/11/2017, tại hội trường TTVHTT-HTCĐ xã Tóc Tiên, Trạm khuyến nông huyện Tân Thành đã tổ chức buổi tập huấn mô hình khuyến nông 2017 với nội dung là hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón và thuốc BVTT trên cây mì cho bà con nhân dân trên địa bàn xã Tóc Tiên.
Tại buổi tập huấn, kỹ sư Trần Văn Thiện – Viên chức Trạm khuyến nông huyện Tân Thành đã nêu lên những đặc tính thực vật học cũng như các đặc tính vi sinh vật học của cây mì. Nội dung chính của buổi tập huấn là hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây khoai mì, trong đó công việc chọn giống là công tác quan trọng đầu tiên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BRVT, 1 số laọi giống khoai mì đang được trồng phổ biến là: Giống sắn HL-S11,Giống KM 98-1, Giống KM 140. Tiếp theo là công tác chuẩn bị hom giống. Chọ cây đều có độ tuổi 7 – 10 tháng, không nhiễm sâu bệnh, đúng giống; cây phải được bảo quản trong bóng mát không quá 3 tháng (tốt nhất là 1 tháng); hom bánh tẻ, chiều dài hom 20cm, tốt nhất chỉ nên lấy những hom giống trong khoảng 2/3 phần giữa thân. Để rải vụ, cần trồng khoai mì nhiều vụ/năm. Thường có 2 vụ trồng khoai mì chủ yếu là vụ Hè Thu và vụ mùa (hay còn gọi là vụ Thu Đông), ngoài ra còn có thể trồng thêm vụ Đông Xuân.
Khoai mì là cây thích ứng rộng trên nhiều loại đất khác nhau, đất trước khi trồng khoai mì phải đạt những yêu cầu sau:
- Tuỳ điều kiện và từng loại đất cày 1-2 lần.
- Độ sâu cày: 25-30 cm.
- Đất bằng phẳng, sạch cỏ, thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Đối với đất dốc thì làm đất theo đường đồng mức, có băng chống xói mòn bằng cách trồng các loại cây thành băng như: cốt khí, bình linh, dứa hoặc cỏ vetiver hoặc áp dụng chế độ luân, xen canh hợp lý.
Tuỳ vào điều kiện đất đai và tập quán canh tác mà có thể trồng theo 2 cách: Đặt hom nằm ngang hoặc đặt hom nghiêng 10 độ so với mặt đất. Yêu cầu lấp đất sâu 3-4cm.
Một công tác cực kỳ quan trọng trong canh tác khoai mì đó là chế độ phân bón và công đoạn chăm sóc cho cây khoai mì. Riêng đối với chân đất chuyên canh trồng mì lâu năm, đất đã bị bạc màu thì cần tăng cường phân hữu cơ kết hợp phân vô cơ hợp lý có năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong quá trình canh tác cây khoai mì, bà con không thể tránh khỏi sự phá hoại của một số loài sâu bệnh trên cây mì như: các loại sâu hại như: sâu ăn tạp, sâu xanh, sâu ăn lá, nhện đỏ; các loại bệnh hại như: bệnh héo vi khuẩn, bệnh đốm nâu, bệnh thán thư; Các bệnh do Virus như: virus khảm lá, virus xoăn lá, bệnh virus sọc nâu, bệnh chổi rồng. Vì vậy bà con nông dân cần xác định được chính xác loại bệnh và có các biện pháp phòng ngừa và chữa trị kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại.
Thời gian thu hoạch khoai mì thích hợp nhất khoảng từ 7 – 11 tháng sau trồng (tuỳ giống). Cần lưu ý tổ chức thu hoạch nhanh, gọn, sau khi thu hoạch phải vận chuyển ngay đến cơ sở chế biến, tránh phơi ngoài đồng lau sẽ làm giảm hàm lượng và chất lượng bột.
Ngoài việc sử dụng mì củ khoai mì tươi ra, trong công nghiệp chế biến hiện nay, củ khoai mì còn được chế biến dưới các dạng: tinh bột mì, mì lát khô, bột mì nghiền, mì viên khô,… Sản phẩm củ mì có mặt ở các món ăn Việt Nam như bún, miến, mì ống, mì sợi, bánh tráng, mạch nha và rượu…