Vụ điều 2016/2017 đã bị mất mùa, giảm mạnh về năng suất, sản lượng. Vụ điều 2017/2018 cũng có nguy cơ bị giảm năng suất, sản lượng nếu không có những biện pháp quyết liệt, kịp thời.
Đó là những nội dung quan trọng trong Hội nghị thúc đẩy thâm canh điều bền vững, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2017, ở 5 tỉnh trồng điều chủ lực là Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận đã có 78.797ha điều bị ảnh hưởng do sâu bệnh. Trong đó, có tới 52.959ha bị bọ xít muỗi, 17.751ha bị thán thư, 3.281ha bị bọ trĩ... Tỉnh bị nặng nhất là Lâm Đồng với 29.245ha, Bình Phước 21.205ha, Bình Thuận 17.506ha ... Theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh trồng điều chủ lực, đến tháng 8/2017, năng suất điều bình quân giảm 0,35 tấn/ha (giảm 31,36%) so với năm 2016, và chỉ đạt 0,755 tấn/ha.
Điều đáng nói là mất mùa vụ 2016/2017 cũng đang có khả năng ảnh hưởng lớn tới vụ 2017/2018, do nhiều diện tích chưa thể phục hồi. Trong tháng 9 và tháng 10, Cục Trồng trọt phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai, cùng một số đơn vị liên quan, đi kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển cây điều. Kết quả cho thấy 40% diện tích cây diều sinh trưởng, phát triển bình thường; 40% diện tích đang trong giai đoạn phục hồi khá, đang ra chồi, lá non; 20% diện tích cây điều phục hồi kém hoặc chưa có biểu hiện phục hồi.
Chính vì vậy, khôi phục các vườn điều bị thiệt hại do sâu bệnh trong vụ trước và phòng chống dịch bệnh vụ 2017/2018 đang là nhiệm vụ trọng tâm ở các địa phương trồng điều.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bình Phước, trong những tháng cuối năm nay, Sở NN-PTNT Bình Phước phối hợp cùng UBND 6 huyện, thị xã trồng điều tập trung triển khai ra quân thực hiện việc cứu hộ vườn điều. Các nội dung chia làm 2 đợt. Đợt 1 thực hiện trong tháng 9 và tháng 10, gồm: Thăm vườn phòng trừ sâu bệnh hại, đối với những vườn chưa tỉa cảnh lần 1 thì tiến hành tỉa bỏ những cành khô, cành bị sâu bệnh, bổ sung phân bón lần 2. Đợt 2 thực hiện trong tháng 11 và 12, tập trung hướng dẫn chăm sóc giai đoạn ra hoa, đậu trái....
Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh cần nắm chắc diễn biến phát sinh sâu bệnh trong từng tuần, nhất là ở những địa bàn đã bùng phát dịch bệnh trong vụ trước để ứng phó kịp thời. Các Trung tâm BVTV vùng cũng phải cử cán bộ xuống phối hợp chặt chẽ với Chi cục BVTV các tỉnh trong việc phòng chống sâu bệnh...