Con dúi (hay còn được gọi là chuột nứa, chuột tre hoặc con Don) được xem là một loại đặc sản vì thịt ngon, mát và rất nhiều đạm. Loại thực phẩm này luôn có giá cao và ổn định trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, mô hình nuôi dúi hiện nay đang là hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để mô hình này thành công bà con cần phải nắm rõ các kỹ thuật nuôi dúi, hiểu rõ tập tính sinh trưởng của loài vật này.
Kỹ thuật nuôi dúi cho năng suất cao
Làm chuồng cho dúi
Về địa điểm nuôi, dúi thích sống ở những nơi yên tĩnh, ít tiếng động. Dúi chỉ đi ra khỏi hang khi mặt trời đã tắt. Chính vì vậy nơi nuôi dúi phải là một nơi thật yên tĩnh, tránh ánh nắng chiếu vào, cũng không làm chuồng ở nơi có gió hay bị ước mưa. Chuồng nuôi dúi thường được làm theo từng ô. Các ô cần phải được thiết kế sao cho phù hợp với sự sinh trưởng của từng loại dúi, hoặc từng mục đích nuôi.
Chuồng nuôi dúi thịt
Kích thước mỗi ô có thể rộng khoảng 1,5-3m2 tùy thuộc vào số lượng dúi thả vào chuồng, có thể thả 2-3 con/chuồng. Để tránh dúi có thể đào đất chui đi mất, người chăn nuôi nên tô hết xung quanh 3 mặt bằng xi măng, nền có thể tráng xi măng hoặc gạch men độ dày khoảng 0,1m, nên thiết kế nền hơi nghiêng vào phía trong và đặt một đường ống để thoát nước (không quá 2cm).
Trong chuồng nên chuẩn bị những vật hình dạng ống để làm nơi trú ẩn cho dúi (miệng ống và chiều dài của ống phải lớn hơn thân dúi), số lượng ống phải bằng hoặc nhiều hơn số dúi thả trong ô. Nếu ô có diện tích lớn có thể nuôi đến chục con dúi.
Mặt trước ép lưới B40 làm cửa. Nhớ khoét một lỗ hình chữ nhật khoảng 2-3cm để đưa thức ăn vào và dúi đẩy phân ra.
Xung quanh nhớ xây bờ bao từ 0m8-1m để tránh trường hợp dúi rơi xuất sàn và đi mất.
Chuồng nuôi dúi sinh sản
Về cơ bản, vật liệu và dụng cụ giống với thiết kê ô chuồng cho dúi thương phẩm, chỉ khác về kích thước, ô cho dúi sinh sản chỉ dành cho một con, do đó kích thước nhỏ hơn, khoảng 0,5×0,9m (rxd).
Lựa chọn dúi giống
Nên chọn những con biết nguồn gốc là tốt nhất vì biết được lịch sử bố mẹ có bệnh tật hay không. Nếu mua dúi con thì trọng lượng khoảng 0,5kg là được. Nếu mua dúi ở xa thì khi về có thể bị hao hụt vì dúi không thích nghi được và bị sụt cân. Thông thương khi mua dúi giống về nên nhốt chung chúng lại trong một ô để chúng cảm giác quen thuộc, và dần tập thích nghi với môi trường mới. Thời gian thích nghi khoảng 4 tuần.
Nếu chọn dúi mẹ sinh sản nên chọn con nhìn khỏe mạnh, không dị tật, không quá mập, hai dãy vú đều nhau.
Thức ăn cho dúi
Dúi có thể ăn được nhiều loại thức ăn, tuy nhiên để đảm bảo cho tiêu hóa và sinh trưởng tốt, chỉ nên cho dúi ăn thân mía, tre bánh tẻ, bông lau, các họ tre, trúc, nứa, măng …, Ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại thức ăn khác như củ, quả các loại, ngô, khoai, sắn … (tuy nhiên những thức ăn nhiều tinh bột không nên cho ăn nhiều, chỉ nên bổ sung trong đoạn dúi mang thai).
Đặc biệt, kiêng kỵ cho dúi ăn các loại cỏ như cỏ voi, cỏ ghi-lê … vì dúi sẽ không đi ngoài được do bị tắt nghẽn đường ruột.
Khẩu phần ăn cho dúi
· 8-12 tuần tuổi cho ăn theo tỷ lệ 80gr củ quả + 8gr thức ăn khô cứng + 8gr thức ăn tinh
· 12-24 tuần, tỷ lệ 180-200gr củ quả + 13gr thức ăn khô cứng + 13gr thức ăn tinh
· 24-36 tuần, tỷ lệ 200-300gr củ quả + 18gr thức ăn khô cứng + 18gr thức ăn tinh
Trong quá trình cho ăn nhớ quan sát xem dúi ăn có thừa hay thiếu, để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu thức ăn thừa nên lấy ra không để qua đêm dễ gây thiu, mốc ảnh hưởng đến sức khỏe của dúi. Nếu thức ăn thiếu phải bổ sung thêm để tránh trường hợp chúng đói lại quay sang cắn nhau (có khi chúng cắn đến chết).
Khi cho dúi ăn đầy đủ các thực phẩm củ quả tươi, thì không cần bổ sung nước hoặc bổ sung với lượng thật ít.
Lưu ý khi chăm sóc
· Phân dúi không cần phải dọn, vì dúi sẽ tự đùn phân ra ngoài qua khe của cửa lưới. Chỉ hốt ở dưới sàn sau khi phân rớt từ chuồng dúi xuống mà thôi.
· Luôn đảm bảo nơi nuôi dúi luôn sạch sẽ, không bị ánh nắng trực tiếp hay nước mưa có thể lọt vào.
· Thường xuyên theo dõi xem dúi có mắc bệnh về tiêu hóa hay bệnh về da hay không để có cách xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của con bị bệnh và cả đàn.
Mô hình nuôi dúi làm giàu của cô gái Quảng Nam
Phần kết của bài này sẽ giới thiệu một mô hình nuôi dúi làm giàu của một cô cử nhân người Quảng Nam, với ý chí và quyết tâm tự làm chủ kinh tế, sau nhiều lần thất bại hiện giờ cô đã là chủ của một trại cung cấp dúi có quy mô lớn nhất nhì tại xứ Quảng.
Sau khi hoàn thành 4 năm đại học, chị Nguyễn Thị Phượng đã quyết định về quê lập nghiệp. Với nguồn thông tin tìm hiểu được từ internet và người quen biết, chị đã lựa chọn con dúi để khởi nghiệp.
Ảnh: www.khuyennongqnam.gov.vn
Lần nuôi qui mô lớn đầu tiên của chị Phương thất bại, do nguồn giống bị hao hụt trong quá trình di chuyển (chị mua giống ở một tỉnh miền Bắc). Chính vì sự kiên trì với nghề mà sau đó công sức chị bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm chị Phương thu được lợi nhuận từ 150 – 300 triệu đồng, ngoài ra chị còn thu lợi nhuận từ các “vệ tinh” (các hộ gia đình hợp đồng nuôi cho chị). Chị Phương chia sẻ, mô hình nuôi dúi của mình thành công là do điều kiện tự nhiên tại quê nhà rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của dúi, nguồn thức ăn cho dúi lại rất phong phú, dúi lại ít bị bệnh”.
Nhờ sự tâm huyết với nghề, mà chị Phượng đã vượt qua được những khó khăn, trở ngại ban đầu, giờ đây sản lượng đầu ra của chị đang ngày một tăng lên, thậm chí không đủ để cung ra thị trường. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, chị đã kết nối được với nhiều hộ “vệ tinh”, không những giúp họ cải thiện được kinh tế mà cũng là giúp chị củng cố thêm nguồn cung cho thị trường.