Chọn những giống cúc mới, đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Các giống cúc Hà Lan, Nhật Bản thường được thị trường ưa chuộng và tuỳ vụ trồng mà chọn giống cho thích hợp.
Hiện nay trong sản xuất có 2 loại cúc chính là cúc cành (có nhiều bông) như: Chi trắng, Muống hồng, Tia sao… và cúc đơn (có một bông) như CN43, Vàng Đài Loan, Tím sen.
THỜI VỤ TRỒNG:
Nhờ bộ giống đa dạng, phong phú, thích nghi với điều kiện sinh thái khác nhau, cúc có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ta có thể căn cứ vào các yếu tố sau để xác định thời vụ trồng thích hợp:
– Vụ Xuân hè: Trồng tháng 3, 4, 5 để có hoa vào tháng 6, 7, 8:
– Vụ Hè thu: Trồng tháng 5, 6, 7 để có hoa vào tháng 9, 10, 11:
– Vụ Thu đông: Trồng tháng 8, 9 để có hoa vào tháng 12, 1:
– Vụ Đông xuân: Trồng tháng 10, 11 để cúc ra hoa vào tháng 1, 2:
CHUẨN BỊ ĐẤT, LÊN LUỐNG, BÓN PHÂN:
Nên chọn khu đất cao, thoát nước, có đầy đủ ánh sáng và có chế độ luân canh thích hợp. Đất phải được cày sâu bừa kỹ và phơi ải.
Lên luống như sau: Chân luống rộng 1,1-1,2m, mặt luống rộng 80- 90 cm, luống cao 25 – 30 cm.
Liều lượng, cách bón lót (cho 1 sào Bắc bộ/360 m2): 2 tấn phân chuồng hoai mục + 50 kg super lân (hoặc 100kg phân vi sinh sông Gianh) trộn đều, bón trước khi trồng 10 – 12 ngày.
KỸ THUẬT TRỒNG:
Khoảng cách trồng, mật độ trồng:
Thường đối với những giống hoa to, đường kính từ 8 – 12 cm, mật độ 40 cây/m2 (tức là 14.000 – 15.000 cây/sào bắc bộ), như cúc CN43, Vàng Đài Loan, Tím sen…
Đối với những giống hoa nhỏ, đường kính từ 2 – 5 cm, ật độ từ 30- 35 cây/m2, như Chi trắng, Muống hồng, Tia sao, Tím lồi…
TƯỚI NƯỚC:
Cúc cần tưới nước trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, nhưng không cần nhiều. Trời hanh khô ngày tưới 2 lần, những ngày đầu việc tưới nước phải nhẹ nhàng không để cho các lá gần gốc bị dính đất hoặc bùn. Khi cây lớn cần tưới đủ ẩm, do cúc có khả năng chịu hạn hơn chịu úng nên tuyệt đối không để cúc bị ngập nước hoặc trồng ở nơi đất trũng.
PHÂN BÓN THÚC
Lượng phân cần cho suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây cúc như sau: (tính cho 1 sào Bắc Bộ):
– Phân chuồng nguyên chất: 500kg + Đậu tương phế phẩm: 100kg + Phân lân super: 30kg (cả ba loại này phải ngâm ủ hoai trước khi dùng ít nhất 15 ngày)
– Phân đạm ure: 10kg
– Phân Kali sunphat: 10kg
Bón làm 4 đợt:
– Đợt 1: 2 kg đạm + 1/4 lượng phân chuồng, cùng hoà vào nước. Tưới sau trồng 2 – 3 tuần.
– Sau đó lượng phân còn lại (8kg đạm ure + 10kg Kali sunphat + phân chuồng) chia đều làm 3 lần và hoà vào nước phân chuồng ngâm tưới, cứ 10 – 15 ngày tưới một lần, tưới đến khi cây cúc bắt đầu hình thành nụ thì dừng lại.
* LÀM CỎ, XỚI XÁO, TỈA CÀNH
Làm cỏ thường xuyên, việc vun xới được tiến hành khi cây còn nhỏ, khi cây lớn cần hạn chế để không bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ.
Đối với cúc 1 bông phải tỉa bỏ các cành nhánh phụ và nụ con, chỉ để 1 nụ to trên thân chính, dùng tay nhẹ nhàng vặt bỏ các nụ này. Đối với cúc chùm nên tỉa bớt các cành tăm, cành mọc gần sát gốc cây và ngắt bỏ nụ chính để các nụ bên phát triển đồng đều.
ĐIỀU TIẾT SINH TRƯỞNG CHO HOA CÚC
– Xử lý quang gián đoạn để ngăn cản hiện tượng nở hoa sớm.
Nhiều giống cúc phản ứng rất chặt với ánh sáng ngày ngắn. Để khắc phục hiện tượng này trồng cúc vào vụ Đông Xuân: Dùng bóng điện 100W để chiếu sáng thêm 4 giờ, từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, cứ 6 m2/1 bóng, chiều cao bóng đèn điều chỉnh xê dịch từ 1,0 – 1,2 m so với ngọn cây.
– Sử dụng một số hoá chất kích thích sinh trưởng để tăng chiều cao cây: như phun GA33 nồng độ 20ppm cho cúc vào thời kỳ sinh trưởng gặp điều kiện không thuận lợi (như nhiệt độ thấp) để tăng chiều cao cây.
– Cắt tỉa nụ: Nếu là cúc bông một chỉ cần giữ lại 1 hoa chính trên cây và phải ngắt bỏ toàn bộ số nụ ở phía dưới. Thời gian tỉa nụ tốt nhất là khi cuống nụ bắt đầu dài ra từ 1-1,5cm .
CẮM CỌC LÀM GIÀN GIỮ CÂY.
Khi cây cúc đạt chiều cao từ 15 – 20 cm tiến hành cắm cọc giàn giữ cho cây cúc mọc thẳng không bị đổ ngã.
Với các giống cúc có chiều cao cây > 50 cm cần căng 2 lớp lưới, lớp trên cách bông hoa từ 15 – 20 cm để tránh cho cây khỏi bị đổ khi mang hoa
CÁC LOẠI SÂU BỆNH HẠI CHÍNH, CÁCH PHÒNG TRỪ:
– Rệp: thường gây hại nặng ở vụ Xuân hè và Đông xuân. Có thể dùng Karate 2,5 EC 10 – 15 ml/bình 10l, Ofatox 400EC hoặc Supracide 40ND.
– Sâu xanh hoặc sâu cuốn lá: Có thể dùng Pegasus 500DD 5 hoặc Arrivo.
– Bệnh đốm lá: dùng Topsin M-70 WP 5 – 10g/bình 8 lít.
– Bệnh phấn trắng: dùng Anvil 5 SC hoặc Score 250 ND.
– Bệnh đốm nâu: Ngoài Score 250 ND hoặc Anvil 5 SC, có thể dùng thêm Roval WP với nồng độ 0,15%.
– Bênh gỉ sắt: dùng Zineb 80 WP 20 – 50g/10 lít hoặc Anvil 5 SC.
– Bệnh đốm vòng:sử dụng Daconil 500 SC 0,2% hoặc Altracol 70 BHN liều lượng 1,5 2 kg/ha.
– Héo vi khuẩn: sử dụng Streptomixin, nồng độ 100 – 150 ppm để trừ khuẩn.
Nhìn chung đối với các loại nấm gây hại, để đề phòng bệnh ngay từ ban đầu, sau trồng nên phun Champion 50 g/10lít hoặc Zineb 20 – 50g/10lít, định kỳ 5 – 7 ngày 1 lần vừa giảm tỷ lệ cây nhiễm bệnh vừa kích thích sự sinh trưởng, phát triển của cây.
THU HOẠCH, BẢO QUẢN VÀ ĐÓNG GÓI
– Xử lý trước khi thu hoạch
Trước khi thu hoạh 7 – 10 ngày, hoà loãng kali vào nước tưới cho cây với 60kg kali clorua cho 1 ha và phun thuốc diệt trừ sâu bệnh. Trước khi cắt hoa 1 – 2 ngày cần tưới đẫm gốc.
– Kỹ thuật thu hái.
Lựa chọn những bông hoa nở khoảng 2/3 số cánh, hoặc nở gần hoàn toàn cánh vòng ngoài trên cây. Dùng kéo cắt cành, cắt gần sát gốc, cách mặt đất khoảng 10 cm, cắt vào lúc sáng sớm (4 – 5 h) hoặc chiều mát (17 – 18 h) vào các ngày khô ráo, không mưa.
– Bảo quản hoa cúc
Trong trường hợp phân loại xong chưa mang đi tiêu thụ ngay, cần phải tiến hành bảo quản hoa bằng dung dịch dưỡng hoa:
– Đường Saccaro: 2-5%
– 8- HQC (8 Hyđroxyquinoline citrate): 200ppm hoặc Chlorin 50-100 ppm
– BA (Benzyl Ađenin): 2- 5 ppm
– Bổ sung thêm axit citric để pH của dung dịch = 3-3,5.