Với niềm đam mê gây dựng thương hiệu mật ong của quê nhà, Hoàng Anh đã từ bỏ công việc kế toán để tự mình khởi nghiệp như một chú ong chăm chỉ.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và tỉnh Gia Lai, mọi người thật sự ấn tượng trước một gian hàng được trang trí lịch lãm, nhẹ nhàng. Đó là mật ong Phương Di, thương hiệu mật ong hoa cà phê có tuổi đời khá trẻ của cô gái Trần Thị Hoàng Anh.
Hoàng Anh bắt đầu từ việc gây dựng đàn ong. Ban đầu chỉ vài chục thùng, sau lên hàng trăm và bây giờ cô đã sở hữu hơn 3.000 đàn, tương đương với ngần ấy số thùng.
Vừa mở nắp thùng ong lên để kiểm tra, những chú ong bay vù vù ra như quấn lấy cô chủ. Hoàng Anh cho biết những ngày này khi hoa cà phê chưa nở, đàn ong được cho ăn đường để dưỡng đàn.
"Mình xây dựng thương hiệu mật ong hoa cà phê, do vậy chỉ lấy mật vào mùa cà phê nở. Vị của mật ong hoa cà phê cũng khác biệt so với các loài hoa khác. Tại sao xuất hiện cà phê đặc sản của phố núi mà mình không có mật ong đặc sản từ hoa cà phê? Câu hỏi đó giúp mình bắt đầu xây dựng thương hiệu này" - Hoàng Anh chia sẻ.
Cần mẫn như chú ong nhỏ, cô từng bước thiết kế từ mẫu mã, hình ảnh đến các sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất. Ngoài mật ong hoa cà phê, sữa ong chúa, phấn hoa…, Phương Di còn có sản phẩm khác như kem dưỡng da mật ong và nghệ, viên tinh bột nghệ mật ong, mật ong chanh đào... được khách hàng ưa chuộng.
Hoàng Anh khoe cô vừa tham gia hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã toàn quốc do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Sản phẩm mật ong mang ra hội chợ trong ngày đầu tiên đã tiêu thụ hết, trong khi đó vẫn còn nhiều đơn hàng đang chờ đợi.
Xây thương hiệu từ loài hoa đặc sản
Để sản phẩm tiêu thụ tốt, Hoàng Anh dành thời gian đến các trung tâm thương mại lớn của cả nước, các hội chợ, thông qua mạng xã hội để quảng bá thương hiệu của mình.
Khi sản phẩm mật ong đóng chai ra đời, Hoàng Anh cho biết thuận lợi của mình chính là kinh nghiệm, hiểu biết về sản phẩm từ truyền thống nuôi ong lâu đời của gia đình và quá trình tiêu thụ. Tuy nhiên, cái khó nhất là tạo ra một thương hiệu khác biệt, không đi theo lối mòn của nhiều doanh nghiệp khác.
Thương hiệu mật ong Phương Di với bao bì mới nhanh chóng được yêu thích, doanh số bán hàng vì thế cũng tăng theo. Từ vài trăm chai bán ra trong năm đầu tiên, doanh số của công ty những năm sau đều tăng gấp ba lần so với năm trước, với hơn 20 đại lý khắp cả nước.
Với mục tiêu mang đến sản phẩm chất lượng cao cho người dùng, Hoàng Anh chú trọng chọn nguồn nguyên liệu và khâu kiểm định chất lượng. Mật ong thô được lấy từ các trang trại riêng của gia đình hoặc những hộ nuôi ong nhiều kinh nghiệm, đã ký hợp đồng đối tác và được đào tạo bài bản.
Sản phẩm đầu ra được kiểm tra kỹ càng. Hiện tại Hoàng Anh đang làm các thủ tục để sở hữu trí tuệ thương hiệu và mã vạch, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Song song đó, cô cùng mọi người lập ra hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ để đảm bảo đầu ra cho nông dân nuôi ong.
Năm 2017 vừa qua, doanh thu từ các sản phẩm của công ty đạt hơn 2 tỉ đồng. Một tin vui nữa đến với cô khi sản phẩm được Sở Công thương Gia Lai chọn là một trong số ít sản phẩm của tỉnh tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn khu vực, được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận vào tháng 7-2018.
Hoàng Anh quan niệm: "Lợi thế thực sự của nông nghiệp phải ở khâu chế biến. Để vươn ra thị trường toàn cầu, cần giải bài toán chế biến và làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Với những nguyên liệu đạt chất lượng, chúng ta cần chế biến, đóng gói theo khẩu vị, thói quen người tiêu dùng. Sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn theo đẳng cấp quốc tế".