Đến đầu thôn Vụ Nữ, hỏi thăm trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Hợi, thì không ai là không biết. Bởi, anh là người đầu tiên của tỉnh Nam Định chăn nuôi thỏ New Zealand với quy mô lớn. Anh được mệnh danh là “vua thỏ” đất Thành Nam.
Với tổng đàn ổn định 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm ở mọi lứa tuổi khác nhau, mỗi năm anh Triệu Đình Hợi (SN 1971, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) “đút túi” hàng trăm triệu đồng. Nhờ mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand mà gia đình anh xây được nhà to, mua ô tô đẹp và có của để dành…
Cơ duyên với thỏ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ làm nông nghiệp nên cuộc sống gia đình luôn “chìm” trong cái đói. Tuổi thơ, anh Hợi làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống phụ giúp gia đình. Năm 21 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Sau 4 năm 6 tháng rèn luyện trong quân ngũ, anh trở về quê hương lập nghiệp, xây dựng gia đình. Nhiều năm gắn bó với đồng ruộng nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Cuối cùng, anh lựa chọn con đường chăn nuôi để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thời gian đó, trong đầu anh luôn suy nghĩ “nuôi con gì, nuôi ra làm sao để hợp với thổ nhưỡng nơi đây và không bế tắc đầu ra?”. Với anh, lúc đấy là một bài toán khó, chưa có lời giải.
Sau nhiều lần suy đi tính lại, anh Hợi quyết định chăn nuôi lợn và gà công nghiệp. Năm 2010, gia đình anh đấu thầu được diện tích đất hai vụ lúa kém hiệu quả, từ đó anh quy hoạch lại đất đai, xây dựng chuồng trại để nuôi lợn và gà. Thời kỳ cao điểm, anh nuôi tới 1 vạn con gà, khoảng 400 con lợn.
“Người tính không bằng trời tính”. Chăn nuôi bết bát, giá cả bếp bênh, lúc cao lúc thấp; đầu ra không ổn định và gặp nhiều khó khăn nên anh Hợi không còn mặn mà với 2 loài vật nuôi này.
Anh Hợi bộc bạch: “Thời kỳ cao điểm, tôi nuôi tới 1 vạn con gà công nghiệp, gần 400 con lợn, nhưng chăn nuôi không có lãi, giá cả bấp bênh. Hơn nữa, đầu ra không ổn định nên tôi chán nản. Tôi chăn nuôi lợn, gà được mấy năm thì chuyển sang nuôi con khác, đó là con thỏ”.
Là người gắn bó với chăn nuôi nên anh Hợi thường xuyên giao lưu với những người cùng nghề. Anh tìm đến các trang trại lớn để học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cơ duyên để anh biết đến với con thỏ Newzeland hết sức tình cờ.
Trong một lần sang Ninh Bình chơi và tham quan mô hình chăn nuôi của người bạn, anh Hợi được mọi người giới thiệu về giống thỏ Newzeland. Nhận thấy đây là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, khả năng sinh sản nhanh, nguồn thức ăn phong phú, dễ kiếm, thích hợp với khí hậu ở nước ta…, anh Hợi quyết định mua giống về chăn nuôi thử.
Cuối năm 2015, anh Hợi thiết kế lại chuồng trại, làm lồng nuôi thỏ. Ban đầu, anh mua 150 con thỏ với giá 300 nghìn đồng/con về nuôi. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào nuôi, do không có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, kiến thức về phòng, chống bệnh ở thỏ nên một số con thỏ của anh Hợi ốm yếu, mắc bệnh và chết.
Không nản chí, anh Hợi quyết định tạm gác công việc nhà, tìm đến các trang trại chăn nuôi thỏ ở các tỉnh lân cận để học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc loài vật nuôi này.
Ngoài ra, anh còn lên mạng internet đọc báo, xem ti vi để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi thỏ; nghiên cứu hệ thống phân bổ chuồng nuôi và tách các ô nuôi riêng để thỏ ốm không lây bệnh cho thỏ khác…
“Tôi vừa nuôi, vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm, từ đó cũng khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi thỏ. Vì vậy, được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, nhất là phía Cty của Nhật Bản”, anh Hợi cho hay.
Đầu ra ổn định, lãi cao
Nhấp chén nước chè, anh Hợi bảo, nuôi thỏ Newzealand chi phí đầu tư thấp, ít công chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, diện tích chuồng nuôi không cần lớn nên năm 2016 anh quyết định nhân đàn với số lượng lớn.
Anh mua thêm con giống, đều tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, lắp đặt hệ thống thông gió, giúp điều chỉnh mức nhiệt phù hợp cho thỏ. Sau một thời gian, đàn thỏ của anh Hợi sinh trưởng tốt, lớn nhanh, không xảy ra dịch bệnh.
Sau gần 3 năm gây dựng, hiện tại, trang trại nuôi thỏ của anh Hợi rộng tới 1,6ha; được chia thành 8 dãy chuồng, trong đó 1 dãy nuôi thỏ sinh sản, 7 dãy nuôi thỏ thương phẩm. Trang trại nằm xa khu dân cư, được xây dựng kiên cố, chắc chắn. Không có mùi hôi thối, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong vùng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Hợi thổ lộ, từ cuối năm 2016 đến nay, gia đình anh luôn duy trì ổn định trên 8.000 con thỏ. Trong chuồng lúc nào cũng có 800 con thỏ sinh sản, hơn 7.000 con thỏ thương phẩm ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Với đầu ra ổn định, giá bán cao nên mỗi năm, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình anh Hợi “đút túi” hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, chủ yếu là người địa phương.
“Toàn bộ thỏ thương phẩm được tôi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty NIPPON Zoki Nhật Bản. Hàng tháng, trang trại xuất bán cho Cty này khoảng 1.300 con, trọng lượng 2,3kg/con với giá bán 77.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 500 triệu đồng”, anh Hợi chia sẻ.
Cầm con thỏ được 3 tháng tuổi trên tay, anh Hợi giới thiệu, thỏ Newzeland có bộ lông trắng, bông dày, mắt đỏ hồng, điều này giúp chúng ta có thể dễ dàng phân biệt thỏ Newzeland với các giống thỏ khác. Thỏ mẹ đẻ 7 - 8 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con. Thỏ thương phẩm lớn nhanh, từ khi sinh ra đến khi xuất chuồng vào khoảng 3 tháng và đạt trọng lượng từ 2,3 - 2,5kg.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi thỏ, anh Hợi nói, so với con lợn, con gà, nuôi thỏ rất nhàn, chúng có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, là loài ăn tạp với mạng lưới thức ăn đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, gia đình anh chỉ cho thỏ ăn cám viên, mỗi ngày cho ăn 2 bữa và uống nước sạch.
Đối với thỏ sinh sản và thỏ giống phải chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng. Đàn thỏ giống phải được tiêm vacxin đầy đủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Sau khi được 1 tháng tuổi thì tách thỏ giống ra khỏi thỏ mẹ và chọn những con khỏe mạnh, không dị tật để nhân đàn.
Theo đó, sẽ nhốt 1 con/ô chuồng, với kích thước 40 x 25cm/con. Chuồng nhốt phải làm chắc chắn, cách mặt đất gần 1m. Hàng tuần, phun thuốc sát trùng 2 - 3 lần xung quanh chuồng trại. Trước cổng ra vào trại thỏ có hố sát trùng. Chất thải được thu dọn sạch sẽ ngày 2 lần, sáng và chiều.
Cũng theo anh Hợi, để được ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm với Cty NIPPON Zoki Nhật Bản, trang trại phải thực hiện tốt các quy định; chăm sóc với quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Mỗi con thỏ thương phẩm, tương ứng với 1 mã số, được gắn bên trong tai để dễ quản lý, chăm sóc.
“Trước khi xuất bán, thỏ phải khỏe mạnh, không bị nấm mốc, ghẻ lở; không viêm vũi, rụng lông, chảy da… Và, phải đảm bảo cân nặng, dao động từ 2,3 - 2,5kg/con. Đảm bảo các yêu cầu trên thì phía Cty mới thu mua”, anh Hợi cho biết thêm.