Làng nghề trồng và chế biến thuốc nam, thuốc bắc thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, Văn Lâm (Hưng Yên) vừa kết thúc vụ thu hoạch cúc dược liệu (cúc hoa) được mùa được giá nhất từ trước đến nay.
Bà Đỗ Thị Lệ - Trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết: “Trong năm 2018, toàn thôn đã trồng được hơn 10ha cúc dược liệu, nếu tính cả các thôn liền kề như Đại Tài, Ngọc Lịch, Mộc Ty, thì diện tích cúc dược liệu ở khu vực này là gần 20ha. Hầu hết sản lượng hoa cúc sản xuất ra từ các diện tích nói trên, đều được chế biến tại chỗ và xuất bán qua các thương lái trong làng Nghĩa Trai, tổng sản lượng ước đạt 250 tấn, giá trị sản lượng trên 11 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng.
Có thể coi là vụ sản xuất được mùa, được giá nhất từ trước đến nay. Bởi chỉ trong 6 tháng trồng thâm canh cúc dược liệu, các nhà nông đã có được lợi nhuận 10 - 12 triệu đồng/sào (360m2). Những hộ gia đình trồng cúc, kết hợp với chế biến và cung ứng sản phẩm tới đầu mối tiêu dùng, lợi nhuận sẽ tăng hơn gấp bội. Nguyên nhân trồng cúc năm nay đạt thu nhập cao, chủ yếu do giá cúc hoa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm lại rất dễ bán, không bị phân loại nhiều”.
Gia đình ông Đỗ Văn Huấn (thôn Nghĩa Trai) trồng 7 sào cúc hoa, sau thu hoạch xuất bán toàn bộ sản phẩm, đã thu được hơn 154 triệu đồng, trừ hết các hạng mục đầu tư, còn “bỏ ống” được trên 100 triệu đồng.
Bí quyết trồng cúc hoa đạt hiệu quả cao của gia đình ông Huấn là: Chọn chân ruộng, đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, tưới tiêu chủ động. Xới xáo mặt luống thường xuyên. Phủ đất đè khóm, đè cành kịp thời... Cây cúc sẽ phát sinh nhiều mầm nhánh mới, sinh nhiều hoa. Đồng thời phải khẩn trương thu hái hoa khi các cánh ngoài cùng trên bông cúc vừa chớm mở.
“Trồng cúc dược liệu chủ yếu tốn công chăm sóc và thu hoạch, còn đầu tư giống vốn và phân bón không đáng kể. Để sản xuất cúc hoa đạt hiệu quả cao, các gia đình thường phải thuê mượn thêm một số công lao động thời vụ, tùy theo diện tích trồng” – ông Huấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thức (thôn Đại Tài) chỉ trồng 3 sào cúc hoa vẫn cần thuê mượn thêm 60 ngày công lao động, chủ yếu cho khâu thu hoạch. Vì thu hái cúc không kịp thời sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, giảm giá trị sản lượng.
“Thu hái hoa là công việc nhẹ nhàng, người hết tuổi lao động, các cháu thiếu niên, đều có thể tham gia thu hoạch cúc, ngày công có thể đạt 150.000 - 250.000 đồng/người, tùy theo năng suất lao động” – ông Thức cho hay.
Nét mới trong nghề trồng cúc hoa ở thôn Nghĩa Trai hiện nay là, phần lớn các gia đình ở đây đã không còn sử dụng diêm sinh (lưu huỳnh) trong chế biến và bảo quản hoa cúc. Thay vào đó là sấy chế làm khô kiệt hoa cúc hoàn toàn bằng nhiệt nhân tạo, bảo quản sản phẩm trong các bao gói hút chân không.
Theo đó mọi sản phẩm cúc hoa xuất bán ra từ làng Nghĩa Trai đều đảm bảo vệ sinh an toàn toàn thực phẩm, giúp tăng thêm giá trị sản xuất từ 25 - 40%, cho các gia đình trồng chế biến cúc hoa trong làng.
Bà Lệ (Trưởng thôn Nghĩa Trai) cho biết thêm: Nghề trồng và chế biến cúc hoa trong khu vực, được hình thành và phát triển gắn liền với làng nghề trồng và chế biến thuốc nam, thuốc bắc thôn Nghĩa Trai. Xa xưa cây cúc hoa chủ yếu sản xuất theo hướng tự cấp tự túc tự cấp cho nhu cầu nội tại. Từ sau đất nước thống nhất (năm 1975), đặc biệt từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, nghề trồng và chế biến hoa cúc dược liệu ở Nghĩa Trai đã được phát triển mạnh mẽ.
Ngoài trồng chế biến cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực. Mang lại nguồn thu nhập cao không chỉ cho gia đình trực tiếp sản xuất cúc hoa, mà còn giúp làm giàu cho nhiều thương lái chuyên thu mua, chế biến và kinh doanh hoa cúc. Qua đó đã góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội địa bàn.