-
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm 2019 đến nay cả nước có gần 35 nghìn người mắc SXH, trong đó có 9 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc giảm 48,6%, số ca tử vong giảm 12 trường hợp. Tuy nhiên, số ca mắc SXH trong những tuần gần đây đang có xu hướng tăng theo diễn biến mùa dịch SXH hằng năm.
Đặc biệt, con số này được ghi nhận ở thời điểm chưa vào mùa dịch sốt xuất huyết. Thông thường đỉnh dịch căng thẳng và tăng cao nhất vào tháng 9-11. Vì vậy, các chuyên gia đều nhận định dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp và đến sớm hơn mọi năm.
Biến đổi khí hậu dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino là một trong những nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam cũng như toàn cầu.
-
Nguyên nhân của bệnh, cách lây truyền
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue (Đen – gơ) gây ra. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti (An-des-ê-gyp-ti) thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường trú đậu ở nơi ẩm thấp, tối tăm như nơi treo quần áo, chăn, màn, sau tủ, rèm cửa,….Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch như: bể, chum, vại,…; các đồ vật chứa nước trong gia đình như: bình hoa, bát kê chân chạn,…; các đồ vật phế thải: lốp xe hỏng, chai lọ vỡ, gáo dừa,…; các hốc tự nhiên.,….
Vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn : trứng → bọ gậy → lăng quăng → muỗi trưởng thành.
Bệnh xảy ra quanh năm, lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và phát triển nhiều nhất vào mùa mưa.
Đến nay bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.
Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.
-
Biểu hiện của bệnh
- Sốt cao đột ngột 390C trở lên (kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, khó hạ sốt), và có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau:
-
Xuất huyết: chấm/ mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam,...;
-
Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn;
-
Đau cơ, đau khớp, nhức hai hốc mắt;
-
Mệt li bì, vật vã;
-
Đau bụng.
- Đến ngay cơ sở y tế để khám khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
- Trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà, cần thực hiện như sau:
-
Dùng thuốc và hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế;
-
Cho người bệnh uống nhiều nước (Oresol, nước cháo, nước dừa, nước ép trái cây);
-
Cho ăn thức ăn dễ tiêu: sữa, cháo hoặc súp;
-
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế khi thấy một trong các dấu hiệu nặng hơn như: sốt cao, li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều hoặc các biểu hiện xuất huyết nặng.
4. Cách phòng, chống bệnh SXH
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:
- Dùng thuốc xịt muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện...
- Thoa kem chống muỗi đốt, ngủ màn/ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại trừ ổ bọ gậy bằng cách phá hủy hoặc loại bỏ những ổ nước tự nhiên hay nhân tạo trong và xung quanh nơi ở như: thu dọn các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...,dùng bàn chà chà sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng..
- Dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà sạch sẽ.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
* Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”