Barie sẽ tự đóng mở dựa vào việc tính toán vận tốc và thời gian chạy tàu, giảm nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt. Ngoài ra, hệ thống còn có thể tự phát tín hiệu đến bệnh viện khi có tai nạn.
Nhận thấy được hậu quả khủng khiếp mà tai nạn giao thông đường sắt để lại cho con người, nhất là đối với các em nhỏ, hai học sinh là Hứa Quang Khánh và Diệp Khánh Đạt (lớp 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) đã cùng nhau lên ý tưởng sáng tạo ra “Hệ thống giao thông thông minh” nhằm khắc phục tình trạng trên.
Barie tự đóng mở, tự thông báo cho bệnh viện khi có tai nạn
Khánh chia sẻ, hiện barie chắn tàu lửa hiện nay chủ yếu do con người điều khiển nên vẫn xảy ra sai sót gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế nhóm đề xuất sử dụng hệ thống chắn tàu thông minh tự động hạ và nhấc thanh chắn. Quang Khánh phân tích, nhóm phải tính toán thời gian, vận tốc của tàu để lắp cảm biến siêu âm thích hợp. Khi cảm biến này nhận biết có tàu đi qua, tín hiệu sẽ được truyền tới barie chắn tàu và ngay sau đó đèn tín hiệu và còi tại trạm sẽ chớp và phát tín hiệu bằng âm báo để báo hiệu trước cho người lưu thông. Thanh chắn được hạ xuống cho tàu đi qua và nhấc lên vị trí cũ mà không cần phải có người gác chắn.
Trong trường hợp cúp điện, có thể lắp đặt thêm hệ thống để cung cấp nguồn điện khi có sự cố mất điện cho hệ thống báo tín hiệu và hệ thống chắn tàu hoạt động bình thường.
Ngoài ra, hệ thống còn được tích hợp tính năng báo cứu nạn thông minh. Hệ thống gồm 2 phần: Loa báo tin và phần nhận tín hiệu được thiết kế từ linh kiện Arduino Nano, bộ thu phát sóng RF, module Buzzer, các nút bấm…
Các nút bấm khẩn cấp sẽ được bố trí tại các cột đèn trên đường nơi có gắn camera an ninh. Hệ thống có một đầu phát tín hiệu đặt ở các cột đèn và một bộ thu tín hiệu đặt ở các bệnh viện gần tuyến đường đó, mỗi tuyến đường được thiết lập một vị trí.
“Khi có tai nạn giao thông xảy ra, mọi người xung quanh có thể bấm nút để gửi đi tín hiệu báo cấp cứu và xác định vị trí xảy ra tai nạn đến những bệnh viện gần đó để có phương án điều động, hỗ trợ xe cứu thương. Khi một bệnh viện nhận ca cấp cứu thì hệ thống sẽ vô hiệu hóa để tránh trường hợp nhiều bệnh viện đến hỗ trợ cùng một lúc” - Khánh Đạt mô tả.
Tuy nhiên khi làm sắp xong thì nhóm gặp phải một câu hỏi khó. Nếu có ai đó cố tình bấm nút gửi đi tín hiệu giả thì sao?
Vì vậy, để tránh bị các em nhỏ quậy phá hay người xấu phá hoại, nhóm quyết định cho đặt nút bấm để ở độ cao hợp lí, trên tuyến đường có gắn camera an ninh để truy xuất hình ảnh và dùng pháp luật để răn đe.
Tiết kiệm điện năng
Nhóm cũng tích hợp thêm chức năng tự tăng giảm độ sáng đèn đường phục vụ chiếu sáng hợp lý, tiết kiệm năng lượng tại các khu vực gác chắn. Cụ thể, chuyển động của tàu hỏa, phương tiện lưu thông được ghi nhận bởi cảm biến.
Thông tin sẽ được truyền cho các cột đèn kế tiếp để tăng cường độ chiếu sáng giúp cho người và phương tiện giao thông luôn có đủ ánh sáng trên lộ trình. Đặc biệt, những đoạn đường nào có nhiều người đèn sẽ sáng hơn chỗ ít người, thậm chí tự động giảm cường độ chiếu sáng khi trên đường không có người.
“Hệ thống đèn hiện tại bật tắt theo giờ. Những lúc chuyển giao mùa vào tháng 10, thì thời tiết lúc 17h-19h là tối rất nhanh nhưng chưa thấy đèn đường bật lên, trong khi có lúc trời sáng nhanh vào tháng 5 thì đèn đường lại bật gây một sự lãng phí điện năng rất lớn, cũng như ảnh hưởng đến việc đi lại của người tham gia giao thông” - cô Lê Thị Thúy, giáo viên hướng dẫn của nhóm, chia sẻ.
Hệ thống đèn thông minh sẽ tự điều chỉnh đèn sáng khi trời tối và tắt khi trời sáng mà không cần dùng đến hệ thống bật tắt theo thời gian, đồng thời tăng giảm cường độ chiếu sáng để phù hợp với lượng người lưu thông trên đường, giúp tiết kiệm lượng điện năng công cộng rất lớn.
Đây chỉ là mô hình, tuy nhiên khi được đưa vào thực tế, sẽ góp phần giải bài toán về tai nạn giao thông đường sắt, giảm lượng điện năng công cộng. Thông qua đó còn giúp mọi người thể hiện tinh thần tương thân tương ái mà không phải gặp nhiều rắc rối, ảnh hưởng đến công việc cá nhân.