Không muốn để kết quả nghiên cứu “cất ngăn kéo” TS Nguyễn Thị Ngoan (33 tuổi) cùng bạn lập dự án startup đưa sản phẩm ra thị trường.
Đề tài nghiên cứu tách chiết isoflavone trong thân sắn dây củ tròn - tên khoa học là Pueraria mirifica, thuộc chi Faboideae họ đậu (hay còn gọi là sâm tố nữ) được TS Nguyễn Thị Ngoan, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cùng cộng sự thực hiện từ cuối năm 2015. Với nguyên liệu là củ sắn dây củ tròn lấy từ Hòa Bình, Sơn La, nhóm nghiên cứu đã tách chiết thành công isoflavone và xây dựng được quy trình chiết xuất.
Chất isoflavone trong sắn dây củ tròn được nghiên cứu giúp bổ sung nội tiết tố nữ. Nhận thấy hiệu quả các chất quý, nhóm nghiên cứu của TS Ngoan đã bào chế thử theo dạng sản phẩm dùng nội bộ. Sau một thời gian dùng thử, nhận được phản hồi tốt từ người dùng, nữ tiến sĩ ấp ủ ý nghĩ phát triển sản phẩm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ý tưởng này được Ths Đào Ánh Vân hưởng ứng và cả hai hình thành Dự án khởi nghiệp Thực phẩm hỗ trợ bổ sung nội tiết tố nữ VIG Biopharm.
Sắn dây củ tròn đã được các nhà khoa học chứng minh chứa hoạt chất estrogen isoflavone mạnh gấp 100 lần so với các chất từ đậu nành và mạnh nhất trong các loài thực vật. Ở Việt Nam, người Thái tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu từ xa xưa đã sử dụng sắn dây củ tròn để làm đẹp và giữ gìn tuổi xuân.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Thái Lan, Nhật Bản, Anh Quốc cũng cho thấy, các hoạt tính sinh học chiết xuất từ sắn dây củ tròn có chứa các phyto-estrogen quý, tác dụng tương tự nội tiết tố nữ estrogen (kích thích sự phát triển của các tuyến ngực, giúp ngực nở, săn chắc tự nhiên, chống lão hóa mạnh như kích thích mọc tóc, chống bạc tóc sớm, giúp da căng mịn, giảm nếp nhăn và tàn nhang...). Trong một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Thái Lan và Anh đã xác định được tỷ lệ phụ nữ sử dụng bột chiết xuất từ củ Sâm tố nữ (liều 800mg/ngày trong 2 tháng) có hiệu quả làm nở ngực là 82% và săn chắc ngực là 88%.
Lý giải về việc bắt tay cùng TS Ngoan khởi nghiệp, Ths Đào Ánh Vân cho biết, từng công tác tại Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chị cũng băn khoăn khi nhiều đề tài nghiên cứu được nghiệm thu có giá trị và ý nghĩa nhưng chưa được ứng dụng thực tiễn. Có nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm nhưng chỉ dừng ở quy mô nhỏ hoặc ra thị trường được một thời gian ngắn rồi "chết yểu" do không được nhiều người biết đến. Vì vậy chị mong muốn kết hợp với các nhà khoa học, đưa kết quả nghiên cứu tới nhiều người sử dụng hơn.
Ở góc độ của mình, TS Ngoan tự tin với vốn kiến thức hóa học được rèn giũa từ Đại học Khoa học tự nhiên, tiếp đến là Đại học Dược Hà Nội, rồi hai năm nghiên cứu tại Trường Pusan Hàn Quốc. "Tôi muốn nhìn thấy sản phẩm nghiên cứu của mình được đưa ra thị trường, đến với nhiều người tiêu dùng thay vì cất ngăn kéo", TS Ngoan nói.
Hiện nhóm khởi nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục cấp phép để sản phẩm từ cây sâm tố nữ đến tay người tiêu dùng. Vùng trồng nguyên liệu sắn củ tròn cũng được nhóm bắt tay với bà con ở Lào Cai, đảm bảo cung ứng đầu vào.
TS Ngoan mong muốn tạo thành chuỗi, từ nghiên cứu đến nuôi trồng, sản xuất... để tạo thêm việc làm cho bà con nông dân. Khi đó sản phẩm mới có thể phát triển bền vững. Chị đang nghiên cứu tiếp, thử nghiệm một số dòng sản phẩm làm đẹp gồm cả mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, dự định đăng ký một số sản phẩm để thương mại hóa.