TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Bảy, 2/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 344309
  TÀI LIỆU KHCN

  Đồng Tháp: Khởi nghiệp từ sản phẩm nước mắm nhỉ cá linh truyền thống
01/06/2019

Khởi nghiệp từ việc khai thác “tài nguyên bản địa” là điều mà đa số các bạn trẻ ngày nay quan tâm, trong số đó có chị Lương Thị Bích Tuyền, sinh năm 1988, ở ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã chọn khởi nghiệp từ nước mắm nhỉ cá linh, đậm đà hương vị hồn cốt quê hương.

Dự án “Nước mắm nhỉ cá linh truyền thống” của Bích Tuyền đã được vào vòng bán kết cuộc thi “Ý tưởng, Dự án khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp” lần III/2017, tổ chức tại thành phố Cao Lãnh và được vào vòng chung kết lần thứ IV/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh… Chị Lương Thị Bích Tuyền đã vinh dự được bình chọn là một trong 5 gương mặt tiêu biểu, điển hình đại diện cho tuổi trẻ trong huyện để tuyên dương, khen thưởng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” nhân sinh nhật lần thứ 88 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầu nguồn sông Tiền, hằng năm, Bích Tuyền đều chứng kiến cảnh mùa nước nổi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, mang theo nhiều loại thủy sản, độc đáo nhất là loài cá linh - một sản vật quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Với nguồn tài nguyên quý giá này, cô gái trẻ Lương Thị Bích Tuyền đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo là chế biến nước mắm nhỉ truyền thống từ con cá linh để vừa có nước mắm nhỉ ăn trong gia đình, vừa giữ nghề truyền thống của cha ông và tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Chị Bích Tuyền vui vẻ chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống làm nước mắm nhỉ từ con cá linh của bà nội và ba tôi…, sau khi được ba chỉ dạy tận tình, vào năm 2014, tôi bắt tay vào nghề. Lúc đầu, tôi chỉ ủ có 3 khạp (tương đương 40kg cá linh và muối). Sau 1 năm ủ, khuấy đảo và phơi nắng, 40kg cá linh và muối đã cho ra 20 lít nước mắm nhỉ cốt. Có được sản phẩm, tôi đem bán thử ra thị trường. Lúc đầu gặp nhiều khó khăn do giá bán cao hơn các loại nước mắm nấu và nước mắm công nghiệp… Vả lại, số lượng nước mắm nhỉ của tôi rất ít vì phải “nhỉ” từng giọt và đem phơi nắng cho nước mắm chín đều, thơm, ngon, đậm đà… Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và cho nhiều khách hàng đến xem tận mắt cách chế biến nước mắm nhỉ của tôi đảm bảo chất lượng, không dùng bất cứ một loại hóa chất gì… Dần dà sản phẩm nước mắm nhỉ cá linh của tôi được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng nhiều. Từ đó, tôi tập trung vốn, mua thêm dụng cụ, nguyên vật liệu và mở cơ sở sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống, đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên “Nước mắm nhỉ Bích Tuyền”. Từ khi mở cơ sở sản xuất đến nay, thị trường bán nước mắm nhỉ Bích Tuyền ngày càng mở rộng. Từ đó, sản lượng nước mắm nhỉ Bích Tuyền của tôi chế biến ngày càng tăng”.

Chị Bích Tuyền đang kiểm tra các khạp cá linh 

 

Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống là: cá linh và muối… Từ lúc ủ, khuấy đảo và phơi nắng đến khi cho ra từng giọt nước mắm nhỉ thành phẩm đậm đà, thơm ngon… mất 9 - 12 tháng. Chị Bích Tuyền bày tỏ: “Để có đủ nguồn cá linh nguyên liệu chế biến nước mắm nhỉ, mỗi năm vào mùa nước nổi, tôi thu mua với số lượng nhiều, đủ sản xuất nước mắm bán ra thị trường trong thời gian tới 2 năm”.

Lúc đầu, chị Bích Tuyền chỉ sản xuất nhỏ lẻ với những dụng cụ chế biến thô sơ, mỗi ngày, chỉ sản xuất vài chục chai nước mắm nhỉ thành phẩm. Khi sản phẩm nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp tín nhiệm, chị đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm thiết bị hiện đại, khép kín, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Thương hiệu nước mắm nhỉ truyền thống Bích Tuyền đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Nếu như năm 2015, bình quân mỗi tháng cơ sở chỉ cung cấp ra thị trường từ 20 - 50 lít nước mắm nhỉ cốt, với 2 loại chai nhựa và chai thủy tinh, có thể tích từ 180- 500 ml và 1 lít, thì từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường từ 200 - 250 lít nước mắm nhỉ cốt, doanh thu đạt 17 - 21 triệu đồng/tháng.

Bà Thiên Hương ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi thường mua và sử dụng nước mắm nhỉ tuyền thống Bích Tuyền. Tôi thấy, đây là một loại nước chấm và cũng là loại gia vị nêm nếm, tẩm ướp để kho, nướng… rất ngon, có hương vị đậm đà, thơm ngon”.

Do sản phẩm nước mắm nhỉ truyền thống Bích Tuyền thơm ngon, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm, được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm nên bán rất chạy. Không ít mối lái đặt hàng mua với số lượng lớn để mở đại lý, cửa hàng… Sản phẩm nước mắm nhỉ truyền thống Bích Tuyền không chỉ có mặt trên thị trường miền Tây Nam Bộ mà còn lên tận thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên... Sản phẩm còn được tham gia trưng bày và bán sỉ, lẻ tại các Hội chợ do tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Cơ sở hiện đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/công nhân. Chị Bích Tuyền cho biết: “Sắp tới, cơ sở của tôi không chỉ mở rộng quy mô sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống mà còn chế biến ra sản phẩm mới là nước mắm cá linh hương dừa, làm thêm loại nước mắm có giá rẻ một chút để bán cho những người có thu nhập thấp”.

Anh Nguyễn Chí Khanh - Phó bí thư Huyện đoàn Tam Nông nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao về chất lượng nước mắm nhỉ truyền thống của bạn Bích Tuyền. Dự án“Nước mắm nhỉ truyền thống Bích Tuyền” có nhiều tiềm năng phát triển, phát huy tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ..., được Ban thường vụ Huyện đoàn rất quan tâm và đầu tư hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh… Phương hướng tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án này tham gia các phiên chợ nông nghiệp xanh, nhịp cầu xúc tiến thương mại, giới thiệu đến các chợ đầu mối lớn, các siêu thị... Đồng thời phối hợp với Trung tâm Phát triển du lịch huyện Tam Nông ký kết các tua du lịch gắn kết với các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tại các địa phương, nhằm thực hiện chương trình trọng tâm của tỉnh, huyện về thực hiện đề án phát triển du lịch và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Trần Trọng Trung-HT 168, Bưu điện huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu