TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310841
  TÀI LIỆU KHCN

  9X thành công nhờ nuôi cá lăng trên lòng hồ Na Hang
04/10/2019

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, thay cho việc đi dạy học như ước mơ thuở nào, chàng trai 9X đã rời vùng quê trung du Phú Thọ lên vùng lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) để lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lồng. Sau nhiều năm kiên trì và quyết tâm, anh đã thành công và làm giàu từ mô hình này ở chốn sơn thủy.

Đó là câu chuyện lập nghiệp của chàng trai Vy Ngọc Anh, sinh năm 1992 được chúng tôi gặp và ghi lại khi lên thăm, vãn cảnh hồ Na Hang. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vy Ngọc Anh cho biết, khi mới lên Na Hang, mọi thứ còn lạ lẫm và mới mẻ, đường đi từ thị trấn vào còn khá gập ghềnh, bốn bề hoang vu với mênh mông nước và núi. Ban đầu anh chỉ làm công việc nuôi cá lồng thuê cho anh họ, rồi sau đó bằng sự đam mê và khát khao lập nghiệp ở vùng đất mới, năm 2016, anh Vy Ngọc Anh đã bắt tay vào hành trình nuôi cá lăng và một số loại cá khác.

Hồ Na Hang là điểm du lịch nổi tiếng ở Tuyên Quang, nơi đây nước trong xanh bốn mùa, sạch và mát, lòng hồ sâu tới 30- 40m, các loài thủy sinh phát triển khá dồi dào nên rất thuận lợi cho việc nuôi thả cá lồng trên mặt hồ. Đồng thời, đây là khu vực hoang vu, thưa thớt dân cư nên chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích người dân lập những mô hình kinh tế trang trại và nuôi cá lồng trên mặt hồ. Thời gian đầu, khi bắt tay vào làm cá lồng, anh Ngọc Anh đã gặp khá nhiều khó khăn như kỹ thuật làm lồng cá, nuôi và chăm sóc cá, dịch vụ cung cấp thức ăn cho cá và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng những khó khăn ấy dần dần được giải quyết nhờ vào sự chịu khó, ham học hỏi và đặc biệt là sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, của những gia đình đã nuôi trước, anh Vy Ngọc Anh dần tích lũy kinh nghiệm để nuôi và chăm sóc cá lồng.

Anh Vy Ngọc Anh kiểm tra các lồng nuôi

 

Giống cá chính được gia đình anh chọn nuôi ở hồ Na Hang là loài cá lăng. Theo anh Vy Ngọc Anh, đây là loài cá ưa nước lạnh, sạch, trọng lượng lớn, có sức sống khỏe, thích nghi với môi trường nước và khí hậu như ở hồ Na Nang. Hơn nữa loài cá này đang được thị trường gần xa ưa chuộng, tiêu thụ nhiều hằng ngày. “Vạn sự khởi đầu nan”, ban đầu gia đình anh Vy Ngọc Anh chỉ nuôi 4 lồng cá, sau đó, tăng dần theo từng năm. Đến nay, sau 4 năm, gia đình anh đã phát triển lên tới trên 30 lồng.

Anh Vy Ngọc Anh cho biết, muốn thành công trước hết phải có niềm đam mê, hăng say lao động, biết vượt qua mọi khó khăn về nơi ăn chốn ở, về thời tiết và những rủi ro trong quá trình nuôi. Đồng thời, phải đầu tư vốn để làm lồng cá đủ rộng, kín và đặt ở chỗ nước sâu, thoáng, sạch. Phải thường xuyên vệ sinh lồng cá để cho lồng được thoáng khí, cho nước sạch ra vào đều đặn. Khi trong lồng có một con có dấu hiệu bị bệnh cần phải loại bỏ ngay để không bị ảnh hưởng tới cả lồng. Bên cạnh việc cho cá ăn đều đặn hằng ngày bằng thức ăn dành cho cá lăng, hằng ngày anh phải mua thêm khối lượng lớn tép dầu do người dân đánh bắt ở hồ Na Hang để cho cá ăn. Nhờ thế, chất lượng thịt cá lăng do gia đình anh nuôi luôn thơm ngon và đảm bảo chất lượng.

Thông thường, cá lăng (gồm cả lăng đen, lăng trắng) được gia đình anh Vy Ngọc Anh nuôi trong thời gian hai năm có trọng lượng từ 3-4 kg/con là có thể thu hoạch. Cá lăng là loại cá nhiều thịt, ít xương nên nhu cầu thị trường khá lớn. Khi thu hoạch, gia đình anh có nhiều cách để tiêu thụ cá ra thị trường. Có lái buôn ở các đầu mối đến tận lồng để mua với khối lượng lớn, có mối đặt theo kiểu mổ, đóng thùng xốp và gửi theo đường ô tô. Vì thế, những ngày thu hoạch cá, đóng hộp, vận chuyển là những ngày gia đình anh khá bận rộn và vất vả. Tuy nhiên việc thu hoạch cá được dàn đều theo từng ngày nên cũng sắp xếp được thời gian hợp lý và hàng không bị ứ đọng.

Sau gần 4 năm, gia đình anh Vy Ngọc Anh đã có gần 40 lồng cá và cho thu nhập đều đặn hằng năm. 

Ngoài nuôi cá lăng, anh Vy Ngọc Anh còn nuôi thả cá bỗng, cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, trắm giòn, chép giòn. Anh cho biết, cá rô phi đơn tính nuôi ở hồ Na Hang khá thuận lợi nhờ cá ưa nước hồ, lớn nhanh và thịt săn chắc, được thị trường ưa chuộng. Loại cá này sau 6-7 tháng cho thu hoạch, có trọng lượng từ 1-1,5kg/con nên có thời điểm bán khá chạy. Gia đình anh vừa nuôi cá vừa gắn với làm du lịch. Nếu du khách đến tham quan hồ Na Hang, có nhu cầu đặt ăn tại thuyền trên hồ, gia đình anh sẵn sàng phục vụ với những món ẩm thực chế biến từ cá và các sản vật địa phương.

Nhờ sự bền bỉ, kiên trì với mô hình nuôi cá lồng, đến nay, gia đình anh Vy Ngọc Anh đã gây dựng được cơ nghiệp trên lòng hồ Na Hang. Anh chia sẻ, làm công việc gì cũng hết sức khó khăn nhưng điều quan trọng là phải tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn đó để tiếp tục công việc. Nuôi cá lồng ở giữa hồ nước mênh mông, bốn bề là núi non trùng điệp cũng vậy, không thể biết trước những rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng bằng sự quyết tâm vượt khó, gia đình anh đã đạt được những thành công nhờ mô hình này. Điều đó được minh chứng ở thành quả mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình anh có thu nhập từ 200-250 triệu đồng.

Nguyễn Thế Lượng, Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu