TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Ba, 19/3/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 310728
  TÀI LIỆU KHCN

  Sản xuất giống nấm mang lại thu nhập ổn định
23/11/2019

Cơ sở sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm của anh Lê Đăng Cường xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là địa chỉ tin cậy được nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất nấm tại Hà Tĩnh tìm đến. Đây là cơ sở vừa cung ứng giống nấm và nấm thương phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thạch Hà, sau một thời gian làm ăn xa quê, có chút vốn liếng trong tay, anh Lê Đăng Cường trở về với mong muốn được phát triển kinh tế tại quê hương. Năm 2013 cơ duyên nghề trồng nấm đến với anh. Ban đầu chỉ là một công nhân làm thuê học hỏi, tìm tòi kiến thức về cây nấm, đến nay anh đã xây dựng được cơ sở sản xuất giống nấm sò, một trong những loại nấm dễ trồng, mang lại thu nhập cao với diện tích 3000m2 tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà.

Cơ sở của anh Cường được chia làm nhiều khu vực. Khu nhà Thí nghiệm để nuôi cấy các bào tử nấm (Khu vực nhân giống cấp I) (giống gốc). Các khu vực II, khu vực nhân giống cấp III (phôi nấm), khu vực nhân giống cấp IV (giống nấm) và khu vực sản xuất giống thương phẩm.

 

Mỗi năm anh Lê Đăng Cường xuất bán hơn 200.000 bịch giống nấm cho các cơ sở và cá nhân sản xuất nấm trên toàn tỉnh

 

Bào tử nấm được tách ra từ các sợi nấm, sau đó được nuôi trong môi trường thạch (PDA) cho sợi nấm phát triển. Môi trường thạch này được tạo ra bằng cách lấy nước luộc từ khoai tây cho thêm đường, agar khuấy đều. Cho thạch vào chai thủy tinh sau đó hấp vô trùng. Lựa chọn mô nấm khỏe, không già, không non. Dùng dao lấy ở giữa mô nấm một mẫu nhỏ 2 x 2 (mm) cho vào giữa môi trường thạch (đã nguội). Sau khi cấy mô giống nấm vào môi trường thạch, để chúng vào nơi sạch sẽ, khô ráo 10 - 15 ngày sẽ thấy các sợi nấm lan ra khắp chai. Đây là giống cấp I (giống gốc). Sau đó chuyển giống cấp I sang môi hạt lúa để nhân giống cấp II. Hạt lúa được sử dụng ở đây chủ yếu là giống Xuân Mai và giống Khang dân 18, được làm sạch, luộc lên tạo môi trường cho nấm sinh sống. Quá trình nhân giống cấp I, cấp II được thực hiện trong phòng vô trùng.

Giống cấp III được nuôi trong môi trường cây sắn. Anh Cường thu mua cây sắn tươi về, cạo sạch vỏ, cắt đoạn khoảng 10 cm, ngâm nước vôi, đóng bịch trong túi niong để nhân nhanh số lượng giống cấp III.

Giống cấp IV được nuôi cấy trong môi trường mùn cưa, bông phế thải. Mùn cưa, bông phế thải được xay nhỏ, xử lý qua nước vôi, đem ủ, đóng trong bịch ni long, hấp vô trùng, sau đó cấy giống cấp IV vào. Từ giai đoạn nuôi cấy bào tử nấm đến giai đoạn đưa giống vào môi trường mùn cưa, bông phế thải (giống cấp IV), theo anh Cường mất khoảng 50 - 60 ngày. Bịch nấm có thể ươm trên giàn hoặc dưới nền nhà. Thời gian ươm bịch từ 18 - 20 ngày cho đến khi sợi nấm ăn kín trắng toàn bộ bịch nấm, làm cho bịch nấm rắn chắc và sợi nấm ăn vào nguyên liệu tạo thành khối màu trắng đều từ trên miệng xuống đáy túi. Lúc này là giai đoạn xuất bán bịch giống nấm cho cá nhân, hoặc cơ sở mua về để tự tay chăm sóc.

Khi bịch nấm trắng đều tiến hành treo bịch nấm lên dây, hướng miệng túi xuống phía dưới, dùng dao nhọn sắc rạch 6 - 9 vết rạch xung quanh bịch nấm (các vết rạch so le và đều nhau), kích thước vết rạch rộng 2 - 3 cm, sâu 4 - 5 cm. Sau khi rạch khoảng 5 - 7 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch. Nấm sò mọc thành từng cụm nên thu hái cả cụm. Khi nấm có đường kính mũ đạt từ 3 - 4 cm thì tiến hành thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 - 3 tháng.

Anh Cường cho biết, nấm sò có thể sản xuất quanh năm nhưng mùa nấm cho năng suất, chất lượng cao bắt đầu từ tháng 9 và được thu hoạch đến tháng 4 năm sau. Khi nấm đã cho thu hoạch thì cứ 3 - 4 ngày sẽ thu hoạch một lứa. Ngày ít nhất cơ sở của anh cũng thu được 5 – 7 kg.

 

Từ khi nấm bắt đầu hình thành đến khi thu hoạch mất 3 - 4 ngày

 

Quá trình trồng nấm, vất vả và quan trọng nhất là khâu cấy giống và theo dõi phôi. Sau khi nấm hình thành xuất hiện trên bịch nấm thì việc chăm sóc khá đơn giản. Hằng ngày, chỉ cần tưới nước sạch để tạo độ ẩm cho nấm phát triển. Cần điều chỉnh lượng nước tưới để đảm bảo nấm có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để phát triển có chất lượng nấm tốt và năng suất cao.

Anh Cường cho hay, cơ sở của anh xuất bán cả phôi nấm (giống nấm cấp III), bịch nấm (giống nấm cấp IV) và cả nấm thương phẩm. Mỗi năm xuất bán gần 1.000 bịch phôi nấm, hơn 200.000 bịch giống nấm, 5 - 7 tấn nấm sò thương phẩm, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Ngoài sản xuất nấm sò là chính, cơ sở của anh còn sản xuất mộc nhĩ, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi… Bên cạnh đó cơ sở sản xuất nấm của anh đã tạo công việc thường xuyên cho 6 người dân tại địa phương với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/người. Tùy vào thời vụ đều mang lại hiệu quả cao. Đồng thời anh cũng là nhà cung cấp giống nấm và liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm cho nhiều cơ sở trồng nấm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

 

Thái Thơm, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu